Gói thầu Mua bảo hiểm cháy, nổ tại Cung Thể thao Tiên Sơn (TP. Đà Nẵng) vấp 2 kiến nghị trong thời gian mời thầu. Ảnh: Lê Tiên |
Gói thầu Bảo hiểm tài sản giai đoạn 2024 - 2026 có giá 36,875 tỷ đồng tại Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam đóng thầu ngày 17/6/2024. Trước đó, Tổng công ty CP Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIC) nhiều lần đề nghị làm rõ HSMT, kiến nghị chỉnh sửa một số tiêu chí tại mục 3 Chương III về vốn chủ sở hữu, nhà thầu có xếp hạng năng lực tài chính được đánh giá bởi các tổ chức xếp hạng trên thế giới trong năm tài chính gần nhất, quỹ dự phòng nghiệp vụ tại thời điểm 31/12/2023, yêu cầu “trong trường hợp liên danh, chỉ xét thành viên đứng đầu liên danh”. Những kiến nghị này không được tiếp thu sửa đổi. Kết quả mở thầu cho thấy, Liên danh do BIC đứng đầu chào giá 28,64 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với liên danh còn lại với thành viên đứng đầu liên danh mà BIC cho rằng đang được HSMT tạo lợi thế (chào giá 34,92 tỷ đồng).
Gói thầu Mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tại Cung Thể thao Tiên Sơn năm 2024 do Trung tâm Thể dục thể thao TP. Đà Nẵng làm Chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu đang trong thời gian phát hành HSMT, đóng thầu ngày 21/6/2024. Đến nay, Gói thầu có 2 kiến nghị về các tiêu chí tại mục 3 Chương III - Tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật của HSMT. Theo kiến nghị, các tiêu chí “chỉ tiêu thay đổi vốn chủ sở hữu trong từng năm 2021, 2022, 2023 ≥ 5%”, “vốn điều lệ tại thời điểm 31/12/2023 ≥ 2 lần số tiền bảo hiểm của gói thầu đang xét”, “tỷ lệ biên khả năng thanh toán tại thời điểm 31/12/2023 ≥ 150%”; “nhà thầu có 1 vụ bồi thường tổn thất cháy, nổ có số tiền bồi thường > 50 tỷ đồng” là không có cơ sở pháp lý, gây hạn chế cạnh tranh. Nhà thầu kiến nghị trích dẫn quy định của pháp luật hiện hành về kinh doanh bảo hiểm không có quy định doanh nghiệp bảo hiểm phải đảm bảo chỉ tiêu thay đổi vốn chủ sở hữu từng năm ≥ 5%; pháp luật về kinh doanh bảo hiểm quy định doanh nghiệp bảo hiểm cần duy trì tỷ lệ biên khả năng thanh toán ≥ 100%... Hiện Gói thầu chưa được mở thầu, nhưng các nhà thầu kiến nghị đã chỉ ra doanh nghiệp duy nhất có thể đáp ứng loạt tiêu chí tại HSMT này.
Việc đưa những tiêu chí thuần túy về năng lực tài chính, kinh nghiệm như tại 2 gói thầu nêu trên vào Chương III - Tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật của HSMT, thậm chí cả những gói nhỏ lựa chọn nhà thầu theo hình thức chào hàng cạnh tranh, là nguyên nhân gây ra kiến nghị ở nhiều gói thầu bảo hiểm thời gian qua.
Một số tiêu chí bị phản ứng nhiều là lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm của từng năm phải lớn 0 trong 3 năm gần nhất; vốn chủ sở hữu, vốn điều lệ với những giá trị tuyệt đối cao quá mức và không có cơ sở; thậm chí cả tiêu chí đã được công bố là hạn chế cạnh tranh trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia là nhà thầu có xếp hạng năng lực tài chính được đánh giá bởi các tổ chức xếp hạng trên thế giới… Đi kèm với những tiêu chí này thường là quy định đối với liên danh (thuần túy về số lượng) yêu cầu thành viên đứng đầu liên danh phải đáp ứng, dẫn đến mất ý nghĩa của việc liên danh trong đấu thầu, hạn chế nhà thầu tham gia. Ở hầu hết các gói thầu có kiến nghị, doanh nghiệp bảo hiểm hoặc giới chuyên môn chỉ cần xem HSMT là có thể “đọc vị” ngay nhà thầu nào đáp ứng đủ điều kiện, vì số lượng doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trên thị trường tham gia đấu thầu không nhiều.
