Dai dẳng vụ án Vina Megastar

Vừa qua, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại CTCP Tập đoàn Vina Megastar (Vina Megastar), nhưng phiên tòa đã phải hoãn.
Năm 2013, thị trường bất động sản xôn xao khi cựu Chủ tịch Vina Megastar bị bắt
Năm 2013, thị trường bất động sản xôn xao khi cựu Chủ tịch Vina Megastar bị bắt

Nguyên nhân là luật sư của một số bị cáo tại ngoại xin hoãn phiên tòa vì lý do sức khỏe bị cáo không bảo đảm. 

Khi cựu Chủ tịch Vina Megastar Nguyễn Hoàng Long (SN 1972) bị bắt vào năm 2013, thị trường bất động sản xôn xao, lo lắng nhất là những người đã bỏ vốn vào các dự án của công ty này. Vina Megastar đã hợp tác kinh doanh với những đơn vị khác để triển khai 2 dự án lớn là Hesco Văn Quán, Vĩnh Hưng Dominium và đã huy động vốn từ những năm 2009, 2010. Ngoài ra, Vina Megastar còn tham ga nhiều dự án bất động sản khác. 

Sau hơn 2 năm truy tố, điều tra, xét xử, phiên tòa thêm một lần bị hoãn. Lần đưa ra xét xử gần đây nhất là vào tháng 7/2014, sau 2 ngày xét xử, Hội đồng xét xử đã ra quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung. Nguyên nhân là tại phiên tòa, luật sư Hoàng Văn Hướng, Trưởng văn phòng Luật sư Hoàng Hưng đã trình với Hội đồng xét xử một số tài liệu mới, chưa có trong vụ án, thể hiện các bị cáo đã bổ sung tài sản bảo đảm cho các khoản vay tại ngân hàng. 

Theo tài liệu vụ án, bị cáo Nguyễn Hoàng Long có hành vi lừa đảo vay vốn ngân hàng. Cụ thể, bị cáo Long đã cấu kết với giám đốc của 5 công ty có liên quan, hoặc có mối quan hệ làm ăn thân thiết với Vina Megastar để tạo dựng các hợp đồng khống, hợp thức hóa các hồ sơ vay vốn ngân hàng. 

Chẳng hạn, trường hợp Nguyễn Thị Sở, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc CTCP Tây Hồ đã ký khống các hợp đồng mua bán thép với Công ty TNHH Vật tư kim khí Hưng Yên. Dựa trên hợp đồng này, với sự giúp sức của một số cán bộ ngân hàng, hồ sơ vay vốn của Công ty Tây Hồ đã được hoàn thiện và được giải ngân 3,9 tỷ đồng. Số tiền này sau đó được chuyển cho Nguyễn Hoàng Long sử dụng và đến nay không còn khả năng thanh toán. 

Bị cáo Lê Quỳnh Anh (SN 1975, vợ của Nguyễn Hoàng Long) đã thực hiện hành vi gian dối trong việc ký hợp đồng mua bán 407 tấn thép cuộn, tạo điều kiện cho các đồng phạm lập hồ sơ tín dụng khống để chiếm đoạt số tiền 3,9 tỷ đồng của ngân hàng. Ngoài ra, bị cáo Lê Quỳnh Anh còn ký hợp đồng mua bán hóa đơn khống với số lượng là 737 tấn thép cuộn, nhằm lập hồ sơ tín dụng khống, chiếm đoạt số tiền 7 tỷ đồng của ngân hàng. 

Bị cáo Long chỉ đạo các công ty thành viên của Vina Megastar lập hồ sơ mua bán hàng hóa khống, không có tài sản thế chấp để vay ngân hàng với tổng số tiền gần 30 tỷ đồng rồi chiếm đoạt, sử dụng và trả nợ cho các khoản vay từ trước của các công ty thành viên. 

Trong vụ án này, ngoài hai vợ chồng Nguyễn Hoàng Long, còn có 10 bị cáo khác cùng phải đứng trước vành móng ngựa. Trong đó, có 5 bị cáo từng là giám đốc các công ty có liên quan đến Vina Megastar, hoặc là các công ty có mối quan hệ làm ăn thân thiết và 5 bị cáo từng là lãnh đạo, cán bộ của một ngân hàng TMCP. 

Đáng chú ý, nguyên phó giám đốc một chi nhánh ngân hàng TMCP nêu trên, người đã thông đồng với Nguyễn Hoàng Long lập các hồ sơ vay vốn khống để bù đắp, trả nợ các khoản vay đến hạn trước đó, đã bỏ trốn ra nước ngoài. Cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã và tách rút tài liệu về bị can này, xử lý sau. 

Liên quan đến vụ án còn có Lê Anh Tâm, khi đó là Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng An Việt Úc, sau khi thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản cũng đã xuất cảnh, hiện chưa quay về Việt Nam, nên cơ quan điều tra quyết định tạm đình chỉ điều tra đối với Tâm và nguyên phó giám đốc một chi nhánh ngân hàng TMCP, đồng thời quyết định truy nã, tách rút tài liệu liên quan, chờ khi nào bắt được sẽ xử lý sau. 

Chuyên đề

Kết nối đầu tư