Đấu thầu bảo trì đường bộ phải đi vào thực chất

(BĐT) - Tại Cuộc họp Hội đồng quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ (BTĐB) Trung ương diễn ra ngày 19/7 tại Hà Nội, ông Trương Quang Nghĩa - Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) nhấn mạnh: Việc đấu thầu toàn bộ công tác bảo trì đường bộ là một bước đột phá, nhưng cần phải giám sát chặt chẽ công tác đấu thầu để đảm bảo chọn được nhà thầu có đủ năng lực, có trách nhiệm với công tác bảo trì, đảm bảo chất lượng cho việc bảo trì, bảo dưỡng đường bộ.
Nửa đầu năm 2016 đã tổ chức đấu thầu thành công 129 gói thầu quản lý, bảo dưỡng thường xuyên quốc lộ. Ảnh: Tiên Giang
Nửa đầu năm 2016 đã tổ chức đấu thầu thành công 129 gói thầu quản lý, bảo dưỡng thường xuyên quốc lộ. Ảnh: Tiên Giang

Xử lý nghiêm nhà thầu vi phạm

Báo cáo tại Cuộc họp, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2016, Tổng cục đã tổ chức quản lý, bảo dưỡng trên 21.000 km đường quốc lộ và trên 714 km đường cao tốc, 5.869 cầu, 5 hầm đường bộ và 8 phà. Các Cục Quản lý đường bộ, Sở GTVT đã lập giá sản phẩm công ích bảo dưỡng đối với các tuyến mới nhận bàn giao từ các dự án xây dựng cơ bản và tiếp tục công tác đấu thầu đối với các tuyến này. Tổng cục đã trực tiếp kiểm tra, xử lý các đơn vị không đảm bảo chất lượng trong công tác bảo dưỡng, tích cực kiểm tra, đánh giá chất lượng bảo trì và xử lý giảm trừ chi phí khi nhà thầu vi phạm. Hiện Tổng cục đang chỉ đạo các Cục Quản lý đường bộ, các Sở GTVT báo cáo kinh phí đã giảm trừ của các nhà thầu trong quá trình nghiệm thu theo chất lượng thực hiện để tổng hợp.

Theo ông Lê Hoàng Minh, Chánh Văn phòng Quỹ BTĐB Trung ương, nửa đầu năm 2016 đã tổ chức đấu thầu thành công 129 trong số 131 gói thầu quản lý, bảo dưỡng thường xuyên quốc lộ thực hiện trong 3 năm 2015 - 2017; còn lại 02 gói thầu là đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương đã có văn bản của Bộ GTVT cho phép lùi thời gian đấu thầu để bổ sung hạng mục tổ chức giao thông thông minh; dự án đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên để chuyển giao cho nhà đầu tư BOT. Tổng giá trị của các gói thầu dự kiến thực hiện trong 03 năm là gần 1.482 tỷ đồng, trong đó năm 2015 là gần 292 tỷ đồng, năm 2016 gần 539 tỷ đồng và năm 2017 là 555 tỷ đồng. Đối với một số tuyến mới được nâng cấp từ đường địa phương thành quốc lộ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang chỉ đạo các Sở GTVT triển khai việc đấu thầu bảo dưỡng thường xuyên và sẽ đề nghị Quỹ BTĐB Trung ương giao bổ sung vốn để thực hiện.

Giám sát chặt công tác lựa chọn nhà thầu

Tính đến hết ngày 30/6/2016, các phương tiện xe ô tô nộp phí qua 138 trạm đăng kiểm đã nộp về Quỹ BTĐB Trung ương đạt gần 2.982 tỷ đồng/6.100 tỷ đồng kế hoạch được giao, đạt 48,88% so với kế hoạch thu cả năm 2016 và bằng 108,13% so với cùng kỳ năm 2015. Riêng số tiền nộp về Quỹ trong tháng 6/2016 hơn 562 tỷ đồng, tính bình quân số thu 1 ngày làm việc tại các trạm đăng kiểm trong 6 tháng đầu năm là 24 tỷ đồng/ngày. Đến hết ngày 30/6/2016, Quỹ BTĐB Trung ương đã giao kế hoạch chi nguồn 65% năm 2016 cho các đơn vị thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam thực hiện với tổng giá trị gần 7.150 tỷ đồng, đã chuyển kinh phí cho các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ sử dụng vốn từ Quỹ BTĐB Trung ương hơn 3.711 tỷ đồng.
Tại Cuộc họp, một số đại biểu đề cập đến việc trong quá trình đấu thầu các gói thầu BTĐB, nhiều nhà thầu đã bỏ giá thấp để trúng thầu, theo đó chất lượng của công tác bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa đường bộ có thể không được đảm bảo. Tuy nhiên, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho rằng, nếu chúng ta làm chặt việc giám sát chất lượng bảo trì, giám sát chặt chẽ công tác đấu thầu, gắn trách nhiệm nhà thầu với chất lượng bảo trì thì không phải lo ngại điều này. Trong điều kiện nguồn kinh phí có hạn thì phải giám sát chặt chẽ các khâu nhằm bảo đảm chất lượng bảo trì, sửa chữa cũng như hiệu quả sử dụng của nguồn kinh phí này, chứ nếu “lơ là” thì dù có nhiều tiền cũng chưa chắc chất lượng công trình được đảm bảo.

Với cương vị là Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ BTĐB Trung ương, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cũng yêu cầu sớm công bố các tiêu chí, tiêu chuẩn lựa chọn nhà thầu bảo trì đường bộ, các nhà thầu tham gia bảo trì đường bộ phải đáp ứng những tiêu chuẩn nhất định về khoa học công nghệ, máy móc, kinh nghiệm bảo trì…

Ông Nguyễn Văn Huyện cũng khẳng định, để tăng cường chất lượng công tác bảo trì, từ đầu năm 2016 đến nay, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan kiểm soát chặt từ khâu lập, thẩm định dự án bảo trì đường bộ; điều chỉnh, bổ sung các giải pháp kỹ thuật phù hợp hơn với giải pháp kỹ thuật tư vấn trình; đồng thời chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng trong tất cả các giai đoạn lựa chọn nhà thầu, thi công, nghiệm thu. Qua tổ chức nhiều đoàn kiểm tra các dự án bảo trì đường bộ trong quý II/2016 đã chỉ ra nhiều vấn đề còn tồn tại về chất lượng, kịp thời phát hiện và có biện pháp xử lý nên nhờ đó mà chất lượng bảo trì đã từng bước được nâng lên, những hư hỏng lớn đã sớm được phát hiện để sửa chữa.

Chuyên đề