Lợi nhuận sau thuế của Công ty CP DAP - Vinachem nửa đầu năm 2019 giảm 85% so với cùng kỳ năm trước, đạt 21,1 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên |
Tuy vậy, con số lợi nhuận của Công ty là do đang được hưởng lợi lớn từ việc áp dụng phương pháp kế toán riêng và thuế tự vệ áp lên các sản phẩm phân bón DAP nhập khẩu. Khi các lợi thế này giảm dần, DAP - Vinachem phải đối mặt với khó khăn trong nửa đầu năm 2019.
DAP - Vinachem được thành lập tháng 7/2008 theo quyết định của Tổng công ty Hóa chất Việt Nam (nay là Tập đoàn Hóa chất Việt Nam). Công ty chính thức hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần từ ngày 1/1/2015. Ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất phân bón diamon phốt phát (DAP).
Năm 2009, Dự án Nhà máy DAP Hải Phòng thuộc Công ty bắt đầu chạy thử. Theo báo cáo nghiên cứu khả thi, Công ty sẽ lỗ trong 5 năm đầu đi vào sản xuất, tới năm thứ 6 mới có lãi. Tuy nhiên, ngay từ thời điểm chạy thử năm 2009, Công ty đã bắt đầu sản xuất thương mại và đã có lợi nhuận.
Năm 2016, doanh thu sụt giảm, Công ty phải gánh chịu mức thua lỗ kỷ lục hơn 462 tỷ đồng. Đến năm tiếp theo, với tình hình kinh doanh tích cực hơn, Công ty báo lãi 14,7 tỷ đồng. Tuy vậy, con số này mang nhiều tính kỹ thuật khi Công ty được áp dụng phương pháp tính chi phí khấu hao riêng, qua đó làm giảm hàng chục tỷ đồng chi phí.
Cụ thể, tại Công văn số 1001/BTC-TCDN ngày 15/9/2017 của Bộ Tài chính và Công văn số 1757/HVVN-TCKT của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) về điều chỉnh mức khấu hao, mức khấu hao năm 2017 của Công ty được trích bằng 60% mức khấu hao phải trích năm 2017 theo đường thẳng. Do đó, giá trị khấu hao năm 2017 là 93,24 tỷ đồng, thấp hơn 62,16 tỷ đồng so với con số 155,407 tỷ đồng giá trị khấu hao tính theo phương pháp thông thường.
Như vậy, nếu áp dụng phương pháp khấu hao thông thường như nhiều doanh nghiệp khác, DAP - Vinachem lỗ tới 47,46 tỷ đồng trong năm 2017 thay vì lãi 14,7 tỷ đồng.
Năm 2018, Công ty bất ngờ báo lãi kỷ lục 201,6 tỷ đồng. Ngoài việc chỉ phải tính khấu hao bằng 70% mức khấu hao phải trích hàng năm theo phương pháp đường thẳng giúp “tiết kiệm” khoản chi phí 42,8 tỷ đồng, con số lợi nhuận năm 2018 của Công ty cũng được hưởng lợi từ thuế tự vệ.
Cụ thể, Công ty được hưởng lợi thế về giá bán, gia tăng lợi nhuận khi các mặt hàng phân bón DAP nhập khẩu bị áp thuế tự vệ tạm thời theo Quyết định số 3044/QĐ-BCT ngày 4/8/2017 của Bộ Công Thương về áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời với mức thuế là 1.855.790 đồng/tấn, có hiệu lực từ ngày 19/8/2017 và Quyết định số 686/QĐ-BCT ngày 2/3/2018 của Bộ Công Thương về áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với sản phẩm phân bón DAP nhập khẩu với mức thuế 1.128.531 đồng/tấn áp dụng từ ngày 7/3/2018 đến 6/3/2019.
Tại buổi làm việc với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vào cuối tháng 8 vừa qua, ông Nguyễn Phú Cường - Chủ tịch HĐTV Vinachem, công ty mẹ của DAP - Vinachem cho biết, tính đến ngày 30/6/2019, Công ty đã cung ứng trên 2,32 triệu tấn phân bón DAP ra thị trường. Những tín hiệu tích cực trong thời gian qua sẽ sớm đưa Nhà máy DAP Hải Phòng của Công ty ra khỏi danh sách 12 dự án thua lỗ của ngành công thương.
Trên thực tế, DAP - Vinachem vẫn đang gặp khó khăn.
Kể từ ngày 7/3/2019 đến ngày 6/3/2020, mức thuế tự vệ đối với các mặt hàng phân bón DAP nhập khẩu chỉ còn 1.072.104 đồng/tấn. Cùng với việc giá phân bón DAP giảm, thuế tự vệ giảm cũng gây nhiều khó khăn cho Công ty trong nửa đầu năm 2019, với doanh thu sụt giảm 42% so với cùng kỳ năm 2018, đạt 733,4 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế giảm 85%, đạt 21,1 tỷ đồng.
Hiện nay, Công ty đang thực hiện trích khấu hao tài sản cố định bằng 80% mức khấu hao phải trích hàng năm theo phương pháp đường thẳng dẫn đến giảm chi phí khấu hao trong kỳ hoạt động 6 tháng đầu năm 2019 là 12,349 tỷ đồng. Như vậy, nếu tính theo phương pháp chiết khấu thông thường, con số lãi ròng nửa đầu năm 2019 của DAP - Vinachem chỉ còn khoảng 9 tỷ đồng.
Rõ ràng, những con số lợi nhuận của Công ty trong thời gian qua một phần do được hưởng lợi từ phương pháp tính chi phí khấu hao có phần “ưu ái” và do đó chưa thể bảo đảm cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp này. Bên cạnh đó, thuế tự vệ sẽ giảm về 0 từ ngày 7/3/2020 nếu không được gia hạn cũng sẽ là một thách thức cho DAP - Vinachem trong thời gian tới.