Đấu thầu mua sắm hàng hóa: Điểm danh tiêu chí bất cập

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Mặc dù hệ thống pháp luật về đấu thầu đã được đồng bộ, chuẩn hóa để các chủ thể tham gia hoạt động đấu thầu tham chiếu và áp dụng, nhưng phản ánh đến Báo Đấu thầu và chủ đầu tư, bên mời thầu, nhiều nhà thầu chỉ ra rằng, thực tiễn triển khai vẫn đang bộc lộ bất cập, ảnh hưởng đến môi trường đấu thầu minh bạch, cạnh tranh. Báo Đấu thầu ghi nhận tình trạng này tại loạt gói thầu trong lĩnh vực mua sắm hàng hóa đang được mời thầu trên phạm vi cả nước.
Tại Gói thầu số 08 thuộc Dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị CNTT hình thành sàn giao dịch việc làm trực tuyến, hàng chục nhà thầu kiến nghị điều chỉnh HSMT. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Tại Gói thầu số 08 thuộc Dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị CNTT hình thành sàn giao dịch việc làm trực tuyến, hàng chục nhà thầu kiến nghị điều chỉnh HSMT. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Mới đây, tại Gói thầu số 08 Mua sắm thiết bị, lắp đặt hạ tầng kỹ thuật thuộc Dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin hình thành sàn giao dịch việc làm trực tuyến do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Giang mời thầu, hàng chục nhà thầu kiến nghị điều chỉnh hồ sơ mời thầu (HSMT), thậm chí kiến nghị hủy thầu do cho rằng, HSMT “ngầm” chỉ định thương hiệu, hãng sản xuất nhất định thông qua các tiêu chuẩn kỹ thuật của hàng hóa mời thầu. Trong đó, các thông số kỹ thuật của sản phẩm máy tính để bàn được cho rằng định hướng đến thương hiệu Thánh Gióng. “Đối với gói thầu mua sắm hàng hóa thông dụng tổ chức đấu thầu trong nước, HSMT nên xây dựng thông số kỹ thuật theo hướng có tối thiểu 3 hãng sản xuất đáp ứng nhằm tạo điều kiện cho các nhà thầu tham gia bình đẳng, cạnh tranh về giá”, một nhà thầu kiến nghị.

Tại Sơn La, Gói thầu Mua sắm thiết bị văn phòng cho các trạm y tế xã do Trung tâm Y tế huyện Sốp Cộp mời thầu cũng ghi nhận bất cập tương tự. Kiến nghị đến Bên mời thầu, một số nhà thầu cho rằng, đối chiếu các thông số kỹ thuật quy định trong HSMT, không khó để nhận ra chỉ có sản phẩm máy tính của hãng SingPC đáp ứng, trong khi trên thị trường có hàng chục hãng sản xuất, thương hiệu khác nhau có thể cung cấp hàng hóa thuộc Gói thầu. Từ đó, các nhà thầu nhận định, đây là hành vi vi phạm điểm k khoản 6 Điều 16 và khoản 3 Điều 44 Luật Đấu thầu, gây hạn chế cạnh tranh.

Bên cạnh tình trạng đưa ra các tiêu chí mang tính định hướng, độc quyền, một số HSMT bị phản ánh thêm vào các dạng “giấy phép con” làm khó nhà thầu. Đơn cử, tại Gói thầu số 1 Mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu cấp Tiểu học và THCS năm 2024 do Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai mời thầu, HSMT yêu cầu các sản phẩm dự thầu phải “có xác nhận giám định từ cơ quan có chức năng xác nhận phù hợp Thông tư 37/2021/TT-BGDĐT; Thông tư 38/2021/TT-BGDĐT”.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, một số nhà thầu cho biết, đây là yêu cầu hy hữu, làm khó nhà thầu. Bởi, khi dự thầu, để chứng minh mức độ đáp ứng về kỹ thuật, chất lượng của hàng hóa, nhà thầu đã đề xuất các tài liệu gồm catalogue; quyết định xuất bản/cấp phép lưu hành sản phẩm; tài liệu chứng minh quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm... Việc cấp “xác nhận giám định từ cơ quan có chức năng xác nhận phù hợp Thông tư 37/2021/TT-BGDĐT; Thông tư 38/2021/TT-BGDĐT” thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương, được thực hiện bởi các tổ chức đánh giá sự phù hợp đã đăng ký lĩnh vực hoạt động và/hoặc được Bộ Công Thương chỉ định. Theo quy trình, nhà thầu gửi mẫu sản phẩm cần giám định và các tổ chức này chỉ thực hiện giám định trên một sản phẩm nhất định, tại một thời điểm nhất định. Do đó, yêu cầu dạng tài liệu này ngay tại bước dự thầu sẽ làm phát sinh chi phí không nhỏ đối với nhà thầu, khi chưa xác định được khả năng trúng thầu.

Các nhà thầu cũng thường xuyên kiến nghị về yêu cầu cam kết hỗ trợ kỹ thuật của nhà sản xuất, hãng sản xuất đối với hàng hóa thông dụng. Đơn cử tại Gói thầu Mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu giáo dục phổ thông lớp 5, lớp 9 do Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định mời thầu, HSMT yêu cầu nhà thầu cung cấp “tài liệu xác nhận của nhà sản xuất hoặc nhà phân phối được ủy quyền về việc hỗ trợ nhà thầu thực hiện các dịch vụ kỹ thuật”. Yêu cầu này ngay lập tức bị nhà thầu phản đối do cho rằng, các thiết bị như tivi, âm thanh di động đều là hàng hóa thông dụng, đã được tiêu chuẩn hóa và công bố chính sách bảo hành rộng rãi trên toàn cầu bởi nhà sản xuất. “Đây là hành vi bị cấm được quy định tại Phụ lục 8 Thông tư 06/2024/TT-BKHĐT”, nhà thầu nhận định.

Theo chuyên gia đấu thầu, Thông tư 06/2024/TT-BKHĐT đã liệt kê chi tiết, rõ ràng các hành vi hạn chế nhà thầu. Do đó, chủ đầu tư, bên mời thầu cần tham chiếu, tuân thủ tuyệt đối khi xây dựng HSMT, tránh đưa ra những tiêu chí, yêu cầu không phù hợp, kém cạnh tranh.

Liên quan đến hoạt động quản lý, hiện nay, Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia đã xây dựng hoàn thiện chức năng giám sát hoạt động đấu thầu. Theo đó, các thông tin bao gồm: danh sách chủ đầu tư/bên mời thầu có số lượng gói thầu có yêu cầu làm rõ HSMT nhiều nhất; danh sách chủ đầu tư/bên mời thầu có số lượng gói thầu có kiến nghị về HSMT nhiều nhất... sẽ được hiển thị công khai để cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan báo chí và xã hội tham gia giám sát. Riêng trong lĩnh vực mua sắm, Hệ thống xây dựng chức năng giám sát nhà sản xuất, văn phòng đại diện, đại lý, công khai danh sách nhà sản xuất, văn phòng đại diện, đại lý của nhà sản xuất thực hiện các hành vi hạn chế cạnh tranh (không cung cấp giấy phép bán hàng; chỉ cung cấp giấy phép bán hàng cho một hoặc một số nhà thầu gây hạn chế cạnh tranh...) nhằm góp phần tăng cường sự công khai, minh bạch, hiệu quả trong đấu thầu và đặc biệt là tăng trách nhiệm giải trình.

Chuyên đề