Diện bao phủ BHXH, BHYT, BHTN tiếp tục được mở rộng và vượt chỉ tiêu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Năm 2022, ngành BHXH Việt Nam tiếp tục thực thi nhiệm vụ trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức do tác động của đại dịch Covid-19 và những thay đổi về chính sách đã ảnh hưởng đến khoảng 4,9 triệu người không tiếp tục được hỗ trợ tham gia BHYT so với thời điểm cuối năm 2021. Do đó, toàn Ngành đã triển khai nhiều giải pháp hiệu quả, thiết thực tăng tỷ lệ tham gia BHXH cũng như hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do Covid-19.
Toàn Ngành đã triển khai nhiều giải pháp hiệu quả, thiết thực tăng tỷ lệ tham gia BHXH
Toàn Ngành đã triển khai nhiều giải pháp hiệu quả, thiết thực tăng tỷ lệ tham gia BHXH

Khó khăn chưa từng có tiền lệ

Theo chia sẻ của đại diện BHXH TP.HCM, trong những năm qua, làn sóng dịch Covid-19 xảy ra làm ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân cả nước, trong đó TP.HCM là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Năm 2022, tình hình dịch bệnh Covid -19 bước đầu được kiểm soát nhưng vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Với chủ đề năm 2022 của Thành phố là “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”, nền kinh tế xã hội của Thành phố đã từng bước được phục hồi.

Tuy nhiên còn nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, chưa bố trí đủ việc làm cho người lao động. Việc phát triển người tham gia BHXH, BHYT so với quy mô dân số và lực lượng lao động của Thành phố vẫn còn thấp. Nợ BHXH, BHYT còn cao do nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, sức khỏe doanh nghiệp chưa phục hồi; một số doanh nghiệp cũng dựa vào tình hình dịch bệnh cố tình để nợ, không trích đóng hoặc đóng không đủ số người thuộc diện phải tham gia.

Tại Hà Nội, theo đại diện BHXH Thành phố, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tác động đến việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ BHXH, BHYT. Số người tham gia BHXH, BHYT còn thấp so với tiềm năng; còn nhiều đơn vị, doanh nghiệp chưa tham gia BHXH cho người lao động; nợ đóng, trốn đóng BHXH ảnh hưởng đến việc giải quyết các chế độ BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động.

Tuyên truyền vận động chính sách BHXH

Tuyên truyền vận động chính sách BHXH

Chủ động, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn

Nhận diện được bối cảnh chung đầy khó khăn và thách thức đó, theo Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh, với quan điểm xuyên suốt “Lấy người dân, doanh nghiệp (DN) làm chủ thể, trung tâm phục vụ”, ngành BHXH Việt Nam đã luôn chủ động, bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương linh hoạt triển khai nhiều giải pháp. Đó là tích cực, chủ động phối hợp với các Bộ, ngành trong việc xây dựng, sửa đổi các dự luật quan trọng liên quan đến việc thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); Huy động sự vào cuộc mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai quyết liệt, hiệu quả chính sách BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn; Quyết liệt, linh hoạt thực hiện hiệu quả, tạo dấu ấn rõ nét ở tất cả các lĩnh vực hoạt động của Ngành; Kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho người dân, NLĐ, DN theo quy định, nhất là trong bối cảnh khó khăn chịu tác động bởi đại dịch Covid-19- chưa từng có tiền lệ.

Ngành BHXH luôn chủ động, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn

Ngành BHXH luôn chủ động, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn

Theo chia sẻ kinh nghiệm của đại diện BHXH tỉnh Bình Định tại Hội nghị triển khai công tác năm 2023 vừa diễn ra, 2022 là năm thứ 4 liên tiếp tỉnh Bình Định không vượt dự toán của Thủ tướng Chính phủ giao, mà các năm trước đây Bình Định là một trong những tỉnh điểm nóng về vượt dự toán.

