“Điểm nghẽn” đầu tư công lĩnh vực y tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tỷ lệ giải ngân đầu tư công của ngành y tế những năm gần đây luôn thấp hơn mức bình quân chung của cả nước. Nguyên nhân xuất phát từ những vướng mắc pháp lý, từ khâu chuẩn bị đầu tư, đấu thầu đến thực hiện hợp đồng các gói thầu.
Dự án Cơ sở 2 của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Dự án Cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai đang tạm ngừng triển khai. Ảnh: Ngọc Thành
Dự án Cơ sở 2 của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Dự án Cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai đang tạm ngừng triển khai. Ảnh: Ngọc Thành

Theo Bộ Y tế, năm 2023, Bộ đã tổ chức lựa chọn nhà thầu cho 206 gói thầu thuộc các dự án đầu tư phát triển với tổng giá gói thầu là 518,841 tỷ đồng, tổng giá trúng thầu là 463,245 tỷ đồng. Trong đó, đã hoàn thành lựa chọn nhà thầu một số gói thầu xây lắp quy mô lớn thuộc các dự án như: Đầu tư xây dựng Viện Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương (tổng mức đầu tư 1.000 tỷ đồng); Xây dựng Bệnh viện Ung bướu Nghệ An (giai đoạn 2) 1.259 tỷ đồng…

Tuy nhiên, một số gói thầu gặp khó khăn trong quá trình lựa chọn nhà thầu, thậm chí phải hủy thầu và tổ chức đấu thầu lại do nhiều nguyên nhân, làm ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án. Đơn cử, Gói thầu số 16 Thi công xây dựng nội thất công trình thuộc Dự án Đầu tư xây dựng Viện Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương phải điều chỉnh lại hồ sơ mời thầu. Tại Dự án Xây dựng Bệnh viện Ung bướu Nghệ An (giai đoạn 2), Gói thầu số 03 Khảo sát địa chất bước thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công phải hủy thầu, đấu thầu lại vì 1 nhà thầu đạt yêu cầu kỹ thuật nhưng thiếu hồ sơ đề xuất tài chính; Gói thầu số 08 phải sửa đổi hồ sơ mời thầu sau khi phát hành…

Ngày 26/2/2024, UBND tỉnh Lâm Đồng đã điều chỉnh, bổ sung kế hoạch lựa chọn nhà thầu thuộc Dự án Đầu tư cải tạo, nâng cấp Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Tỉnh, 52 trạm y tế tuyến xã và 5 phòng khám đa khoa khu vực; Dự án Đầu tư xây dựng mới 9 trạm y tế tuyến xã và mở rộng Trung tâm Y tế Đam Rông. Trong đó, UBND Tỉnh cho phép kéo dài thời gian giải ngân của cả 2 dự án đến ngày 31/12/2024.

Trước đó, vào cuối tháng 12/2023, UBND Tỉnh thống nhất chủ trương cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Lâm Đồng (Chủ đầu tư) được điều chỉnh giảm một số nội dung đầu tư và xử lý kỹ thuật thuộc Dự án Đầu tư cải tạo, nâng cấp CDC Tỉnh, 52 trạm y tế tuyến xã và 5 phòng khám đa khoa khu vực. Đồng thời, UBND Tỉnh đề nghị Chủ đầu tư rút kinh nghiệm trong quá trình khảo sát, thiết kế dự án, tránh tình trạng phải điều chỉnh, bổ sung làm kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đã được bố trí.

Làm sao để “giải bài toán” chậm tiến độ cũng là thách thức đặt ra nhiều năm nay với Dự án Cơ sở 2 của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Dự án Cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai. Cả hai dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2020, nhưng từ giữa năm 2020 đến nay tạm ngừng triển khai do gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Theo tìm hiểu, thực tiễn triển khai 2 dự án có nhiều nội dung hợp đồng đã ký và đã thực hiện chưa phù hợp với quy định của pháp luật về hợp đồng xây dựng, pháp luật không quy định và hướng dẫn cho các tình huống này. Trong đó, vướng mắc chủ yếu bắt nguồn từ công tác lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh thiết kế - dự toán các gói thầu hỗn hợp (thiết kế, thi công và lắp đặt thiết bị). Căn cứ mời thầu là thiết kế cơ sở, khái toán tổng mức đầu tư nên nhiều nội dung còn sơ lược, chưa chi tiết, không có căn cứ xây dựng giá gói thầu, nhất là khối lượng xây dựng, điều kiện hợp đồng, mẫu hợp đồng, dẫn đến khó khăn khi mời thầu, xét thầu, ký kết hợp đồng cũng như thực hiện hợp đồng.

Ngoài ra, hồ sơ mời thầu chưa có thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công nên không có khối lượng chi tiết công việc, chưa có dự toán chi tiết. Hợp đồng đã ký không theo loại hợp đồng nào đã được pháp luật quy định (không phải hợp đồng EPC đầy đủ vì khâu thiết kế kiến trúc do tư vấn khác lập, không có khối lượng công việc chi tiết, hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh nhưng trong hợp đồng không có đơn giá cụ thể để điều chỉnh...). Kể từ khi bị đình hoãn đến nay, các dự án phát sinh thêm chi phí bảo hành, bảo trì, sửa chữa, thay đổi quy định quản lý đầu tư xây dựng…

Để khắc phục, đầu năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác rà soát khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện 2 dự án này do Bộ trưởng Bộ Y tế làm Tổ trưởng. Tổ công tác đã tổ chức nhiều cuộc họp bàn với các bộ, ngành, các nhà thầu thi công của 2 dự án để rà soát, đánh giá toàn diện các vấn đề pháp lý liên quan và nghiên cứu đề xuất phương án xử lý với Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Một số ý kiến cho rằng, việc điều chỉnh lại cho đúng quy định pháp luật là không thể thực hiện được, nên cần phải có cơ chế riêng cho phép nhà thầu cũ tiếp tục thực hiện hợp đồng hay chấm dứt hợp đồng và lựa chọn nhà thầu thực hiện phần công việc còn lại; cơ chế điều chỉnh các hợp đồng; xác định giá trị khối lượng công việc đã hoàn thành để thanh quyết toán cho nhà thầu (bao gồm khối lượng phát sinh ngoài thiết kế cơ sở và hợp đồng, trượt giá)…

Chuyên đề