Đầu tư gắn với tái cơ cấu để nâng tầm ngành nông nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Để tái cơ cấu, đưa ngành nông nghiệp phát triển lên một tầm cao mới, trong kế hoạch đầu tư công 2021 - 2025, phải gắn đầu tư với chiến lược tái cơ cấu. Đó là khuyến nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng tại cuộc làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về đánh giá kết quả Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và dự kiến kế hoạch 2021 - 2025 vừa diễn ra tại Hà Nội.
Phát triển nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và bền vững là mục tiêu của ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025. Ảnh: Lê Tiên
Phát triển nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và bền vững là mục tiêu của ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025. Ảnh: Lê Tiên

Hoàn thành kế hoạch

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, kết thúc chu kỳ 5 năm thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, cơ bản Bộ NN&PTN đã hoàn thành kế hoạch, nợ đọng xây dựng cơ bản không có. Trong việc thực hiện kế hoạch, ngay sau khi được thông báo nguồn, Bộ NN&PTN kiên quyết không mở thêm dự án mới, tập trung hoàn thành dự án trong kế hoạch.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT thông tin thêm, trong giai đoạn 2016 - 2020 Bộ NN&PTNT được phân bổ 70.084,2 tỷ đồng (bao gồm cả 10% dự phòng). Đến nay, số vốn trung hạn đã được Chính phủ giao chi tiết cho các dự án để triển khai là 69.921,4 tỷ đồng, đạt 99,86% tổng nguồn. Số vốn trung hạn giai đoạn này chưa giao chi tiết cho các dự án là 97 tỷ đồng, bao gồm vốn trong nước là 72,9 tỷ đồng của 6 dự án sử dụng 10% vốn dự phòng, bố trí khởi công mới năm 2020 nhưng chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư và vốn trái phiếu chính phủ (TPCP) là 24,1 tỷ đồng dự phòng 10% chưa phân bổ.

Về vốn giao kế hoạch hàng năm, vốn kế hoạch giao hàng năm từ năm 2016 đến 2020 đạt 62.012,8 tỷ đồng, bằng 88% tổng nguồn vốn trung hạn được giao. Số vốn còn thiếu chưa được giao kế hoạch năm là 7.908,6 tỷ đồng.

Về giải ngân, nếu tính cả số vốn được kéo dài sang năm sau, thì các năm 2016, 2017, 2018 đều đạt trên 99%. Riêng kế hoạch năm 2019 sẽ giải ngân hết 100%. 7 tháng đầu năm 2020 giải ngân đạt 36,6%.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp, kết quả rà soát dự án cho thấy, vẫn còn các dự án chậm tiến độ, chủ yếu rơi vào các dự án sử dụng vốn TPCP và dự án vốn ODA. Một số dự án điển hình như: hồ Cánh Tạng; hồ Hòa Bình; hồ Bản Lải, Lạng Sơn; hồ Ngòi Giành, Phú Thọ; hồ Krông Pách Thượng, Đắk Lắk…

Đẩy mạnh tái cơ cấu

Đề cập về dự kiến kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ NN&PTNT, ông Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, mục tiêu của ngành là phát triển nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; hạ tầng hiện đại…

Để đạt mục tiêu này, Bộ NN&PTNT đã xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn tập trung vào 5 lĩnh vực: thủy lợi, phòng chống thiên tai; thủy sản; lâm nghiệp; nông nghiệp (chủ yếu về giống); cơ sở vật chất phục vụ khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo, quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, ưu tiên đầu tư cho khu vực miền núi, đồng bào dân tộc, vùng kinh tế - xã hội khó khăn và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Ông Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, trên cơ sở tổng hợp đề xuất đầu tư giai đoạn 2021 - 2025 của các địa phương, đơn vị là 792 dự án với nhu cầu 255.284 tỷ đồng. Qua rà soát, Bộ NN&PTNT đề xuất tổng nhu cầu vốn lần 1 là 143.694 tỷ đồng, bằng 1,96 lần so với giai đoạn 2016 - 2020, bao gồm vốn trong nước, vốn ODA.

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, việc đầu tư các dự án trong giai đoạn này trên nguyên tắc thứ tự ưu tiên tập trung đầu tư các dự án có tính kết nối liên vùng có tác động để tái cơ cấu; tập trung dự án đảm bảo an ninh nguồn nước, đảm bảo an toàn trước biến đổi khí hậu và thiên tai…

Bày tỏ ấn tượng với những điểm sáng về xuất khẩu, chuyển dịch đầu tư theo chiều sâu của ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận xét, ngành nông nghiệp đã phát triển mạnh mẽ trong 5 năm qua. Song Bộ trưởng cho rằng vẫn còn những tồn tại, hạn chế, do đó cần có một kế hoạch tốt trong giai đoạn tới để đưa ngành nông nghiệp phát triển mạnh, là một trong những trụ cột của nền kinh tế.

Đồng tình với cách tiếp cận đầu tư giai đoạn tới của Bộ NN&PTNT, song Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng: “Bộ NN&PTNT cần tập trung cho nghiên cứu phát triển, phải xây dựng một số trung tâm nghiên cứu về giống, công nghệ… có tính tác động lớn, dẫn dắt ngành phát triển bền vững với việc đầu tư một đồng, mang lại hàng ngàn đồng”. Đặc biệt, về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025, Bộ NN&PTNT cần gắn với chiến lược tái cơ cấu ngành một cách căn cơ, bài bản.

Liên quan đến việc vay vốn ODA cho các dự án đầu tư, Lãnh đạo Bộ KH&ĐT nêu rõ quan điểm, hạn chế vay ODA, chỉ vay khi dự án thực sự cần bởi nguồn vốn này đắt và kèm nhiều điều kiện, thủ tục cũng phức tạp.

Chuyên đề