Đặc khu: Sẽ làm thận trọng

(BĐT) - Sáng nay (23/5), Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (gọi tắt là Luật đặc khu).
Nhiều ý kiến nhấn mạnh chính sách ưu đãi về kinh tế không quan trọng bằng việc tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng. Ảnh: Tường Lâm
Nhiều ý kiến nhấn mạnh chính sách ưu đãi về kinh tế không quan trọng bằng việc tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng. Ảnh: Tường Lâm

Cần có chính sách đột phá

Các đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành Luật để thể chế hóa kịp thời các nghị quyết của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, tạo cơ chế chính sách vượt trội, tạo cực tăng trưởng mới không chỉ cho ba đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt mà còn cho ba tỉnh và cả nước, tạo đột phá mới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm là tổ chức, hoạt động của chính quyền đặc khu. Nhiều ý kiến nhấn mạnh chính sách ưu đãi về kinh tế không quan trọng bằng việc tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng, thủ tục hành chính nhanh gọn, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư.

Các đại biểu nhất trí với mô hình chính quyền địa phương ở đặc khu như quy định trong dự thảo Luật, gồm có HĐND và UBND với những đổi mới cơ bản về cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Cụ thể, HĐND đặc khu có không quá 15 đại biểu, trong đó đa số đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; không tổ chức thường trực HĐND và các ban của HĐND; UBND đặc khu chỉ gồm Chủ tịch và hai Phó Chủ tịch. HĐND và UBND sẽ có một văn phòng giúp việc chung, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND đặc khu (không quá 7 cơ quan) và Trung tâm Hành chính công đặc khu.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, đoàn Quảng Bình nhấn mạnh, đặc khu cần tổ chức HĐND để thực hiện nhiệm vụ giám sát, bởi quyền lực càng cao, càng đặc biệt, mô hình lại mới sẽ xuất hiện những vấn đề nóng.

Đại biểu Dương Minh Tuấn, đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu cho rằng, phương án chính quyền đặc khu chỉ có một văn phòng giúp việc chung cho HĐND và UBND là phù hợp. Ông Tuấn cho biết, qua tiếp xúc, nhiều nhà đầu tư mong muốn khi đã có đặc khu hành chính kinh tế, từ khi tìm hiểu dự án, làm thủ tục đến khi triển khai, xây dựng dự án, nhà đầu tư không phải đi làm thủ tục ở nhiều nơi, nhiều cấp mà chỉ liên hệ ở một nơi, đó là chính quyền đặc khu.

Thận trọng trong tổ chức thực hiện

Theo đại biểu Dương Trung Quốc, đoàn Đồng Nai nói đến đặc khu không nên bỏ qua 2 yếu tố là ''thử nghiệm'' và ''địa chính trị''. Khi thử nghiệm có thể thành công hay thất bại nhưng không thể phiêu lưu được. Đại biểu Quốc lưu ý đến quy định ưu đãi cho nhà đầu tư thuê đất đến 99 năm phải hết sức thận trọng.

Theo ông Quốc, trong thời đại công nghệ 4.0, nhà đầu tư không cần yếu tố thời gian, có chăng chỉ là những nhà đầu tư bất động sản. “Chúng ta phải hết sức thận trọng, chúng ta sống đương đại có thể đại diện cho những thế hệ sống 100 năm nữa không?", ông nhấn mạnh và cảnh báo việc ưu đãi thuê đất 99 năm không cẩn thận sẽ là nơi “để di dân”.

Ông Quốc đề xuất khi biểu quyết thông qua dự Luật phải biểu quyết riêng nội dung thuê đất 99 năm và mong muốn các đại biểu phải có trách nhiệm với tương lai, với chính cử tri đã bầu ra mình khi ấn nút.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đoàn TP.HCM nêu thực tế nhiều dự án có chủ trương đúng nhưng thất bại, có nhiều tổn thất do khâu tổ chức thực hiện. Đại biểu Nghĩa đề nghị cần làm rõ những khoản đầu tư lớn cho đặc khu 10 năm, 20 năm hay 30 năm nữa sẽ đem lại lợi ích gì, bao nhiều và cho ai?

Giải trình lo lắng của một số đại biểu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề nghị cho phép giữ nguyên thời gian cho thuê đất 99 năm như dự thảo. Bởi đây cũng là 1 chính sách vượt trội của nước ta và nhiều nước đã thực hiện. Bộ trưởng cho biết, dự Luật thu hẹp chỉ những dự án đặc biệt do Thủ tướng quyết định mới được ưu đãi thuê đất 99 năm. Bộ trưởng đồng tình là phải quy định rõ đâu là điều kiện đặc biệt để được Thủ tướng phê duyệt và phải thận trọng trong quá trình xem xét những dự án này.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, những ưu đãi trong dự Luật chỉ dành cho những ngành nghề ưu tiên của mỗi đặc khu, và những chính sách được thiết kế phải vượt trội so với trong nước và cạnh tranh được với quốc tế. Nguyên tắc thu hút các nhà đầu tư, thực hiện các dự án, ngành nghề không liên quan đến quốc phòng an ninh, làm ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng. Mục tiêu quan trọng nhất là xây dựng môi trường sống, làm việc, đầu tư tốt, hấp dẫn, thuận lợi cho nhà đầu tư.

Bộ trưởng Dũng xin phép Quốc hội cho thông qua dự luật tại kỳ họp này vì cần ban hành sớm để triển khai kịp thời và vừa làm vừa điều chỉnh như một nước đã thực hiện.

Chuyên đề