Ảnh Internet |
Theo Văn bản số 12710/BCT-PC, Bộ Công Thương đăng ký với Văn phòng Chính phủ xây dựng Nghị định về sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe ô tô vào Chương trình công tác của Chính phủ. Bộ Công Thương đề nghị lấy tên gọi là Nghị định về sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe ô tô để phù hợp quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 2, Luật số 03/2016/QH14 sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 của Luật Đầu tư. Đại diện Bộ Công Thương cho biết, theo kế hoạch, dự kiến, Nghị định sẽ ban hành đúng tiến độ, kịp thời hướng dẫn thực hiện vào ngày 1/7 tới đây.
Một chuyên gia kinh tế cho rằng, sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô là ngành nghề kinh doanh có điều kiện mới được bổ sung, trong khi đó trên thực tế đã có doanh nghiệp (DN) hoạt động. Khi bổ sung điều kiện có thể tác động bất lợi đối với DN đã gia nhập thị trường như làm tăng chi phí đầu tư để tuân thủ các điều kiện. Do đó, trong quá trình xây dựng văn bản hướng dẫn thực thi Luật, cơ quan soạn thảo hướng dẫn điều kiện kinh doanh cụ thể cũng phải xác định thời gian hợp lý để cho các DN đã và đang hoạt động trong ngành nghề này có thời gian chuẩn bị tuân thủ đúng các điều kiện kinh doanh sẽ được ban hành.
Hiện có trên 45 nhà nhập khẩu ủy quyền chính hãng cho các DN Việt Nam, trong đó có nhiều thương hiệu như: Audi, BMW, Renault, Ford, Honda... Một số nhà nhập khẩu thuần túy chỉ hoạt động nhập khẩu, số còn lại lấy hoạt động sản xuất trong nước làm chủ đạo, kết hợp thêm hoạt động nhập khẩu để gia tăng lựa chọn sản phẩm cho khách hàng. Trong số 245.000 xe ô tô được cung ứng ra thị trường Việt Nam năm 2015, thì có 173.000 xe được Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam sản xuất (chiếm hơn 70%) và đang nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.
Nguồn tin từ Bộ Công Thương cũng cho biết, đến nay, Bộ đã hoàn thành xây dựng dự thảo và trình Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định số 23/2007/NĐ-CP ngày 12/2/2007 quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan đến mua bán hàng hóa của DN có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.