Trong vụ đại án Oceanbank đang được xét xử, rất nhiều ý kiến phát biểu với đại ý rằng “tội của bị cáo là làm giám đốc”. Chắc hẳn, khó có vụ án nào khác có số lượng lớn các bị cáo đồng loạt “tố” chức danh giám đốc gây họa cho mình như vụ án này.
Vụ án ghi nhận số lượng các bị cáo đáo tụng đình với con số rất lớn là 51 người. Có 34 bị cáo nguyên là giám đốc chi nhánh/phòng giao dịch/khối nghiệp vụ dính dáng sai phạm chi vượt trần lãi suất. Một số bị cáo được Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị án treo, nhưng cũng không ít cá nhân bị đề nghị mức án tù nặng từ 36 - 42 tháng tù.
Suốt phiên tòa xét xử, ý lặp lại nhiều lần trong lời khai của các bị cáo là “trót" làm giám đốc. Bị cáo Đỗ Quốc Trình, nguyên giám đốc chi nhánh Vũng Tàu khẳng định, việc chi lãi ngoài tại chi nhánh diễn ra trước khi bị cáo nhận nhiệm vụ năm 2013.
“Tôi cho rằng tội của mình là đã làm giám đốc”, Đỗ Quốc Trình cho biết.
Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Minh Đạo, nguyên giám đốc chi nhánh, luật sư Nguyễn Hồng Bách gay gắt phản biện, nếu quy kết 34 giám đốc chi nhánh/phòng giao dịch sẽ là sự bất bình đẳng khi thời điểm họ còn là giám đốc, không chỉ Oceanbank mà các tổ chức tín dụng khác cũng tham gia chi lãi ngoài.
Sự bất bình đẳng không chỉ nằm trong câu chuyện xử lý hình sự hay hành chính, câu chuyện là các giám đốc chi nhánh/phòng giao dịch cũng như các giám đốc khối không có sự lựa chọn nào khác. Họ chỉ là những người phải thực hiện chỉ đạo từ cấp trên, giống như một quyết định hành chính trong nội bộ Oceanbank, buộc họ phải chấp hành.
“Tội của Nguyễn Minh Đạo là tội làm giám đốc. Không có cách nào để chứng minh có tội khác vì bị cáo không nhận tiền, không chi tiền”, luật sư Bách lập luận.
Ở phần bào chữa, bị cáo Nguyễn Minh Thu, nguyên Tổng giám đốc Oceanbank rơi nước mắt trình bày rằng đã nhiều lần nộp đơn xin từ chức nhưng bất thành. Khi phải đối diện mức án bị đề nghị 24 - 27 năm tù, bị cáo cảm thấy vô cùng khắc nghiệt. Bị cáo Thu cũng dẫn chứng: “Ông chủ thực sự của Oceanbank là Chủ tịch Hà Văn Thắm (nắm giữ 63% cổ phần – PV). Bị cáo chỉ là người làm công ăn lương”. Số tiền chi chăm sóc khách hàng là do Hà Văn Thắm phê duyệt, chỉ đạo.
Tại phần luận tội, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhận xét, 34 bị cáo nhận thức rõ việc chi lãi ngoài là trái pháp luật nhưng vẫn thực hiện theo sự chỉ đạo của Hà Văn Thắm và các bị cáo khác tại Hội sở, gây thiệt hại lớn cho Oceanbank. Trên thực tế, việc chi lãi ngoài diễn ra trên toàn hệ thống Oceanbank trong thời gian rất dài (giai đoạn 2011 - 2014), các bị cáo không thể không biết.
Theo lý luận trong Bộ luật Hình sự, đồng phạm không chỉ là những người thực hành trực tiếp, chủ mưu, cầm đầu hoặc xúi giục. Bên cạnh đó, người giúp sức là cá nhân tạo những điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm. Hành vi đến đâu, cơ quan tố tụng sẽ xem xét đến đó. Nhưng không thể phủ nhận rằng, nếu đã ngồi ở vị trí “ghế nóng” khó thoát khỏi trách nhiệm liên quan.
Các giám đốc “bù nhìn” bị truy tố với hành vi đồng phạm như Trần Văn Bình (lái xe của Tập đoàn Thiên Thanh, kiêm Giám đốc Công ty Trung Dung) và Hoàng Thị Hồng Tứ (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty BSC), cũng một mực kêu oan, cho rằng không biết, không làm. Các giấy tờ, hợp đồng soạn sẵn, các bị cáo chỉ ký tên vào. Thực tế, với chức danh giám đốc “hờ”, mỗi tháng bị cáo Trần Văn Bình vẫn được nhận mức lương từ 5 - 10 triệu đồng.