Deaura và VPBank bị tố không minh bạch dịch vụ

(BĐT) - Báo Đấu thầu vừa nhận được phản ánh của bà Đỗ Thị Tuyến về sự không minh bạch trong giao dịch mua mỹ phẩm Deaura với Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) và Công ty TNHH Deaura (Deaura). 
Văn bản trả lời bà Đỗ Thị Tuyến của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng
Văn bản trả lời bà Đỗ Thị Tuyến của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng

Giữa tháng 5 vừa qua, cái tên FE Credit - một công ty tài chính thuộc sở hữu của VPBank - cũng được nhắc tới trong vụ việc khách hàng tố bị lừa vay trả góp khi mua mỹ phẩm Deaura.

Chưa hoàn thành đăng ký hợp đồng theo mẫu

Theo đơn phản ánh, tháng 4/2018, bà Đỗ Thị Tuyến được mời đến Deaura, địa chỉ 68 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội để sử dụng miễn phí mỹ phẩm nhãn hiệu Deaura. Sau đó, Deaura đưa cho khách hàng giấy đăng ký kiêm hợp đồng cho vay không tài sản bảo đảm, mở và sử dụng tài khoản thanh toán, thẻ ghi nợ và dịch vụ ngân hàng điện tử (sau đây gọi là hợp đồng cho vay) để vay tiền VPBank mua bộ sản phẩm với giá 43 triệu đồng. Bà Tuyến cho rằng sản phẩm được sử dụng miễn phí như cam kết của Deaura, sau đó dùng đến đâu trả tiền đến đó, nhưng thực tế đã mắc phải khoản nợ với VPBank.

Trong việc thực hiện giao dịch với VPBank và Deaura, bà Tuyến cho biết có nhiều điểm bất thường, không công khai, minh bạch, không đúng quy định của pháp luật. Đơn cử, phần Xác nhận và cam kết của khách hàng trong hợp đồng cho vay có nội dung gây bất lợi cho khách hàng. Hay hợp đồng cho vay có quá nhiều nội dung giao dịch khác nhau trong cùng một văn bản dễ gây nhầm lẫn cho khách hàng...

Đáng chú ý, theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng thuộc Bộ Công Thương, việc đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung của VPBank trong giao dịch với khách hàng mua sản phẩm Deaura cho đến thời điểm 18/6/2018 vẫn chưa được hoàn thành theo quy định tại Điều 14 Nghị định 99/2011/NĐ-CP ngày 27/10/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.”

Báo Đấu thầu đã có liên hệ với VPBank để làm rõ những phản ánh của bà Tuyến nhưng đã hơn 1 tuần trôi qua, VPBank vẫn chưa có phản hồi. 

Mối quan hệ giữa VPBank và Deaura

Công ty TNHH Deaura được thành lập ngày 11/12/2014 với số vốn điều lệ là 20 tỷ đồng. Qua 9 lần thay đổi đăng ký kinh doanh, Deaura đã đổi tên thành Công ty TNHH Venesa (theo giấy đăng ký thay đổi lần thứ 8 ngày 5/3/2018). Cùng với đó, cơ cấu cổ đông cũng như tỷ lệ sở hữu cũng liên tục thay đổi. Tuy nhiên, những lần đổi chủ của Deaura đều xoay quanh 3 cá nhân có mối quan hệ với VPBank, gồm: Hoàng Anh Minh, Nguyễn Quỳnh Anh và Trần Ngọc Trung.

Đầu tiên phải kể đến cổ đông sáng lập của Deaura là bà Hoàng Anh Minh, vợ Chủ tịch HĐQT VPBank Ngô Chí Dũng. Hiện tại, bà Minh đang sở hữu 72,9 triệu cổ phiếu VPBank, tương đương 4,642% vốn điều lệ. Quy mô này còn vượt số sở hữu của cá nhân Chủ tịch VPBank Ngô Chí Dũng với 70,3 triệu cổ phiếu (4,4732%).

Còn theo thay đổi đăng ký doanh nghiệp mới nhất (lần thứ 9) được cấp ngày 5/7/2018, các cổ đông của Venesa bao gồm các thể nhân và pháp nhân: D&D Health and Beauty Limited (28,5%), Nguyễn Quỳnh Anh (5%) và Trần Ngọc Trung (66,5%). Vậy các cổ đông này là ai?

Bà Nguyễn Quỳnh Anh, cổ đông nắm giữ 5% vốn của Venesa đang là người đại diện theo pháp luật và kiêm chức vụ Tổng giám đốc của Công ty. Bà từng là cựu Trưởng ban Kiểm soát của VPBank. Bà Quỳnh Anh với ông Ngô Chí Dũng từng là nhân sự nòng cốt của Techcombank.

Ông Trần Ngọc Trung - cổ đông lớn nhất của Venesa với tỷ lệ sở hữu tới 66,5% - là con ông Trần Ngọc Bê. Vợ ông Bê là bà Ngô Thanh Hằng, chị gái Chủ tịch VPBank Ngô Chí Dũng.

Chuyên đề