Nhiều tiêu chí tại hồ sơ mời thầu Gói thầu Mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tại Cung Thể thao Tiên Sơn (TP. Đà Nẵng) năm 2024 bị nhà thầu phản ánh không có cơ sở pháp lý, gây hạn chế cạnh tranh. Ảnh: B.Vân |
Bên cạnh đó, một số gói thầu bảo hiểm khác quy định về nhân sự chủ chốt không theo quy định của pháp luật chuyên ngành; yêu cầu về lịch sử giải quyết bồi thường của nhà thầu quá cao…
Trường hợp phát sinh nhiều kiến nghị tiếp theo là các gói thầu mà pháp luật bảo hiểm đã quy định mức phí tối thiểu, nhà thầu tham dự phải tuân thủ theo tỷ lệ phí quy định và giá dự thầu của các nhà thầu sẽ bằng nhau, HSMT quy định tiêu chí ưu tiên trong trường hợp các nhà thầu (được đánh giá đáp ứng về kỹ thuật) có giá dự thầu (sau giảm giá) bằng nhau mang tính định hướng. Có gói thầu quy định nhà thầu được xếp hạng tín nhiệm tài chính bởi các tổ chức quốc tế cao hơn thì được xếp hạng cao hơn; có gói thầu ưu tiên nhà thầu có “quỹ dự phòng bồi thường bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm đến 31/12/2023” cao nhất; có gói thì “ưu tiên xếp hạng nhà thầu có biên khả năng thanh toán cao hơn”… Theo nhiều nhà thầu, tiêu chí ưu tiên tại nhiều gói thầu rất chủ quan, có tính định hướng và đa phần nhà thầu trúng thầu đúng như dự báo của nhà thầu kiến nghị.
Nhiều HSMT đã chỉnh sửa, loại bỏ những tiêu chí nêu trên. Gói thầu tại Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (7,965 tỷ đồng) mà Báo Đấu thầu phản ánh về tiêu chí có thể gây hạn chế cạnh tranh đã được sửa đổi HSMT, điều chỉnh tiêu chí “lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ” thành “lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh”; bỏ tiêu chí “xếp hạng của nhà thầu độc lập hoặc nhà thầu đứng đầu liên danh bảo hiểm (theo đánh giá của tổ chức xếp hạng năng lực tài chính A.M Best hoặc tương đương) từ B+ trở lên”. Gói thầu tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai bỏ tiêu chí ưu tiên liên quan xếp hạng tín nhiệm tài chính thành: “Nhà thầu nào có các điều kiện, điều khoản bổ sung tốt nhất và đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người được bảo hiểm sẽ được xếp hạng cao hơn”...
Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp HSMT có tiêu chí bị kiến nghị hạn chế cạnh tranh không được chỉnh sửa, dẫn đến giá trúng thầu giảm rất ít so với giá gói thầu, nhà thầu chào giá thấp hơn 20 - 30% thì bị loại dù là những doanh nghiệp trong TOP đầu của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ.
Theo một chuyên gia đấu thầu, Điều 97 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP quy định, khi lựa chọn nhà thầu qua mạng, đối với các nội dung yêu cầu trong bảng dữ liệu, tiêu chuẩn đánh giá về tính hợp lệ, năng lực, kinh nghiệm trong HSMT gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, dịch vụ phi tư vấn, chủ đầu tư, bên mời thầu không được đính kèm các file yêu cầu khác ngoài các nội dung đã được số hóa dưới dạng webform trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
Bên cạnh đó, mẫu HSMT dịch vụ phi tư vấn qua mạng một giai đoạn một túi hồ sơ kèm theo Thông tư số 06/2024/TT-BKHĐT quy định, đối với các gói thầu chào hàng cạnh tranh không yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm theo quy định của mục này, nhưng nhà thầu tham dự thầu phải cam kết có đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện gói thầu (nội dung về cam kết được thực hiện cùng với đơn dự thầu khi nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu).
Luật Đấu thầu 2023 nêu rõ, HSMT không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng. Đây cũng là hành vi bị cấm trong đấu thầu quy định tại điểm k khoản 6 Điều 16 của Luật này.