Thông tin về các khâu của quá trình lựa chọn nhà thầu đều được công khai toàn diện trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Ảnh: Lê Tiên |
Không ngừng nâng cấp, hoàn thiện, tăng tiện ích
Ngày 1/1/2024, Hệ thống e-GP triển khai nâng cấp lớn theo quy định tại Luật Đấu thầu 2023 và Thông tư số 01/2024/TT-BKHĐT hướng dẫn việc cung cấp, đăng tải thông tin về lựa chọn nhà thầu và mẫu hồ sơ đấu thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
Tiếp đó, ngày 26/4/2024, Thông tư số 06/2024/TT-BKHĐT được ban hành và có hiệu lực. Hệ thống e-GP tiếp tục được nâng cấp, bổ sung tính năng nhằm đáp ứng biểu mẫu đấu thầu mới được quy định tại thông tư này. Theo đó, Hệ thống e-GP bổ sung thêm tính năng mới cho 4 trường hợp, gồm: gói thầu mua sắm hàng hóa theo hình thức mua sắm tập trung áp dụng lựa chọn nhà thầu theo khả năng cung cấp; gói thầu dịch vụ phi tư vấn chia làm nhiều phần (lô); gói thầu xây lắp áp dụng loại hợp đồng theo kết quả đầu ra; gói thầu dịch vụ phi tư vấn áp dụng loại hợp đồng theo thời gian. Ngoài ra, bổ sung đối tượng nhà thầu được phép đăng ký tham gia và tham dự thầu trên Hệ thống, hoàn thiện tính năng cho phép chủ đầu tư công khai thông tin chủ yếu của hợp đồng (chủ đầu tư phải công khai thông tin này chậm nhất là 5 ngày làm việc kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực).
Ngoài việc cập nhật các biểu mẫu, Hệ thống cũng hoàn thiện và bổ sung tính năng giúp chủ đầu tư công khai danh sách nhà thầu bị đánh giá về uy tín trong việc tham dự thầu theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP; công khai thông tin kết quả thực hiện hợp đồng, danh sách hàng hóa đã được sử dụng theo Điều 17, Điều 18 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP.
Liên quan đến đấu thầu thuốc, ngày 1/6/2024, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nâng cấp, bổ sung một số tính năng mới của Hệ thống e-GP đáp ứng nhu cầu đấu thầu qua mạng các gói thầu mua thuốc theo quy định tại Thông tư số 07/2024/TT-BYT.
Kể từ ngày 1/12/2024, Hệ thống e-GP tiếp tục bổ sung và triển khai thành công 4 hạng mục chính nhằm đáp ứng các yêu cầu mới của Thông tư số 22/2024/TT-BKHĐT, hướng tới mục tiêu số hóa toàn diện quy trình đấu thầu tại Việt Nam. Thứ nhất là phát triển quy trình bảo lãnh điện tử nhằm cung cấp cho người dùng giải pháp tiện lợi, tiết kiệm bên cạnh quy trình bảo lãnh truyền thống.
Thứ hai là tính năng chào giá trực tuyến dành cho các gói thầu mua sắm hàng hóa và dịch vụ phi tư vấn lựa chọn nhà thầu theo hình thức chào giá trực tuyến rút gọn. Với tính năng này, bên mời thầu có thể tạo thông báo mời thầu theo quy trình rút gọn, quy định mức giá trần và bước giá, từ đó nhà thầu có thể thay đổi mức giá liên tục trong thời gian diễn ra phiên chào giá. Hệ thống e-GP sẽ tự động xếp hạng các nhà thầu dựa trên mức giá cuối cùng, từ đó công bố kết quả một cách minh bạch và nhanh chóng. Tính năng này không chỉ tăng tính cạnh tranh mà còn giúp giảm chi phí, thời gian đấu thầu và mang lại lợi ích lớn về kinh tế cho các bên tham gia đấu thầu.
Thứ ba, nâng cấp quy trình phê duyệt trực tuyến đối với các loại hồ sơ mời thầu (HSMT), hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời quan tâm, thông báo mời thầu (theo quy trình rút gọn), kết quả lựa chọn nhà thầu. Như vậy đến nay, toàn bộ quy trình từ lập, thẩm định HSMT đến phê duyệt và công bố kết quả đều được số hóa hoàn toàn. Nhờ đó, thời gian xử lý được rút ngắn đáng kể, trong khi tính chính xác và minh bạch của quy trình được đảm bảo. Chủ đầu tư, bên mời thầu đều có thể thao tác và ký số trực tiếp trên nền tảng Hệ thống e-GP.
Thứ tư, đối với các gói thầu không áp dụng đấu thầu qua mạng, từ 1/12/2024, Hệ thống e-GP hỗ trợ số hóa đối với các quy trình phê duyệt HSMT, từ đó nâng cao hiệu quả quản lý và giảm thiểu lỗi nhập liệu.
Bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện thông tin về các khâu (trước, trong và sau) của quá trình lựa chọn nhà thầu đều được công khai toàn diện trên Hệ thống e-GP. Hệ thống đặt mục tiêu trở thành công cụ hữu hiệu giúp cấp có thẩm quyền, cơ quan quản lý nhà nước thực hiện chức năng giám sát hoạt động đấu thầu hiệu quả và rất hữu ích đối với tổng thể quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu tại chủ đầu tư/bên mời thầu thuộc phạm vi quản lý của mình.
Với việc không ngừng cải tiến, nâng cấp, hoàn thiện khung pháp lý và hạ tầng, kỹ thuật, Hệ thống e-GP sẽ tiếp tục ghi dấu những bước tiến lớn trong lộ trình hiện đại hóa và số hóa hoạt động đấu thầu tại Việt Nam. Đây không chỉ là giải pháp công nghệ, mà còn là nền tảng thúc đẩy sự minh bạch, công bằng và hiệu quả trong quản lý mua sắm công.
Đấu thầu qua mạng tăng cả lượng và chất
Năm 2024 tiếp tục được xem là năm “đỉnh cao” khi đấu thầu qua mạng tăng đột biến về cả lượng và chất. Số gói thầu đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh, đấu thầu hạn chế thực hiện qua mạng từ 1/1 đến 30/11/2024 đạt 99,97% tổng số gói thầu có thể áp dụng đấu thầu qua mạng trên Hệ thống e-GP, tương ứng 160.905 gói thầu (bằng 118% số lượng năm 2023 là 136.547 gói thầu). Tỷ lệ giá trị gói thầu thực hiện đấu thầu qua mạng đạt 97,11%, tương ứng 866.464 tỷ đồng (bằng 102% giá trị năm 2023 là 851.347 tỷ đồng).
Năm 2024, Hệ thống e-GP góp phần mang đến những bước phát triển vượt bậc cho hoạt động đấu thầu, thể hiện ở số lượng nhà thầu tham dự trung bình tại mỗi gói thầu ngày càng tăng. Khi năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu được công khai, cơ sở dữ liệu liên thông với nhiều bên, có thể dễ dàng đối chiếu, kiểm tra, gia tăng sự minh bạch, cạnh tranh.
Thống kê trên Hệ thống e-GP cho thấy, từ ngày 1/1/2024 đến nay, số lượng gói thầu có trên 10 nhà thầu tham dự (không tính gói thầu có nhiều lô/phần) là khoảng 400 gói. Tại rất nhiều gói thầu, cuộc cạnh tranh thực sự giữa các nhà thầu gần như chỉ ở yếu tố giá. Sự cạnh tranh này không chỉ tập trung ở các đô thị lớn, đô thị trung tâm, mà còn lan tỏa đến các địa phương vùng sâu, vùng xa, những địa bàn còn hạn chế, khó khăn về kinh tế, xã hội. Đơn cử, tại Dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia (Chương trình "Bừng sáng Điện Biên") - huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên, cả 2 gói thầu xây lắp (Gói thầu Thi công xây dựng và thiết bị các xã phía Bắc có giá dự toán 85,625 tỷ đồng) và Gói thầu Thi công xây dựng và thiết bị các xã phía Nam có 85,203 tỷ đồng) đều thu hút 12 nhà thầu tham dự, đồng thời ghi nhận tỷ lệ giảm giá cao nhất lên đến 33% tại mỗi gói thầu.
Gói thầu XL-CL Thi công xây dựng tuyến, công trình trên tuyến, cầu đường bộ vượt đường sắt và cầu đường bộ Cẩm Lý vượt sông Lục Nam thuộc Dự án Cầu đường sắt Cẩm Lý Km24+134 tuyến đường sắt Kép - Hạ Long (giá dự toán 405,013 tỷ đồng) ghi nhận 14 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu, trong đó, Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Miền Trung đề xuất giá dự thầu thấp hơn 90 tỷ đồng so với giá dự toán. Theo biên bản mở thầu ngày 28/10/2024, có 10 nhà thầu tham dự Gói thầu số 9 Thi công xây dựng công trình thuộc Dự án Cải tạo, mở rộng Quốc lộ 46 đoạn Vinh - Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, trong đó, xếp thứ nhất về giá là Công ty TNHH Hòa Hiệp với giá dự thầu 243,445 tỷ đồng (giá dự toán 306,616 tỷ đồng)...
Thống kê cho thấy, hàng loạt gói thầu trăm tỷ được đấu thầu qua mạng trong năm 2024 có trên 10 nhà thầu tham gia, trong đó có nhiều tên tuổi lớn. Nếu như trước đây, các gói thầu lớn, đặc biệt trong lĩnh vực xây lắp chỉ có một hoặc rất ít nhà thầu tham dự, thì giờ đây, nền tảng pháp lý cùng với hệ thống hạ tầng, kỹ thuật cải tiến, đồng bộ đã thúc đẩy đấu thầu qua mạng ngày một công bằng, minh bạch, xóa dần “vùng tối” trong đấu thầu, tạo điều kiện cho các nhà thầu cạnh tranh sòng phẳng, tăng hiệu quả mua sắm công.