Ảnh chỉ mang tính minh họa: Lê Tiên |
Công ty CP Phát triển đầu tư xây dựng Việt Nam (VINADIC) tham dự Gói thầu số 8 Thi công xây lắp do Ban Quản lý dự án bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc mời thầu. Đối thủ duy nhất của VINADIC là Công ty TNHH Thương mại Tân Hồng.
Khi xem xét về bảo lãnh dự thầu và hợp đồng tương tự, Bên mời thầu đã có văn bản đề nghị VINADIC làm rõ E-HSDT, cập nhật trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (gọi tắt là Hệ thống), nhưng hết thời gian làm rõ (gần 3 ngày), Nhà thầu vẫn không có văn bản làm rõ. Khoảng 2 tiếng sau khi hết hạn làm rõ, VINADIC có văn bản xin gia hạn thời gian làm rõ, nhưng do sơ suất liên quan đến người ký tên văn bản đề nghị gia hạn, nên không được chấp nhận. VINADIC cuối cùng đã bị loại vì không đáp ứng tính hợp lệ của E-HSDT.
Điều đáng nói, VINADIC là một nhà thầu có lịch sử trúng thầu rất tốt. Gói thầu số 8 có giá dự toán hơn 100 tỷ đồng không lớn so với những gói thầu, dự án mà VINADIC đã từng thực hiện. Ở gói thầu này, khi mở hồ sơ đề xuất kỹ thuật, VINADIC cũng chào thời gian thực hiện hợp đồng ngắn hơn đối thủ tới 35 ngày. Cán bộ phụ trách công tác đấu thầu của VINADIC chia sẻ, nguyên nhân chậm làm rõ là do không biết Bên mời thầu có văn bản đề nghị làm rõ, đến khi phát hiện thì đã quá thời hạn yêu cầu. Nhà thầu vội làm văn bản đề nghị gia hạn thời gian làm rõ nhưng có sơ suất về người đứng đơn, không được Bên mời thầu chấp nhận nên Nhà thầu bỏ cuộc.
Trong khi đó, Công ty TNHH Thương mại Tân Hồng may mắn hơn vì cập nhật thông tin kịp thời. Ngay sau khi Bên mời thầu đăng tải văn bản đề nghị làm rõ E-HSDT lúc 16h41 ngày 17/10/2019, chưa đầy 4 tiếng sau (20h00 cùng ngày), Tân Hồng đã có văn bản giải trình làm rõ E-HSDT. Theo tìm hiểu, Tân Hồng là nhà thầu từng trúng nhiều gói thầu trong lĩnh vực hàng hải.
Đó chỉ là một trong nhiều trường hợp nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm tốt, thậm chí có xếp hạng cao hơn, bị loại vì không kịp làm rõ E-HSDT. Có nhà thầu cho biết, bên mời thầu chỉ cho thời hạn làm rõ chưa đến 2 ngày, ngày hôm trước đăng văn bản đề nghị làm rõ, thì hai hôm sau đã hết hạn, nhà thầu có phát hiện được đề nghị làm rõ thì trong một số trường hợp cũng không kịp làm rõ. “Bên mời thầu đề nghị chúng tôi làm rõ một loạt vấn đề, từ bảo lãnh dự thầu, cung cấp các hợp đồng tương tự, làm rõ tính tương tự về tính chất của hợp đồng đã thực hiện, rồi nhân sự…, nhưng chỉ cho thời hạn 2 ngày. Lúc chúng tôi biết được đề nghị làm rõ đăng trên Hệ thống thì hôm sau đã hết hạn làm rõ”, một nhà thầu chia sẻ.
Ngược lại, cũng có không ít nhà thầu may mắn như Tân Hồng ở Gói thầu số 8 nêu trên, không bị chậm khi bên mời thầu đề nghị làm rõ. Có thể thấy rằng, cùng một gói thầu, khi bên mời thầu gửi văn bản đề nghị làm rõ E-HSDT trên Hệ thống, nhiều trường hợp có 1 nhà thầu biết thông tin sớm và làm rõ kịp thời, những nhà thầu còn lại hoặc không biết nên không kịp làm rõ, hoặc biết mà không chuẩn bị kịp tài liệu. Nhà thầu cập nhật thông tin làm rõ kịp thời thường cũng là nhà thầu đã từng trúng thầu tại bên mời thầu đó trước đây.
Một số nhà thầu cho rằng, nhiều chủ đầu tư/bên mời thầu đã lợi dụng việc đề nghị làm rõ E-HSDT để loại nhà thầu không thân hữu. Nhà thầu ruột vẫn được gửi đề nghị làm rõ để đánh lạc hướng, nhưng sẽ được “nhắc” để kịp cập nhật văn bản làm rõ lên Hệ thống.
Theo một chuyên gia đấu thầu, sau khi mở thầu, nhà thầu có trách nhiệm làm rõ HSDT theo yêu cầu của bên mời thầu. Đối với đấu thầu qua mạng, theo quy định tại Thông tư 04/2017/TT-BKHĐT, việc làm rõ E-HSDT được các bên (nhà thầu, bên mời thầu) thực hiện trực tuyến trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Việc không cập nhật kịp thời yêu cầu làm rõ E-HSDT có thể do nhà thầu không thường xuyên đăng nhập tài khoản chứng thư số trên Hệ thống để theo dõi. Dù lý do đề nghị làm rõ E-HSDT là gì, thì cách để nhà thầu không bị mất cơ hội vẫn là chủ động cập nhật thường xuyên thông tin về gói thầu mình tham dự. Các chủ đầu tư/bên mời thầu cũng cần quy định thời gian làm rõ phù hợp để nhà thầu đủ thời gian chuẩn bị các tài liệu bổ sung, làm rõ cần thiết.