Đấu thầu thúc đẩy phát triển hạ tầng ngành điện

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Để đáp ứng đủ điện cho nền kinh tế, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã và đang tích cực triển khai nhiều dự án đầu tư, bao gồm cả nguồn và lưới điện. Trong đó, công tác lựa chọn nhà thầu được EVN xác định là khâu quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, thúc đẩy phát triển hạ tầng ngành điện.
Năm 2023, EVN đã triển khai 11.176 gói thầu trong hoạt động đầu tư xây dựng và đầu tư phát triển với tổng giá trúng thầu khoảng 47.881 tỷ đồng. Ảnh: Nhã Chi
Năm 2023, EVN đã triển khai 11.176 gói thầu trong hoạt động đầu tư xây dựng và đầu tư phát triển với tổng giá trúng thầu khoảng 47.881 tỷ đồng. Ảnh: Nhã Chi

Theo chuyên gia đấu thầu Ninh Viết Định, để tạo lập môi trường mua sắm minh bạch, công bằng, cạnh tranh và hiệu quả kinh tế, Luật Đấu thầu cùng các văn bản hướng dẫn liên quan đã cập nhật những phương pháp luận khoa học nhất của quốc tế và hoàn thiện quy định về đấu thầu phù hợp với điều kiện của Việt Nam, trong đó hiệu quả sử dụng đồng vốn, tài sản là mục tiêu cao nhất.

Tại Luật Đấu thầu 2023, tiêu chí hiệu quả sử dụng đồng vốn, tài sản đã yêu cầu diễn giải rộng hơn, không chỉ liên quan đến một chủ thể riêng lẻ mà phải tính đến lợi ích chung của cộng đồng, cả nền kinh tế và trong nhiều trường hợp, còn tính đến cả các điều ước, cam kết quốc tế mà Việt Nam đang tham gia. Các nội dung này đã được hướng dẫn cụ thể trong Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu (Nghị định số 24/2024/NĐ-CP), trong đó có yêu cầu áp dụng quy trình đấu thầu bền vững.

Luật Đấu thầu cũng quy định cụ thể về một loạt công cụ hỗ trợ để bảo đảm công tác đấu thầu luôn minh bạch, công bằng và có tính giải trình cao. “Việc thực hiện công tác lựa chọn nhà thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu chính là phương pháp khoa học và phù hợp để đảm bảo tính hiệu quả trong sử dụng đồng vốn và tài sản dành cho mỗi dự án”, ông Định nhấn mạnh.

Nhìn vào thực tế ngành điện, thông tin từ EVN cho thấy, mỗi năm, Tập đoàn có số vốn đầu tư thuần lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng, riêng năm 2024 là hơn 100.000 tỷ đồng, tăng hơn 10.000 tỷ đồng so với năm trước nhằm đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội ngày càng tăng. Theo đó, khối lượng mua sắm, đầu tư, xây lắp lớn khiến ngành này được các doanh nghiệp, người dân quan tâm đặc biệt.

Bà Phạm Thị Thúy Hà, Trưởng ban Quản lý đấu thầu thuộc EVN cho hay, trong hoạt động đầu tư xây dựng các dự án điện, công tác đấu thầu là một khâu quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Công tác chuẩn bị đấu thầu luôn phải bám sát ngay từ khi bắt đầu quá trình chuẩn bị đầu tư của dự án để bảo đảm việc triển khai thực hiện sau này khả thi, thành công và hiệu quả.

Năm 2023, EVN đã triển khai 11.176 gói thầu trong hoạt động đầu tư xây dựng và đầu tư phát triển với tổng giá trúng thầu khoảng 47.881 tỷ đồng, tỷ lệ tiết kiệm qua đấu thầu trong hoạt động đầu tư xây dựng của toàn Tập đoàn là 6,87% (khoảng 3.533 tỷ đồng).

