Đề xuất cơ chế đặc thù mở rộng đường Hòa Lạc - Hòa Bình

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - UBND tỉnh Hòa Bình vừa đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư mở rộng đường Hòa Lạc - Hòa Bình theo phương thức PPP với cơ chế đặc thù được sử dụng phần vốn góp từ ngân sách nhà nước chiếm hơn 50% tổng mức đầu tư Dự án (tối đa 70%). Việc áp dụng cơ chế này nhằm tăng tính khả thi của phương án tài chính, đảm bảo hiệu quả đầu tư của Dự án.
Tỉnh Hòa Bình đề xuất mở rộng đường Hòa Lạc - Hòa Bình theo phương thức PPP với phần vốn góp từ ngân sách nhà nước chiếm hơn 50% tổng mức đầu tư. Ảnh: Lê Tiên
Tỉnh Hòa Bình đề xuất mở rộng đường Hòa Lạc - Hòa Bình theo phương thức PPP với phần vốn góp từ ngân sách nhà nước chiếm hơn 50% tổng mức đầu tư. Ảnh: Lê Tiên

UBND tỉnh Hòa Bình cho biết, tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình đã được đưa vào khai thác, sử dụng từ ngày 10/10/2018. Dự án do Bộ Giao thông vận tải là cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký hợp đồng BOT với nhà đầu tư. Tuyến đường có chiều dài khoảng 25,7 km, quy mô đường cấp III - đồng bằng, với 2 làn xe cơ giới, chiều rộng nền đường 12 m, chiều rộng mặt đường 11 m. Việc đầu tư xây dựng mở rộng tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình trong giai đoạn 2021 - 2025 là cần thiết để từng bước đồng bộ hệ thống tuyến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên nhằm kết nối Thủ đô với các tỉnh Tây Bắc.

Theo đề xuất, Dự án có điểm đầu tại Km0 - điểm đầu Dự án đường Hòa Lạc - Hòa Bình hiện trạng (giao với đường Hòa Lạc - Làng văn hóa các dân tộc thuộc địa phận xã Yên Bài, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội) và điểm cuối tại Km23+040 ở vị trí điểm giao cắt giữa đường Hòa Lạc - Hòa Bình hiện trạng và Quốc lộ 6 (Km64+940). Tổng chiều dài tuyến đường là 23,04 km, trong đó đi qua địa phận Hà Nội khoảng 6,37 km, địa phận tỉnh Hòa Bình khoảng 16,67 km. Tuyến đường sẽ được thiết kế xây dựng 6 làn xe (có dự trữ quỹ đất 2 bên đường để xây dựng hệ thống đường bên quy mô 4 làn xe (mỗi bên 2 làn) và xây dựng đường sắt liên vùng trong tương lai, chiều rộng dự trữ 40 - 70m) với tổng chiều rộng nền đường hoàn thiện khoảng từ 80m - 110m. Tổng mức đầu tư mở rộng tuyến đường Hòa Lạc -Hòa Bình dự kiến là 8.168,544 tỷ đồng (đã bao gồm lãi vay 392,248 tỷ đồng). Trong giai đoạn 2021 - 2025, thực hiện đầu tư tuyến đường với quy mô 6 làn xe (tận dụng tối đa 2 làn xe hiện tại) và giải phóng mặt bằng toàn bộ phạm vi đầu tư của Dự án, tạo điều kiện hoàn thiện các hạng mục còn lại trong tương lai. Việc giải phóng mặt bằng thực hiện 1 lần với tổng diện tích dự kiến khoảng 303 ha, trong đó địa phận Hà Nội là 90 ha, địa phận Hòa Bình khoảng 213 ha.

Hiện Dự án Đầu tư mở rộng tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình không nằm trong danh mục dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã được Quốc hội thông qua, việc sử dụng vốn ngân sách trung ương để tham gia thực hiện Dự án là không khả thi. UBND tỉnh Hòa Bình đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương để tham gia thực hiện Dự án và giao cho UBND tỉnh Hòa Bình là cơ quan có thẩm quyền đối với Dự án Đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình.

Khoản 2 Điều 69 Luật PPP quy định, tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP nhằm mục đích hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng thuộc dự án PPP và chi trả kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư, hỗ trợ xây dựng công trình tạm không quá 50% tổng mức đầu tư của dự án.

Tuy nhiên, UBND tỉnh Hòa Bình cho rằng, Hòa Bình là tỉnh miền núi có địa bàn rộng, điều kiện thi công gặp nhiều khó khăn, suất vốn đầu tư cao hơn mặt bằng chung của cả nước, lưu lượng phương tiện ít hơn các địa phương vùng đồng bằng nên thời gian thu hồi vốn kéo dài. Phương án thực hiện dự án PPP sử dụng ngân sách nhà nước với tỷ lệ tối đa 50% sẽ gây áp lực lên phương án tài chính của nhà đầu tư, làm giảm tính khả thi của Dự án. Do đó, UBND tỉnh Hòa Bình đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế đặc thù được sử dụng phần vốn góp từ ngân sách nhà nước chiếm hơn 50% tổng mức đầu tư Dự án (tối đa 70%) nhằm tăng tính khả thi của phương án tài chính, đảm bảo hiệu quả đầu tư. Việc áp dụng cơ chế đặc thù khi sử dụng ngân sách nhà nước thực hiện dự án PPP sau khi được Quốc hội thông qua các cơ chế đặc thù để đầu tư hệ thống đường cao tốc.

Chuyên đề