Dai dẳng vụ lừa rút 3 tỷ đồng tại BVSC

(BĐT) - Cách đây ít lâu, dư luận không khỏi xôn xao khi Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã tuyên bố một bị cáo vô tội. 
Một nhóm nhân viên của Công ty Chứng khoán Bảo Việt bị trả giá do cho rút tiền không có giấy ủy quyền. Ảnh: Nhã Chi
Một nhóm nhân viên của Công ty Chứng khoán Bảo Việt bị trả giá do cho rút tiền không có giấy ủy quyền. Ảnh: Nhã Chi

Tuy nhiên, sau bản án vô tội, cơ quan công tố đã có quyết định kháng nghị và Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội (nay là Tòa cấp cao) đã mở phiên tòa phúc thẩm, tuyên hủy án sơ thẩm, yêu cầu điều tra lại. Gần đây nhất, Viện KSND tối cao đã hoàn tất cáo trạng truy tố lần 2 của vụ án nói trên.

Không được ủy quyền vẫn rút được tiền

Đầu năm 2007, bị can Trần Minh Anh (SN 1961, ở quận Ba Đình, Hà Nội) đã đến Phòng Kế toán lưu ký, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) để rút tiền từ tài khoản mang tên bà Bùi Thị Minh. Việc rút tiền không có giấy ủy quyền, bị can Minh Anh đã tự ký vào các chứng từ và giao dịch thành công lấy được hơn 3,4 tỷ đồng qua 19 lần rút tiền. Bản thân Trần Minh Anh còn thực hiện 83 giao dịch khác như nhận, chuyển tiền mua bán chứng khoán, thanh toán các loại phí... trên tài khoản mang tên bà Minh.

Đến năm 2008, khi bà Minh đến rút tiền thì được Công ty thông báo tài khoản chỉ còn 9,1 triệu đồng. Bà Minh đã yêu cầu Công ty bồi thường số tiền 3 tỷ đồng vốn có trong tài khoản.

Tại cơ quan điều tra, bị can Trần Minh Anh khai đã đầu tư chứng khoán từ năm 2006 và đã mở tài khoản đứng tên mình tại BVSC. Nhưng do cần nhiều tài khoản để giao dịch nên Trần Minh Anh đã nhờ bà Minh, vốn là mẹ vợ, đứng tên mở thêm tài khoản khác để Minh Anh sử dụng.

Cụ thể, đầu năm 2007, Trần Minh Anh cùng bà Minh (mẹ vợ) đến phòng giao dịch của BVSC mở tài khoản giao dịch chứng khoán. Bà Minh đưa hộ chiếu của mình để nhờ Minh Anh làm các thủ tục liên quan. Cùng ngày, BVSC và bà Minh ký hợp đồng mở tài khoản nhưng chữ ký bên dưới là Trần Minh Anh.

Ngày hôm sau, bà Minh nhận số tiền 175.870 Euro (hơn 3 tỷ đồng) do con gái là Trần Kim Ngân (ở Đức) gửi về. Sau đó, Minh Anh đưa bà Minh nộp số tiền trên vào tài khoản chứng khoán. Một thời gian sau, bà Minh vào TP.HCM ở với con trai.

Mặc dù không được ủy quyền, nhưng Trần Minh Anh đã đến BVSC thực hiện 19 lần rút tiền, các chứng từ rút tiền đều do Minh Anh viết nội dung, ký tên và viện lý do bà Minh ốm. Có lần Minh Anh đến giao dịch và đưa Giấy ủy quyền có sẵn chữ ký bà Minh. Theo nguyên tắc về thủ tục ủy quyền của Công ty BVSC, hai bên phải làm ủy quyền ngay tại Phòng giao dịch, theo mẫu của công ty, có CMND gốc để kiểm tra đối chiếu, ký tươi... Tuy vậy, nhân viên của BVSC vẫn xác nhận Giấy ủy quyền do Minh Anh đưa dù không có mặt bà Minh.

Nhóm nhân viên BVSC có liên quan đến thủ tục rút tiền của Minh Anh khai rằng do Minh Anh là khách hàng quen nên đã tin tưởng cho rút tiền dù không đúng quy trình nghiệp vụ. 

Rắc rối quan hệ hôn nhân

Cho đến nay, vụ án kéo dài 10 năm và chưa có bản án có hiệu lực. Khúc mắc mấu chốt của vụ án là ở vấn đề xác định số tiền bà Minh nộp vào tài khoản giao dịch chứng khoán.

Theo bị can Trần Minh Anh, đây là số tiền chị Trần Kim Ngân bán nhà bên Đức và gửi về cho bị can Minh Anh đầu tư chứng khoán. Tại thời điểm đó, giữa chị Ngân và bị can Minh Anh tồn tại quan hệ hôn nhân nên đây là tài sản chung của hai người. Bị can Minh Anh không có lừa đảo chiếm đoạt của ai.

Chị Trần Kim Ngân thừa nhận đây là số tiền bán nhà bên Đức nhưng chị gửi về để trả nợ cho mẹ vì khi chị mua nhà, bà Minh đã bán 1 căn nhà và cho chị vay tiền. Việc này đã được Tòa án địa phương ở Đức ghi rõ trong sổ địa bạ vùng.

Vấn đề còn lại là quan hệ hôn nhân giữa bị can Minh Anh và chị Trần Kim Ngân. Đây là vấn đề gặp nhiều tranh cãi trong nhiều phiên tòa trước đây. Theo kết quả xác minh mới, tại sổ đăng ký theo dõi kết hôn lưu tại Phòng Tư pháp quận Đống Đa có ghi việc đăng ký kết hôn giữa bị can Minh Anh và chị  Ngân vào năm 1988 nhưng không có bản gốc Giấy đăng ký kết hôn.

Năm 2007, UBND TP. Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn cho chị Ngân (lúc này đã ở Đức) với Trần Minh Anh.

Đến năm 2008, Tòa án đã xử ly hôn và xác nhận giấy chứng nhận đăng ký kết hôn năm 2007 là hợp pháp.

Cơ quan tố tụng xác định, bằng thủ đoạn gian dối, bị can Trần Minh Anh đã chiếm đoạt tiền của BVSC trong tài khoản bà Minh.

Nhưng năm 2013, Trần Minh Anh có đơn xin ly hôn với lý do giữa Minh Anh và chị Ngân vẫn còn Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn từ năm 1988. Tháng 1/2014, Tòa án đã đình chỉ giải quyết vụ án nên không có cơ sở chấp nhận lời khai của Minh Anh rằng hai bên vẫn còn quan hệ hôn nhân.

Cơ quan công tố xác định Trần Minh Anh đã sử dụng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt của Công ty BVSC hơn 3 tỷ đồng và truy tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, khung hình phạt 12 - 20 năm hoặc tù chung thân.

Chuyên đề