Trước đó, năm 2022, tính riêng lĩnh vực đầu tư xây dựng, EVN lựa chọn nhà thầu thực hiện 9.156 gói thầu với tổng giá trị trúng thầu 43.151 tỷ đồng, tỷ lệ tiết kiệm qua đấu thầu khoảng 8%.

Theo bà Hà, hiện tại công tác đấu thầu đã được EVN và các đơn vị thành viên thực hiện phần lớn qua Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia để nâng cao tính cạnh tranh. Bên cạnh đó, EVN và các đơn vị thành viên cũng tích cực nghiên cứu về thị trường nhà thầu đối với từng dự án, từng gói thầu cụ thể để xây dựng các yêu cầu, tiêu chí đánh giá phù hợp, bảo đảm tính cạnh tranh và hiệu quả cho công tác lựa chọn nhà thầu.

Thông tin từ EVN cho thấy, mỗi năm, Tập đoàn có số vốn đầu tư thuần lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng, riêng năm 2024 là hơn 100.000 tỷ đồng, tăng hơn 10.000 tỷ đồng so với năm trước nhằm đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội ngày càng tăng. Theo đó, khối lượng mua sắm, đầu tư, xây lắp lớn khiến ngành này được các doanh nghiệp, người dân quan tâm đặc biệt.

Vì thế, thời gian qua, nhiều gói thầu được Tập đoàn và các đơn vị thành viên mời thầu đã thu hút sự tham gia của nhiều nhà thầu.

Đơn cử, Gói thầu số 8 Xây lắp đường dây thuộc Dự án Đường dây 220kV đấu nối Nhà máy Nhiệt điện An Khánh - Bắc Giang vào hệ thống điện quốc gia do Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung thuộc Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia mời thầu thu hút 8 nhà thầu tham dự; Gói thầu số 19 (MS01-QT1) Chế tạo và cung cấp đường ống nhận và thải nước làm mát thuộc Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1 thu hút 6 nhà thầu; Gói thầu CPC-TuNghia-G02 Cung cấp, vận chuyển, lắp đặt vật tư, thiết bị nhất thứ, nhị thứ, cáp ngầm 22kV, hệ thống phòng cháy chữa cháy và dịch vụ kỹ thuật thuộc Dự án Nâng công suất trạm biến áp 110kV Tư Nghĩa có 6 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu…

“Để đạt được kết quả nêu trên, EVN và các đơn vị thành viên đã nỗ lực rất nhiều trong công tác lập hồ sơ mời thầu nói riêng và toàn bộ quá trình thực hiện lựa chọn nhà thầu nói chung”, Trưởng ban Quản lý đấu thầu EVN nhấn mạnh.

Để hỗ trợ EVN, các đơn vị thành viên của EVN có được các thông tin cập nhật về năng lực, kinh nghiệm thực tiễn của các nhà thầu, bà Hà mong muốn, các nhà thầu chủ động thực hiện kê khai năng lực trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Việc các nhà thầu kê khai đầy đủ và trung thực năng lực, kinh nghiệm của mình giúp các chủ đầu tư/bên mời thầu có nguồn thông tin tham khảo tin cậy, góp phần tăng cường tính hiệu quả, cạnh tranh trong đấu thầu. Mặt khác, việc này sẽ tạo điều kiện cho nhà thầu có cơ hội tham gia nhiều hơn vào các dự án đầu tư của ngành điện nói riêng, các dự án đầu tư nói chung, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của chính các nhà thầu.

Cũng theo EVN, thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách khuyến khích nhà thầu trong nước tham gia các dự án đầu tư. Tuy nhiên, bên cạnh các chính sách khuyến khích của Nhà nước, để nâng cao sức cạnh tranh thì yếu tố quan trọng nhất vẫn là sự cố gắng nỗ lực của chính nhà thầu trong việc đổi mới công nghệ, liên kết với các đối tác lớn trong nước và quốc tế để học hỏi, nâng cao năng lực, kinh nghiệm.

Chuyên đề