Dấu ấn nhà thầu Việt trên những công trình thế kỷ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngành xây dựng đang trong giai đoạn khó khăn về nhiều mặt, nhưng với nỗ lực phi thường, nhiều nhà thầu Việt Nam vẫn không ngừng trưởng thành vượt bậc. Chưa khi nào mà các dự án, công trình phức tạp, mang tầm vóc thế kỷ; những công trình đẳng cấp quốc tế lại có sự tham gia đông đảo và ghi đậm dấu ấn của đội ngũ nhà thầu Việt như lúc này.
Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành có sự góp mặt của nhiều tên tuổi lớn trong hàng ngũ nhà thầu Việt. Ảnh: Phạm Tùng
Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành có sự góp mặt của nhiều tên tuổi lớn trong hàng ngũ nhà thầu Việt. Ảnh: Phạm Tùng

Nhà thầu Việt trong mắt nhà thầu Hàn

Giữa cái nắng đổ lửa của tháng 8, theo chân cán bộ Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ GTVT), chúng tôi ngồi ca nô cao tốc đi dọc sông Đồng Nai để thăm công trường Dự án Cầu Nhơn Trạch.

Tại dự án này, 2 gói thầu xây lắp chính được đảm nhận bởi những tên tuổi trong ngành xây dựng của Hàn Quốc và Việt Nam. Gói thầu CW1 Xây dựng cầu Nhơn Trạch và đường dẫn (từ Km10+000 đến Km12+600) có giá trị hợp đồng khoảng 1.813,7 tỷ đồng do Công ty Kumho E&C (Hàn Quốc) thi công. Tiến độ lũy kế của Gói thầu đạt 80%, đã hoàn thành nhiều hạng mục quan trọng, dự kiến hoàn thành vào dịp 30/4/2025, sớm hơn 4 tháng so với hợp đồng đã ký kết.

Trao đổi với phóng viên, ông Koo Ja Kyoungm, Giám đốc dự án Gói thầu CW1 cho biết, Gói thầu được huy động nhiều thầu phụ của Việt Nam. “Các đối tác Việt Nam đều có nhiều kinh nghiệm và phối hợp với chúng tôi rất hiệu quả, góp sức rất lớn để đưa Gói thầu về đích trước tiến độ. Đơn cử, Nhà thầu Đạt Phương thực sự đã khẳng định được uy tín, thực lực trong các đơn vị thi công cầu tại Việt Nam”, ông Koo nhận xét.

Trong khi đó, Gói thầu CW2 Xây dựng đường dẫn hai đầu cầu dài 5,6 km do Liên danh Dongbu Corporation (Hàn Quốc) - Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C đảm nhận thi công. Theo hợp đồng, phần này sẽ hoàn tất vào giữa tháng 9/2025 và đến nay tiến độ lũy kế đã đạt gần 37%. Ông Lee Moo Sung, Giám đốc dự án của Gói thầu CW2 nhận định: “Khả năng thi công của Nhà thầu VNCN E&C tại Gói thầu CW2 là rất tốt. Vượt nhiều trở ngại như giá vật liệu tăng cao, địa hình thi công phức tạp, chúng tôi vẫn kề vai sát cánh để cam kết đưa công trình này về đích theo yêu cầu. Các nhà thầu xây dựng hạ tầng giao thông lớn của Việt Nam thực sự đã ở một vị thế rất khác, là đối tác quan trọng với chúng tôi trên công trình này”, ông Lee cho biết.

Vượt tiến độ dù nhiều trở ngại

Tại nhiều dự án trọng điểm của ngành giao thông, các nhà thầu Việt đã làm chủ công nghệ, đảm nhận được tất cả các khâu và nỗ lực để đưa công trình về đích trước hạn. Có thể kể đến công trình cầu Mỹ Thuận 2, dự án đầu tiên do đội ngũ kỹ sư, công nhân Việt Nam thực hiện hoàn toàn từ khâu lập dự án, thiết kế cho đến thi công. Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm cho biết, ngay khi triển khai Dự án, Bộ đã yêu cầu chủ đầu tư chỉ đạo các nhà thầu tập trung mọi nguồn lực, tổ chức thi công “3 ca 4 kíp”, bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng, khởi công tháng 3/2020 và là một trong những dự án giao thông trọng điểm thi công trong đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, Liên danh Công ty CP Xây dựng và Lắp máy Trung Nam - Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính - Công ty CP Đầu tư xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C và các đơn vị khác đã chứng minh tính chuyên nghiệp, bản lĩnh vượt trội để hợp long cầu trước tiến độ 2 tháng.

