Gói thầu 2-2 Mua sắm thiết bị cho phức hợp phòng thí nghiệm nghiên cứu thuộc Dự án Nâng cấp Trường Đại học Cần Thơ có dự toán 321.383.852.080 đồng. Ảnh minh họa: Thiên Hương |
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đấu thầu, Gói thầu 2-2 Mua sắm thiết bị cho phức hợp phòng thí nghiệm nghiên cứu đang trong giai đoạn thương thảo hợp đồng. Gói thầu có dự toán 321.383.852.080 đồng, được đấu thầu rộng rãi quốc tế có sơ tuyển, phát hành hồ sơ mời sơ tuyển từ ngày 24/3 đến 27/4/2020.
Theo phản ánh, một nhà thầu đã vượt qua bước đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật, được mở hồ sơ đề xuất tài chính. Do xếp thứ 1 về tài chính, Nhà thầu được mời thương thảo hợp đồng. Tuy nhiên, trong quá trình chuẩn bị hồ sơ phục vụ thương thảo hợp đồng, Nhà thầu gặp khó khăn do một số nhà phân phối (của các hãng Mantech, Bio-Rad, Esco…) đã từ chối bán hàng và cung cấp thư ủy quyền của nhà sản xuất cho Nhà thầu mà không có lý do hoặc lý do là bảo vệ nhà thầu khác cũng tham gia gói thầu này.
Bên cạnh đó, theo Nhà thầu phản ánh, nhà thầu chưa được mời thương thảo đã có hành vi liên hệ với các đơn vị cung cấp bán hàng, ủy quyền cho nhà thầu đang được mời thương thảo, cản trở việc cấp giấy ủy quyền cho Nhà thầu xếp hạng thứ 1.
Theo Nhà thầu, đây là các hành vi vi phạm quy định về đấu thầu, về cạnh tranh. Do Nhà thầu xếp hạng thứ 1 có giá thấp nhất, hành vi trên sẽ làm ảnh hưởng đến ngân sách đầu tư cho Gói thầu.
Trước đó, liên quan đến Gói thầu 2-3 Mua sắm thiết bị cho phòng thí nghiệm công nghệ cao thuộc Dự án, Báo Đấu thầu đã có bài “Tại sao nhà thầu xếp hạng thứ nhất bị loại?”. Tại gói thầu này, có 6 nhà thầu dự thầu, 3 nhà thầu vượt qua bước đánh giá về kỹ thuật, lọt vào vòng đánh giá tài chính, gồm: Công ty CP Tecotec Group; Công ty TNHH Ogawa Seiki (Nhật Bản) và Liên danh Công ty CP Armephaco - Công ty CP Vật tư và Thiết bị khoa học Acetech. Giá gói thầu là 121.210.561.972 đồng.
Sau khi mở hồ sơ đề xuất tài chính, Liên danh Armephaco - Acetech là nhà thầu xếp hạng thứ 1. Tuy nhiên, trong quá trình thương thảo hợp đồng, Liên danh Armephaco - Acetech không cung cấp được giấy ủy quyền của nhà sản xuất đối với 2 mục hàng hóa là Microplate Reader Set của hãng sản xuất Biotek và Tisue Processor của hãng Thermo Scientific. Bên mời thầu (BMT) đã thông báo đến liên danh này là quá trình thương thảo không thành công và mời Tecotec Group vào thương thảo.
Sở dĩ Liên danh Armephaco - Acetech không thể cung cấp được giấy ủy quyền của nhà sản xuất đối với 2 mục hàng hóa trên là bởi Công ty TNHH Sinh Nam - nhà phân phối độc quyền 2 hàng hóa này tại thị trường Việt Nam từ chối cấp hàng và giấy tờ. Lý do phía Sinh Nam đưa ra là đã hỗ trợ cho nhà thầu khác cũng dự gói thầu này.
Trong trao đổi với Báo Đấu thầu cũng như văn bản gửi Bộ Công Thương, Công ty TNHH Sinh Nam khẳng định trước mở thầu, sau xét thầu, Công ty CPAcetech có liên hệ xin giấy ủy quyền nhưng “chúng tôi từ chối” do không thể ủy quyền bán hàng cho bất kỳ công ty nào liên hệ mà phải tuân thủ theo chính sách của hãng sản xuất.
Ngày 21/7/2021, BMT đã công bố kết quả lựa chọn nhà thầu, theo đó Tecotec Group trúng thầuvới giá 112.276.835.660 đồng.
Tại Gói thầu 2-3 đã phát sinh kiến nghị phức tạp của Liên danh Armephaco - Acetech.
Ngày 17/8/2020, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) có văn bản gửi Trường Đại học Cần Thơ đề nghị cung cấp các thông tin liên quan đến hành vi lạm dụng vị trí độc quyền và thông thầu tại gói thầu này. Bộ Công Thương cũng đề nghị Trường nêu rõ lý do từ chối đề xuất của Liên danh Armephaco - Acetech được thay thế 2 mục hàng hóa.
Theo Đại học Cần Thơ, tại Gói thầu 2-3, liên danh xếp hạng thứ 1 đề nghị thay thế sản phẩm khác đối với 2 hạng mục không cung cấp được giấy ủy quyền. “BMT không đồng ý vì việc thay đổi này sau khi đã có quyết định phê duyệt danh sách xếp hạng nhà thầu, hoàn toàn trái với hướng dẫn của Nhà tài trợ JICA và quy định đấu thầu. Liên danh nhà thầu phải có trách nhiệm với sản phẩm hàng hóa đã chào thầu trong HSDT của mình cũng như nội dung thương thảo hợp đồng”.
BMT cũng cho rằng mình “không có điều kiện và thẩm quyền xác định Công ty TNHH Sinh Nam có vi phạm pháp luật cạnh tranh hay không”.
Khi Gói thầu 2-3 chưa giải quyết dứt điểm các kiến nghị của nhà thầu, diễn biến tương tự lại phát sinh tại Gói thầu 2-2.
Theo các chuyên gia về đấu thầu, những kiến nghị kéo dài của các nhà thầu liên quan đến 2 gói thầu giá trị lớn nói trên cần được xử lý thấu đáo, đảm bảo tính công bằng, hiệu quả của công tác đấu thầu. Đồng thời, nếu phát hiện các hành vi vi phạm cạnh tranh, cần xử lý nghiêm để tránh tái diễn và giữ niềm tin cho các nhà thầu.