Đầu tư Dự án Khu công nghiệp Cẩm Mỹ (Đồng Nai): Yêu cầu có nhà đầu tư nước ngoài thuê đất

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai vừa thông báo mời các nhà đầu tư quan tâm, nộp hồ sơ đăng ký thực hiện Dự án Khu công nghiệp Cẩm Mỹ tại xã Thừa Đức, huyện Cẩm Mỹ.
Khu công nghiệp Cẩm Mỹ được quy hoạch với diện tích khoảng 306,79 ha, tiếp giáp khu đô thị dịch vụ sân bay quốc tế Long Thành đang từng bước hình thành
Khu công nghiệp Cẩm Mỹ được quy hoạch với diện tích khoảng 306,79 ha, tiếp giáp khu đô thị dịch vụ sân bay quốc tế Long Thành đang từng bước hình thành

Một trong những tiêu chí bắt buộc mà nhà đầu tư phải đáp ứng khi đánh giá sơ bộ năng lực, kinh nghiệm là đã ký các thỏa thuận nguyên tắc/biên bản ghi nhớ với các nhà đầu tư nước ngoài trong việc thuê lại đất để đầu tư dự án trong khu công nghiệp (KCN) với diện tích cam kết thuê tương đương 60 ha trở lên, tổng mức đầu tư cam kết từ 300 triệu USD trở lên.

KCN Cẩm Mỹ được quy hoạch với diện tích khoảng 306,79 ha, có vị trí tiếp giáp khu đô thị dịch vụ sân bay quốc tế Long Thành đang từng bước hình thành. Đồng thời, tiếp cận hệ thống giao thông huyết mạch; tiếp giáp với tuyến đường vành đai 4 từ cảng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đi về các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM… giúp gắn kết các trung tâm kinh tế - công nghiệp dịch vụ trong Vùng.

Tổng chi phí thực hiện Dự án khoảng 2.706,8 tỷ đồng, trong đó, chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật là 2.502 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là 203,819 tỷ đồng. Tỉnh Đồng Nai cho biết, toàn bộ khu đất chủ yếu là đất trồng cây cao su thuê của Nhà nước. Đất hiện đang trồng cây cao su do Công ty Cao su Đồng Nai đang quản lý và hai hộ dân trồng điều.

Theo yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm, nhà đầu tư phải thu xếp vốn chủ sở hữu tối thiểu là 677 tỷ đồng (tương đương 25% tổng vốn đầu tư). Nhà đầu tư hoặc thành viên tham gia liên danh hoặc đối tác cùng thực hiện Dự án phải có tối thiểu 1 dự án trong lĩnh vực đầu tư phát triển công trình hạ tầng kỹ thuật hoặc công trình giao thông mà nhà đầu tư đã tham gia với vai trò nhà đầu tư góp vốn chủ sở hữu. Ngoài các yêu cầu cụ thể về năng lực tài chính, kinh nghiệm như quy định nhà đầu tư phải đáp ứng tiêu chí “chứng minh được năng lực thu hút đầu tư nước ngoài”, nhà đầu tư phải có các khách hàng tiềm năng là các tổ chức, cá nhân nước ngoài cam kết thuê lại đất để đầu tư dự án sản xuất, kinh doanh trong KCN sau khi nhà đầu tư đã đủ điều kiện cho thuê lại đất KCN theo quy định.

Cụ thể, nhà đầu tư đã ký thỏa thuận nguyên tắc/biên bản ghi nhớ với các khách hàng tiềm năng. Trong đó, tổng diện tích đất cam kết thuê trong vòng 1 năm đầu tiên kể từ khi nhà đầu tư đã đủ điều kiện cho thuê lại đất KCN 30% tổng diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê của KCN Cẩm Mỹ theo quy hoạch được duyệt, tương đương 60 ha trở lên. Tổng mức đầu tư mà nhà đầu tư nước ngoài cam kết từ 300 triệu USD trở lên.

Hồ sơ mời quan tâm nêu rõ, yêu cầu này được đưa ra dựa trên quy mô, tính chất, lĩnh vực và điều kiện đặc thù, riêng biệt của Dự án. Các nhà đầu tư sẽ có thời gian chuẩn bị hồ sơ đăng ký thực hiện Dự án từ ngày 21/1 - 22/2/2021.

Được biết, từ năm 2008, UBND tỉnh Đồng Nai đã chấp thuận cho Công ty CP Gỗ Tiến làm chủ đầu tư Dự án KCN Cẩm Mỹ. Tại thời điểm đó, phần lớn diện tích đất để thực hiện Dự án được UBND tỉnh Đồng Nai giao cho Tập đoàn Cao su Việt Nam (TĐCSVN) quản lý nên sau khi TĐCSVN có văn bản báo cáo không tham gia Dự án KCN thì TĐCSVN đã thống nhất việc cắt cây cao su, bàn giao lại mặt bằng và nhận tiền đền bù theo giá của UBND tỉnh Đồng Nai.

Tuy nhiên, sau khi UBND huyện Cẩm Mỹ ban hành các quyết định công bố dự án, quyết định giải tỏa thu hồi đất, tiến hành công tác đền bù giải tỏa, ngày 3/9/2015, TĐCSVN có văn bản gửi Tổng công ty Cao su Đồng Nai đề nghị tham gia làm cổ đông chi phối của Dự án KCN Cẩm Mỹ; đồng thời không công nhận quyết định thu hồi đất của UBND huyện Cẩm Mỹ. Theo đó, TĐCSVN không nhận tiền và không có phương án bàn giao mặt bằng để thực hiện Dự án.

Do chậm tiến độ Dự án, Công ty CP Gỗ Tiến sau đó đã có nhiều văn bản gửi Chính phủ. Tại thời điểm đó, đại diện Công ty CP Gỗ Tiến đã từng thông tin trước truyền thông rằng, việc kéo dài công tác đền bù giải tỏa đã làm chậm tiến độ thực hiện Dự án, gây thiệt hại lớn về tài chính cũng như ảnh hưởng đến uy tín của chủ đầu tư. Đồng thời còn làm cho doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phải đền bù thiệt hại lớn do vi phạm cam kết về tiến độ thực hiện Dự án đối với các đối tác chiến lược nước ngoài.

Dự án sau đó đã được thu hồi và được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt thực hiện lựa chọn nhà đầu tư theo quy định tại Nghị định số 25/2020/NĐ-CP tại Quyết định số 29/QĐ-UBND ngày 6/1/2021 phê duyệt danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai năm 2020.

Chuyên đề