Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Từ ngày 9/9 - 27/9/2024, Chủ đầu tư - Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP. Kon Tum tổ chức lựa chọn nhà thầu thực hiện Gói thầu Lập kế hoạch sử dụng đất năm 2025 TP. Kon Tum (giá gói thầu 1,981 tỷ đồng). Quá trình phát hành HSMT, có ý kiến phản đối đến từ nhà thầu xoay quanh một số quy định bất cập, trong đó, trọng tâm là điều kiện địa lý tương tự được cho là giới hạn sự tham gia của nhà thầu. Cụ thể, tại nội dung đánh giá về năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu, HSMT yêu cầu “nhà thầu bố trí văn phòng làm việc tại trung tâm TP. Kon Tum để thuận tiện trong công tác phối hợp, trong thời gian thực hiện gói thầu trường hợp trúng thầu”. Đa số nhà thầu cho rằng, đây là yêu cầu không chính đáng, mang tính cục bộ, địa phương, không nhằm mục đích đánh giá bản chất năng lực của nhà thầu tư vấn. Theo các nhà thầu, trong giai đoạn dự thầu, việc đánh giá năng lực, kinh nghiệm phải căn cứ vào giải pháp và phương pháp luận mà nhà thầu đề xuất trong hồ sơ dự thầu.
Trước kiến nghị của nhà thầu, Chủ đầu tư không có bất kỳ văn bản phúc đáp nào. Gói thầu được mở hồ sơ đề xuất kỹ thuật (HSĐXKT) ngày 27/9, với sự tham dự của duy nhất Công ty TNHH MTV Trắc địa Tín Nghĩa (trụ sở tại TP. Kon Tum).
Tháng 8/2024, Phòng TN&MT huyện Ia H'Drai tổ chức lựa chọn nhà thầu thực hiện Gói thầu Lập điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030 và kế hoạch sử dụng đất năm đầu của điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất huyện Ia H’Drai (giá gói thầu 3,61 tỷ đồng). HSMT sau khi phát hành liên tiếp bị kiến nghị lược bỏ yêu cầu “nhà thầu bố trí văn phòng làm việc tại trung tâm huyện Ia H'Drai để thuận tiện trong công tác phối hợp trong thời gian thực hiện gói thầu”, do cho rằng tiêu chí này trực tiếp gây hạn chế cạnh tranh. Ngoài ra, nhà thầu cũng kiến nghị điều chỉnh các yêu cầu về nhân sự được cho rằng chưa phù hợp với Nghị định 102/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đất đai. Cụ thể, bên cạnh những vị trí chủ trì, chuyên gia thuộc chuyên ngành liên quan đến quản lý đất đai theo quy định tại Nghị định 102, HSMT còn yêu cầu các chuyên gia trong lĩnh vực: kinh tế - tài chính, xây dựng, quản trị kinh doanh, có kinh nghiệm tham gia thực hiện các gói thầu tư vấn về lập kế hoạch sử dụng đất cấp huyện (quận, thành phố) trở lên trong 3 năm gần đây. Nhà thầu cho rằng, yêu cầu nêu trên là không có cơ sở pháp lý, ngoài quy định pháp luật chuyên ngành, gây hạn chế nhà thầu theo quy định tại khoản 3 Điều 35 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP.
Sau khi Chủ đầu tư bảo lưu HSMT, biên bản mở HSĐXKT ngày 30/8/2024 ghi nhận 4 nhà thầu tham dự. Trong đó, chỉ có 2 nhà thầu đạt yêu cầu kỹ thuật và được mở hồ sơ đề xuất tài chính là Công ty TNHH MTV Trắc địa Tín Nghĩa (giá dự thầu 3,574 tỷ đồng) và Phân viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp (giá dự thầu 2,399 tỷ đồng).
Trước đó trong tháng 7/2024, bất cập tương tự cũng được ghi nhận tại 2 gói thầu tư vấn lập quy hoạch do Phòng Quản lý đô thị TP. Kon Tum mời thầu. Đó là Gói thầu Lập Nhiệm vụ quy hoạch phân khu (tỷ lệ 1/2000) A3-1 TP. Kon Tum và Gói thầu Lập Nhiệm vụ quy hoạch phân khu (tỷ lệ 1/2000) B2-1 TP. Kon Tum. Theo đó, HSMT quy định: “Nhà thầu đã hoàn thành tối thiểu 2 hợp đồng tư vấn lập nhiệm vụ quy hoạch hoặc lập đồ án quy hoạch một trong các tỷ lệ 1/500; 1/2.000 được thực hiện trên địa bàn tỉnh Kon Tum”. Đồng thời, HSMT yêu cầu nhà thầu phải có trên 10 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực tư vấn quy hoạch xây dựng; phải đăng ký thành lập văn phòng hoạt động trên địa bàn tỉnh Kon Tum...
Theo kết quả mở thầu ngày 20/8/2024, 2 gói thầu đều ghi nhận duy nhất sự tham dự của Công ty CP Thành Vinh. Ngày 28/8/2024, 2 gói thầu bị thông báo hủy thầu do hồ sơ dự thầu không đáp ứng được yêu cầu của HSMT.
Thực tế cho thấy, dù nhiều nhà thầu lên tiếng phản ánh, song rất ít chủ đầu tư, bên mời thầu tại Kon Tum ghi nhận. Thay vào đó là các lập luận nhấn mạnh về tầm quan trọng, đặc điểm địa lý, địa hình nơi thực hiện dự án để đưa tiêu chí địa phương vào HSMT lại không đủ sức thuyết phục nhà thầu.
Theo chuyên gia đấu thầu, pháp luật đấu thầu quy định HSMT không được bao hàm các điều kiện mang tính định hướng, tạo lợi thế hoặc cản trở sự tham gia của một hoặc một số nhà thầu; không được đưa ra các điều kiện để hạn chế sự tham dự thầu của nhà thầu như đã thực hiện hợp đồng tương tự trên một địa bàn cụ thể; các điều kiện khu biệt mà chỉ nhà thầu trên địa bàn mới đáp ứng... Đồng thời, mẫu HSMT tư vấn ban hành kèm theo Thông tư 06/2024/TT-BKHĐT đã bãi bỏ yêu cầu “đã thực hiện gói thầu có điều kiện địa lý tương tự” tại tiêu chuẩn đánh giá kinh nghiệm và năng lực của nhà thầu. Nhằm khắc phục tồn tại này, chuyên gia gia đấu cho rằng, các cơ quan quản lý chuyên ngành cần tăng cường vai trò giám sát công tác đấu thầu tại địa phương, kịp thời phản biện, chấn chỉnh để tăng tính cạnh tranh.