Đấu giá, những thương vụ khó quên

(BĐT) - Hoạt động đấu giá cổ phần năm 2016 như một bức tranh đa màu sắc, trong đó có không ít nét tươi mới. Bên cạnh cách thức đấu giá truyền thống xuất hiện những phiên đấu giá “vô tiền khoáng hậu” tại Vinamilk khi số lượng và giá trị được đưa ra đấu giá rất lớn. 
Chỉ bán được 60% số lượng CP chào bán, thương vụ bán vốn của SCIC tại Vinamilk bị cho là chưa thành công
Chỉ bán được 60% số lượng CP chào bán, thương vụ bán vốn của SCIC tại Vinamilk bị cho là chưa thành công

Lại có những DN trình làng không phải qua đấu giá, mà chỉ bán một số lượng cổ phần (CP) nhất định nhằm đảm bảo tính đại chúng, sau đó giá CP sẽ do thị trường quyết định.

Thương vụ lớn nhất Đông Nam Á

Đó là thương vụ đấu giá CP SCIC tại Vinamilk vào ngày 12/12/2016. Tổ chức vào những ngày cuối năm, thương vụ này nhanh chóng trở thành thương vụ đấu giá CP lớn nhất khu vực Đông Nam Á năm 2016. Cụ thể, SCIC đã chào bán cạnh tranh 9% CP nhà nước do Tổng công ty làm đại diện chủ sở hữu tại Vinamilk. 78,4 triệu CP, tương đương 60% khối lượng chào bán đã được sang tên cho 2 nhà đầu tư nước ngoài. Với giá bán 144.000 đồng/CP, Nhà nước đã thu về 11.287 tỷ đồng trong đợt tập dượt này.

Chỉ bán được 60% số lượng CP chào bán, thương vụ bán vốn của SCIC tại Vinamilk bị cho là chưa thành công. Ngay cả mức giá 144.000 đồng/CP, cao hơn 7,7% so với mức giá đóng cửa trên thị trường của Vinamilk lúc đó, cũng có ý kiến cho là chưa tối ưu, nếu thay đổi phương pháp chào bán, mức giá thu được thậm chí còn cao hơn. Bài học ở thương vụ bán vốn lần đầu sẽ được rút ra cho đợt bán vốn tiếp theo của SCIC tại Vinamilk cũng như đại diện Nhà nước nói chung tại các DN có quy mô lớn. 

Vissan - thương vụ ồn ã

Một thương vụ gây tranh cãi không kém chính là phiên đấu giá CP của Vissan để tìm cổ đông chiến lược sau khi công ty này IPO thành công. Có đến 3 tổ chức ngỏ ý muốn mua 14% CP của Vissan để làm cổ đông chiến lược của Công ty. Tuy nhiên, 2 trong 3 tổ chức nói trên cùng thuộc chủ sở hữu là Masan Group. 1 tổ chức còn lại chính là CJ Cheiljedang (Hàn Quốc), tập đoàn sở hữu chuỗi rạp chiếu phim nổi tiếng CGV lớn nhất cả nước. Gay cấn ở chỗ, trước phiên đấu giá, 1 trong 2 tổ chức thuộc Masan Group đã có văn bản “tố” CJ không đủ điều kiện làm nhà đầu tư chiến lược của Vissan. Đây là một sự kiện hi hữu. Nếu CJ bị loại khỏi cuộc chơi, rõ ràng phiên đấu giá sẽ chỉ mang tính hình thức khi 2 nhà đầu tư tham gia lại là “người nhà”.

Rất may, cuối cùng CJ cũng được chấp thuận tham gia phiên đấu giá, đảm bảo cạnh tranh công bằng, mặc dù tổ chức này cuối cùng đành chịu thua ANCO – một công ty thuộc Masan Group. Mức giá đấu thành công lên tới 126.000 đồng/CP, cao hơn 57,4% mức giá bình quân đạt được ở phiên IPO trước đó 2 tuần.

Bí ẩn như VietJet Air

Một thương vụ khác vẫn hay được nhắc tới với sự bí ẩn, đó là thương vụ chào bán CP của hãng hàng không tư nhân Vietjet Air. Để niêm yết cổ phiếu, Vietjet Air dự kiến chào bán 3,5 triệu CP phát hành cho nhà đầu tư cá nhân với mục tiêu đáp ứng đủ số lượng cổ đông cần thiết. Phần lớn CP trị giá hàng trăm triệu USD được hãng hàng không này chào bán cho các tổ chức tài chính. Thông tin về việc chào bán cũng như giá cả các đợt phát hành của Vietjet Air đến giờ vẫn là câu hỏi. Công ty đã tổ chức một cuộc gặp gỡ kín với các nhà đầu tư tổ chức, thông tin được công bố ra công chúng là vô cùng ít ỏi.

Ngay sau khi phân phối thông qua 3 đầu mối các công ty chứng khoán với giá 86.500 đồng/CP, CP này lập tức tạo nên sức hút với các nhà đầu tư trên thị trường OTC. Giá CP của hãng hàng không tư nhân này nhanh chóng nhảy lên trên dưới 100.000 đồng/CP.

Chuyên đề