Tại Dự án Cầu Rạch Miễu 2 (tổng mức đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng), dù các nhà thầu bị chậm bàn giao mặt bằng trong thời gian dài, nhưng theo báo cáo mới nhất, Dự án đã vượt tiến độ gần 1 tháng. “Để bù tiến độ giai đoạn chờ mặt bằng, các nhà thầu đã tập trung mọi nguồn lực, huy động những thiết bị máy móc lớn hiện đại nhất Việt Nam cũng như đội ngũ nhân lực có trình độ kỹ thuật tốt nhất. Dự án luôn được bố trí đầy đủ nhân sự thi công thông ngày, thông đêm, 3 ca, 4 kíp”, ông Cấn Mạnh Hùng, Giám đốc Ban Điều hành liên danh Gói thầu XL-02 cho biết.

Gói thầu XL-03 do Liên danh Công ty CP Xây lắp 368 - Công ty CP Quản lý và Xây dựng công trình giao thông 487 - Công ty CP Xây dựng Tân Nam đảm nhận cũng được đánh giá là có tiến độ bảo đảm. Các nhà thầu am hiểu về thi công công trình cầu trên sông nước miền Tây, làm chủ con nước để chủ động các phương án thi công dù thời tiết có nhiều biến động.

Dấu ấn trên sân bay Long Thành

Tại Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, sự có mặt của đội ngũ nhà thầu Việt đang ở thế vượt trội, cho thấy sự lớn mạnh, độ uy tín của lực lượng này. Thống kê cho thấy, đến nay, chỉ có Gói thầu 5.10 Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách của Dự án thành phần 3 là có sự tham gia của nhà thầu nước ngoài.

Theo đó, Liên danh nhà thầu Vietur bao gồm Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại xây dựng IC ISTAS (Thổ Nhĩ Kỳ) cùng các doanh nghiệp trong nước như Ricons, Newtecons, SOL E&C, Vinaconex, Công ty CP Kết cấu ATAD, Phục Hưng Holdings, Hawee, Hancorp đảm nhận gói thầu được ví như “trái tim” của toàn bộ dự án này. Gói thầu có giá trúng thầu là 27.813.939.171.360 VND và 338.849.804 USD, có quy mô lớn nhất, tính chất kỹ thuật phức tạp nhất và thời gian thi công dài nhất trong các gói thầu của Dự án thành phần 3.

Theo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Gói thầu 5.10 gồm các hạng mục thi công phức tạp bậc nhất trong các công trình hạ tầng hàng không của Việt Nam từ trước đến nay. Đến nay, các nhà thầu đã huy động gần 2.400 người và hơn 1.500 thiết bị máy móc phục vụ thi công.

“Đội ngũ nhân sự của Newtecons và các thành viên trong Liên danh Vietur tham gia Dự án là những chuyên gia hàng đầu, làm việc chuyên nghiệp và tràn đầy tâm huyết, phần lớn là người Việt. Newtecons cam kết sẽ đồng hành cùng Liên danh Vietur và Chủ đầu tư bảo đảm tiến độ, chất lượng và an toàn trong suốt quá trình thi công Dự án”, ông Võ Thanh Liêm, Tổng giám đốc Newtecons nhấn mạnh.

Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT ACV cho biết, sân bay Long Thành giai đoạn 1 dự kiến hoàn thành và xong chạy thử trước 31/8/2026. Ngày 2/9/2026, sân bay Long Thành sẽ đón chuyến bay thương mại đầu tiên.

Chuyên đề