Đấu thầu lập quy hoạch tại TP. Kon Tum: Nhiều điều kiện “trói chân” nhà thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đưa tiêu chí địa phương (“địa phương hóa”) vào hồ sơ mời thầu (HSMT) là một trong những chiêu thức được nhiều chủ đầu tư, bên mời thầu áp dụng như “chốt chặn” trong đấu thầu. Mặc dù pháp luật đấu thầu hiện hành đã có quy định nhằm hạn chế hành vi này, song việc tuân thủ là chưa triệt để tại một số chủ đầu tư, bên mời thầu. Câu chuyện tương tự được ghi nhận tại 2 gói thầu tư vấn lập quy hoạch đang được Phòng Quản lý đô thị TP. Kon Tum (tỉnh Kon Tum) mời thầu.
Đưa tiêu chí địa phương (“địa phương hóa”) vào HSMT là một trong những chiêu thức được nhiều chủ đầu tư, bên mời thầu áp dụng như “chốt chặn” trong đấu thầu. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Đưa tiêu chí địa phương (“địa phương hóa”) vào HSMT là một trong những chiêu thức được nhiều chủ đầu tư, bên mời thầu áp dụng như “chốt chặn” trong đấu thầu. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Đó là Gói thầu Lập nhiệm vụ quy hoạch phân khu (tỷ lệ 1/2000) A3-1 TP. Kon Tum và Gói thầu Lập nhiệm vụ quy hoạch phân khu (tỷ lệ 1/2000) B2-1 TP. Kon Tum, phát hành HSMT từ ngày 28/7 - 15/8/2024, do Công ty TNHH MTV Hoàng Sang Kon Tum tư vấn lập HSMT, Công ty TNHH Xây dựng và Dịch vụ Bảo Trâm thẩm định HSMT.

Sau khi HSMT được phát hành, có nhiều ý kiến phản đối xoay quanh một số quy định bất cập. Trong đó, điều kiện địa lý tương tự được cho là giới hạn sự tham gia của nhà thầu.

Cụ thể, về kinh nghiệm lập nhiệm vụ quy hoạch, HSMT quy định: “Nhà thầu đã hoàn thành tối thiểu 2 hợp đồng tư vấn lập nhiệm vụ quy hoạch hoặc lập đồ án quy hoạch một trong các tỷ lệ 1/500; 1/2.000 được thực hiện trên địa bàn tỉnh Kon Tum”. Đồng thời, HSMT yêu cầu nhà thầu phải có trên 10 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực tư vấn quy hoạch xây dựng (đính kèm bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc quyết định thành lập để chứng minh).

Theo nhà thầu, việc HSMT giới hạn kinh nghiệm tương tự của nhà thầu trên một địa bàn cụ thể tạo ra cạnh tranh không bình đẳng đối với các đơn vị tư vấn có kinh nghiệm thực hiện hợp đồng ở các địa bàn có điều kiện địa lý tương tự tỉnh Kon Tum. Liên quan đến yêu cầu về số năm hoạt động của tổ chức tư vấn, nhà thầu nêu quan điểm, đây là hành vi được công khai là hạn chế cạnh tranh trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Theo đó, nhà thầu kiến nghị Bên mời thầu điều chỉnh nhằm bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh.

Cá biệt, HSMT yêu cầu nhà thầu đăng ký thành lập văn phòng hoạt động trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Nhà thầu cho rằng, yêu cầu này không chính đáng, không nhằm mục đích đánh giá bản chất năng lực của nhà thầu. “Không có đơn vị nào đăng ký thành lập trụ sở/văn phòng đại diện tại một địa bàn mới chỉ để bảo đảm điều kiện tham dự hoặc thực hiện một gói thầu tư vấn. Đây là tiêu chí mang tính định hướng nhà thầu”, một nhà thầu nhận định.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, đại diện Phòng Quản lý đô thị TP. Kon Tum lý giải, TP. Kon Tum là đô thị miền núi thuộc vùng Tây Nguyên, có những nét đặc thù riêng so với các đô thị khác như điều kiện địa hình, thành phần dân tộc, đặc trưng về phong tục tập quán, lối sống, điều kiện hạ tầng và kinh tế - xã hội… Do đó, tiêu chí trên nhằm khuyến khích các đơn vị đã từng nghiên cứu quy hoạch trên địa bàn TP. Kon Tum nói riêng và tỉnh Kon Tum nói chung để có sự am hiểu về địa bàn, từ đó đưa ra những định hướng quy hoạch phù hợp với nhu cầu phát triển của địa phương. Từ trước đến nay, trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã có nhiều đơn vị tư vấn tham gia lập nhiệm vụ quy hoạch, đồ án quy hoạch, nên việc đưa ra tiêu chuẩn này không mang tính hạn chế nhà thầu.

Với yêu cầu về văn phòng tại địa phương, đại diện Bên mời thầu cho rằng, nhiệm vụ quy hoạch gồm nhiều nội dung, quy trình như lấy ý kiến cộng đồng dân cư; lấy ý kiến các cơ quan ban ngành; tham gia các cuộc họp của chủ đầu tư, hoặc các cuộc họp đột xuất để báo cáo, giải trình... Do đó, để thuận tiện trao đổi, phối hợp với đơn vị trúng thầu, yêu cầu này là hoàn toàn phù hợp.

Theo chuyên gia đấu thầu, pháp luật đấu thầu quy định HSMT không được bao hàm các điều kiện mang tính định hướng, tạo lợi thế hoặc cản trở sự tham gia của một hoặc một số nhà thầu; không được đưa ra các điều kiện để hạn chế sự tham dự thầu của nhà thầu như đã thực hiện hợp đồng tương tự trên một địa bàn cụ thể; các điều kiện khu biệt mà chỉ nhà thầu trên địa bàn mới đáp ứng... Vấn đề này dù đã được các cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu chấn chỉnh, song nhiều chủ đầu tư, bên mời thầu chưa nghiêm túc thực hiện.

“Riêng đối với tư vấn, đây là lĩnh vực phức tạp, đặc thù, yêu cầu cao, đồng thời, nhiều gói thầu trong lĩnh vực này (giám sát, khảo sát, quy hoạch, thi tuyển kiến trúc...) phải lựa chọn nhà thầu hoặc chuyên gia quốc tế, từ đó đặt ra yêu cầu về sự am hiểu các điều kiện địa lý tương tự. Tuy nhiên, khái niệm điều kiện địa lý tương tự nên được hiểu ở một phạm vi rộng tương ứng khu vực, vùng địa lý, thay vì giới hạn một địa phương cụ thể, gây hạn chế cạnh tranh”, vị chuyên gia bình luận.

Chuyên đề