Để định mức, giá xây dựng không “làm khổ” nhà thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo Bộ Xây dựng, thời gian qua, hàng chục nghìn định mức xây dựng đã được rà soát, qua đó loại bỏ nhiều định mức lạc hậu. Tuy nhiên, những biến động rất mạnh về giá cả đầu vào cho hoạt động xây dựng thời gian qua, cùng với những yêu cầu mới của công tác đầu tư trong bối cảnh phục hồi kinh tế, đòi hỏi định mức, giá xây dựng cần có sự điều chỉnh kịp thời để không cản trở phát triển, làm khó nhà thầu.
Hầu hết các địa phương trong cả nước đã ban hành bộ đơn giá xây dựng công trình để phục vụ cho công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng trên địa bàn. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Hầu hết các địa phương trong cả nước đã ban hành bộ đơn giá xây dựng công trình để phục vụ cho công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng trên địa bàn. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Theo ông Đàm Đức Biên, Cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng thuộc Bộ Xây dựng, đến nay, hệ thống định mức sau khi rà soát đã được Bộ Xây dựng, các bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành ban hành với tổng số khoảng 34 nghìn định mức cho hầu hết các công việc xây dựng áp dụng chung cho cả 5 loại công trình xây dựng với các công nghệ, biện pháp thi công được sử dụng phổ biến.

Hầu hết các địa phương trong cả nước (61/63) đã ban hành bộ đơn giá xây dựng công trình để phục vụ cho công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng trên địa bàn; 63/63 tỉnh, thành đã thực hiện khảo sát, công bố giá vật liệu, giá nhân công trên địa bàn; 58/63 tỉnh, thành đã ban hành giá ca máy.

Tuy nhiên, do tác động tiêu cực trong và ngoài nước trong thời gian gần đây, giá cả các mặt hàng năng lượng, vật tư, nguyên liệu sản xuất tăng đột biến và liên tục biến động và với yêu cầu hình thành các dự án đầu tư công hoặc đối tác công tư rất lớn, quản lý phức tạp như Dự án Cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 trong thời gian qua, hệ thống quy định về định mức, giá xây dựng, suất vốn đầu tư và quản lý hợp đồng xây dựng đã tiếp tục xuất hiện những bất cập, không theo kịp và gây cản trở thực tiễn.

Cụ thể hơn, ông Biên cho biết, qua nắm bắt thông tin từ các cơ quan quản lý, chủ đầu tư, nhà thầu, các bên liên quan, Cục Kinh tế xây dựng nhận thấy một số khó khăn, vướng mắc nổi cộm. Thứ nhất là nhóm vấn đề liên quan đến việc tổ chức xây dựng, ban hành và áp dụng định mức. Hệ thống định mức xây dựng tuy đã được rà soát, điều chỉnh bổ sung thời gian qua nhưng vẫn còn thiếu định mức cho một số công tác xây dựng sử dụng công nghệ mới, vật liệu mới và một số công tác xây dựng đã được ban hành định mức nhưng trong thực tế có các yêu cầu thiết kế kỹ thuật, biện pháp tổ chức thi công, điều kiện thi công khác với quy định đã ban hành. Một số định mức ban hành nhưng chưa phù hợp hoặc có hao phí thấp hơn so với thực tế… Nghị định 10/2021/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng đã giao thẩm quyền cho chủ đầu tư xem xét, quyết định việc sử dụng, áp dụng định mức dự toán mới; định mức dự toán điều chỉnh theo đề xuất của tư vấn lập dự toán xây dựng công trình thay cho việc phải trình người quyết định đầu tư phê duyệt như trước đây. Tuy nhiên, việc tổ chức xây dựng, thẩm định, điều chỉnh định mức mới ở giai đoạn lập dự toán xây dựng công trình theo quy định vẫn còn lúng túng…

Ông Đàm Đức Biên cho biết, việc tổ chức xác định, công bố giá xây dựng công trình và chỉ số giá xây dựng tại địa phương thuộc trách nhiệm của UBND cấp tỉnh. Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương xác định giá xây dựng, chỉ số giá xây dựng theo quý, công bố chậm, chưa bám sát diễn biến thị trường… Việc chậm công bố giá các yếu tố đầu vào và chỉ số giá xây dựng của các địa phương dẫn đến thiếu dữ liệu để tính toán, dự trù chi phí dự án đầu tư xây dựng và điều chỉnh giá trong công tác thanh toán, quyết toán hợp đồng các gói thầu xây dựng đang triển khai thực hiện.

Thời gian qua, Báo Đấu thầu đã tiếp nhận nhiều phản ánh của nhà thầu về những bất cập trong định mức, giá xây dựng. Trong đó, nhiều nhà thầu đã chỉ ra những định mức, đơn giá cụ thể không phù hợp, thậm chí khiến nhà thầu càng làm càng lỗ, từ vật liệu xây dựng, nhân công, ca máy, thiết bị. Các nhà thầu đều đang trông chờ sự vào cuộc tháo gỡ khó khăn kịp thời của cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời có giải pháp căn cơ hơn để tránh việc xử lý tình huống.

Bộ Xây dựng cho biết đang tiếp tục khẩn trương rà soát các vấn đề liên quan đến quản lý chi phí, giá, định mức để thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 252/CĐ-TTg ngày 16/3/2022.

Bộ Xây dựng chỉ đạo Sở Xây dựng thường xuyên rà soát, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng, vận dụng hệ thống cơ sở dữ liệu về định mức dự toán xây dựng trong quá trình lập, quản lý chi phí đầu tư xây dựng trên địa bàn; các công tác chưa có định mức, các định mức cần điều chỉnh, bổ sung, đề xuất giải pháp, báo cáo Bộ Xây dựng để được hướng dẫn, tháo gỡ kịp thời.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư