Đấu thầu tại Bà Rịa - Vũng Tàu: Báo động tình trạng “địa phương hóa”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đưa tiêu chí địa phương (“địa phương hóa”) vào hồ sơ mời thầu (HSMT) từ lâu đã trở thành một trong những chiêu thức được nhiều chủ đầu tư (CĐT), bên mời thầu (BMT) sử dụng như “chốt chặn” cạnh tranh trong đấu thầu. Khảo sát sơ bộ cho thấy tình trạng này đang trở nên phổ biến, đặc biệt trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BRVT) trong khoảng một năm trở lại đây, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả đấu thầu tại địa phương này.
Việc hồ sơ mời thầu yêu cầu nhà thầu phải có trụ sở/văn phòng đại diện… tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gây hạn chế cạnh tranh với nhà thầu ngoại tỉnh. Ảnh minh họa: Nhã Chi
Việc hồ sơ mời thầu yêu cầu nhà thầu phải có trụ sở/văn phòng đại diện… tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gây hạn chế cạnh tranh với nhà thầu ngoại tỉnh. Ảnh minh họa: Nhã Chi

Ngày 2/6, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng 1 TP. Vũng Tàu mở thầu qua mạng Gói thầu Mua sắm và lắp đặt thiết bị phục vụ học tập và văn phòng cho Trường Tiểu học Phường 10, TP. Vũng Tàu. Quá trình mời thầu có ít nhất 3 nhà thầu đề nghị điều chỉnh HSMT. Trong đó, có nhà thầu đề nghị làm rõ tới 2 lần, do không đồng thuận với quan điểm bảo lưu tiêu chí của BMT.

Theo quan điểm chung của 3 nhà thầu nói trên, việc HSMT quy định nhà thầu phải có trụ sở/văn phòng đại diện/xưởng gia công sản xuất tại tỉnh BRVT (kèm theo giấy đăng ký kinh doanh, chi nhánh, văn phòng đại diện, xưởng gia công và lắp đặt) nhằm đáp ứng khả năng bảo hành, bảo trì, dịch vụ sau bán hàng là bất hợp lý, cản trở sự tham dự của đa số nhà thầu ngoại tỉnh. “Thời gian phát hành HSMT 10 ngày (từ ngày 23/5 - 2/6), trong khi đó, thời gian thực hiện thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp mới hoặc chi nhánh hoặc văn phòng đại diện là từ 10 - 15 ngày. Như vậy, yêu cầu này đang tạo lợi thế cho các nhà thầu địa phương”, đại diện Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ thiết bị Thành Nhân (địa chỉ tại TP.HCM) phân tích. Cũng theo doanh nghiệp này, để thực hiện dịch vụ sau bán hàng, các nhà thầu có thể đáp ứng theo hướng ký kết hợp đồng ủy quyền bảo hành với một đơn vị trên địa bàn Tỉnh, thay vì phải thành lập trụ sở/văn phòng đại diện như yêu cầu của HSMT.

Trước đó, tình trạng “địa phương hóa” HSMT cũng phổ biến tại loạt gói thầu tư vấn do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng 1 TP. Vũng Tàu mời thầu. Theo đó, để đạt điểm tối đa, các nhân sự chủ chốt thường phải đáp ứng điều kiện đã thực hiện công việc tương tự trên địa bàn tỉnh BRVT. Đơn cử như Gói thầu Tư vấn giám sát thi công các đường nội thị xã Hòa Long thuộc Dự án Đầu tư 20km đường nội thị TP. Bà Rịa (giai đoạn 1) mở thầu cuối tháng 4/2022; Gói thầu Tư vấn giám sát thi công công trình thuộc Dự án Hạ tầng kỹ thuật Khu tái định cư xã Hòa Long, TP. Bà Rịa...

Tháng 1/2022, Phòng Quản lý đô thị TP. Vũng Tàu tổ chức đấu thầu Gói thầu Tư vấn cắm mốc giới theo Đồ án Ðiều chỉnh Quy hoạch chung TP. Vũng Tàu đến năm 2035. Có 2 nhà thầu tại TP.HCM phản ánh về nhiều điểm bất cập, trong đó, nổi bật là yêu cầu nhà thầu phải đáp ứng kinh nghiệm đã thực hiện gói thầu cắm mốc giới tại khu vực địa lý tương tự, với thang điểm đánh giá: trên địa bàn tỉnh BRVT đạt 5 điểm; khu vực khác đạt 3,5 điểm. Đồng thời, các nhân sự chủ chốt cũng được áp dụng điều kiện địa lý tương tự để đánh giá điểm kinh nghiệm ưu tiên, tạo ra cạnh tranh không bình đẳng đối với các nhân sự chưa có kinh nghiệm tương tự tại tỉnh BRVT.

Gói thầu Tư vấn khảo sát lập bản đồ địa hình tỷ lệ 1/10.000 thuộc Dự án Lập điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo, tỉnh BRVT đến năm 2045 do Sở Xây dựng tỉnh BRVT làm CĐT cũng vấp phải tranh cãi tương tự.

Ngoài ra, các gói thầu tư vấn giám sát tại hàng chục dự án giao thông do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Châu Đức mời thầu trong năm 2021 (Đường giao thông thôn Bình Sơn, Lồ Ồ, Bàu Điển, xã Đá Bạc; Đường giao thông thôn 1, thôn 4, xã Suối Rao...) cũng bị phản ánh kém cạnh tranh khi quy định hợp đồng tương tự thực hiện tại huyện Châu Đức là một trong những điều kiện để đánh giá điểm tối đa, dẫn tới mỗi gói thầu chỉ thu hút 1 nhà thầu bản địa tham dự và trúng thầu.

Điều đáng nói, dù rất nhiều nhà thầu lên tiếng, song chưa một lần địa phương ghi nhận, tiếp thu, rà soát, điều chỉnh HSMT. Thay vào đó là các lập luận nhấn mạnh về tầm quan trọng, đặc điểm địa hình, địa chất của dự án, thường không đủ sức thuyết phục nhà thầu.

Theo TS. Nguyễn Việt Hùng - chuyên gia về đấu thầu, việc đưa vào HSMT các tiêu chí địa bàn cụ thể như trên không nằm ngoài ý chí của CĐT, BMT. Không có nhà thầu nào đăng ký thành lập trụ sở/văn phòng đại diện tại một địa bàn mới chỉ để đảm bảo điều kiện tham dự một gói thầu. Đây rõ ràng là tiêu chí định hướng nhà thầu. CĐT, BMT cần nghiêm túc rà soát, ghi nhận những quan điểm đúng đắn, hợp lý. Cùng với đó, các cơ quan quan quản lý chuyên ngành cần sát sao giám sát công tác đấu thầu trên địa bàn để tăng tính cạnh tranh.

Chuyên đề