Đạt được kết quả trên, nhất là kết quả phát triển người tham gia BHXH bắt buộc, là có sự hỗ trợ tích cực của ngành Thuế và ngành Kế hoạch - Đầu tư, cùng ý thức trách nhiệm của chủ doanh nghiệp trong thực hiện chính sách an sinh xã hội. Ý thức của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao cũng được nâng cao, thực hiện theo chỉ đạo của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam: “Lấy người dân và doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm phục vụ; nâng cao chỉ số hài lòng của người tham gia BHXH, BHYT” phân công, phân nhiệm vụ theo nguyên tắc 4 rõ “Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm và rõ kết quả”, xây dựng kế hoạch thực hiện mang tính trọng tâm, đột phá để thực hiện, lượng hóa tất cả các nhiệm vụ thành các chỉ tiêu cụ thể và tổ chức thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua của Ngành.

Ví dụ như Phong trào “Vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, toàn Tỉnh đã vận động các nhà tài trợ mua 9.134 thẻ BHYT cấp cho người cận nghèo có hoàn cảnh khó khăn, với tổng số tiền 737 triệu đồng. Hay là Phong trào thi đua mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong Ngành phát triển mới ít nhất 03 người tham gia BHXH tự nguyện (đã phát triển mới 1.629 người tham gia BHXH tự nguyện)…

Một số kết quả nổi bật của ngành BHXH trong năm 2022:

- Khoảng 91,1 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 92,04% dân số, tăng hơn 2,2 triệu người so với năm 2021 và là 1 trong 7 chỉ tiêu kinh tế - xã hội được Quốc hội, Chính phủ giao hoàn thành vượt kế hoạch. Khoảng 17,5 triệu người tham gia BHXH, đạt 38,08% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng14,3 triệu người tham gia BHTN, đạt 31,18% lực lượng lao động trong độ tuổi. Trong đó, trên 1,4 triệu người (chủ yếu là nông dân, lao động tự do) tham gia BHXH tự nguyện; hơn 20 triệu người tham gia BHYT hộ gia đình;

- Giải quyết trên 95,6 nghìn hồ sơ hưởng mới và chi trả kịp thời đến 3,3 triệungười hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng; gần 11 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe; trên 977,6 nghìn người hưởng các chế độ BHTN; 151,4 triệu lượt người hưởng BHYT; với tổng số tiền chi cho người hưởng lên đến 382 nghìn tỷ đồng. Trong đó có 61% người hưởng qua tài khoản cá nhân tại khu vực đô thị, vượt chỉ tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1813/QĐ-TTG trước 3 năm.

- Tổng số tiền hỗ trợ lên trên 47,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 45,2% trên tổng các gói hỗ trợ Covid-19 của Chính phủ (theo đó, đã có 99,3% người nhận hỗ trợ qua tài khoản ngân hàng). Trao tặng trên 16 nghìn sổ BHXH và trên 124 nghìn thẻ BHYT cho 140 nghìn người có hoàn cảnh khó khăn trong cả nước.

- Ngành đã cung cấp, chia sẻ gần 62,3 triệu lượt thông tin cho CSDL quốc gia về dân cư. Đến nay đã có trên 12 nghìn cơ sở KCB tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD gắn chíp (chiếm 93,8% tổng số cơ sở KCB BHYT). Hiện kho cơ sở dữ liệu của Ngành đã có thông tin của trên 98,7 triệu người dân; kết nối liên thông với gần 13 nghìn cơ sở KCB; tiếp nhận khoảng 300 triệu hồ sơ giao dịch trực tuyến trên Hệ thống giao dịch điện tử và Hệ thống Thông tin giám định BHYT; thực hiện hơn 500 triệu xác thực và chia sẻ thông tin với các Bộ, ngành địa phương… Hoàn thiện, bổ sung ứng dụng "VssID-BHXH số", đến ngày 31/12/2022, toàn quốc có trên 28 triệu tài khoản được phê duyệt và kích hoạt sử dụng.

- Qua thanh tra, kiểm tra tại 36.065 đơn vị, số tiền các đơn vị chậm đóng trước khi có quyết định thanh tra, kiểm tra là 3.298 tỷ đồng, số đã khắc phục, nộp tiền chậm đóng là 3.068 tỷ đồng (bằng 93%), tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2021. Nhờ đó, số tiền chậm đóng phải tính lãi chỉ chiếm 2,91% số phải thu - đây là tỷ lệ số tiền chậm đóng trên số phải thu thấp nhất từ năm 2016 trở lại đây (năm 2016 là 6%).

Chuyên đề