Các lô đất của SVĐ là tài sản thi hành án
Năm 2010, thực hiện chủ trương di dời sân vận động (SVĐ) ta khỏi trung tâm thành phố và dành khu đất tại khu vực SVĐ Chi lăng để phục vụ mục đích phát triển kinh tế, TP. Đà Nẵng có chủ trương thu hồi khu đất này để kêu gọi đầu tư Dự án Khu phức hợp thương mại dịch vụ tại Khu đất SVĐ Chi Lăng. Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh (Tập đoàn Thiên Thanh) đã đề nghị tham gia đầu tư Dự án này.
Giải trình với Thủ tướng Chính phủ, UBND TP. Đà Nẵng cho hay, kể từ khi Thành phố chấp thuận cho Tập đoàn Thiên Thanh đầu tư Dự án đến nay, Dự án này chưa được triển khai thực hiện, nhà đầu tư chưa làm bất cứ thủ tục gì đề đăng lý đầu tư đối với Dự án.
Khu đất này cũng được tách thành 14 lô và được UBND TP cấp 10 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 10 công ty thành viên của Tập đoàn Thiên Thanh vào ngày 28/1/2011. Trong các năm 2013, 2014, các công ty này đã thế chấp các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các lô đất này để vay vốn tại các ngân hàng.
Năm 2016, Phạm Công Danh bị TAND TP.HCM đưa ra xét xử và tuyên án. Theo bản án, các lô đất thuộc khu vực SVĐ Chi Lăng được xử lý: “Tiếp tục kê biên 8 GCNQSDĐ tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam để quản lý theo quy định về tài sản bảo đảm; giải tỏa 2 GCNQSDĐ, giao Ngân hàng Xây dựng Việt Nam và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Láng Hạ để quản lý, xử lý theo quy định về tài sản bảo đảm. Các ngân hàng có quyền yêu cầu xử lý tài sản bảo đảm để đảm bảo nghĩa vụ bồi hoàn các khoản vay của các công ty theo các hợp đồng tín dụng”.
Vướng mắc giữa thi hành án và quản lý đất đai và đề xuất của Đà Nẵng
Qua rà soát hồ sơ, UBND TP. Đà Nẵng cho biết, việc giao đất cho Tập đoàn Thiên Thanh là không đúng đối tượng theo quy định của pháp luật do UBND Thành phố chấp thuận cho nhà đầu tư triển khai dự án nhưng lại chưa làm thủ tục đầu tư.
UBND Thành phố cũng không ra quyết định giao đất cho nhà đầu tư. Việc giao đất được thực hiện bằng hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất (giữa Công ty Quản lý và Khai thác quỹ đất Đà Nẵng với nhà đầu tư) là vi phạm thẩm quyền giao đất cũng như vi phạm trình tự, thủ tục pháp luật đất đai.
Bên cạnh đó, việc cho phép tách thửa để cấp GCNQSDĐ đối với Dự án đầu tư cũng không phù hợp với quy định của pháp luật. Người sử dụng các lô đất nói trên cũng chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với khoản tiền sử dụng đất.
Do đây là tài sản thi hành án, khi xử lý kê biên thì tổ chức, cá nhân nếu mua lại những tài sản này cũng không thể đưa vào sử dụng vì bắt buộc phải phù hợp với quy hoạch chi tiết của Đà Nẵng. Điều này sẽ khiến các tổ chức, cá nhân không thể tham gia đấu giá để mua lại tài sản, làm cho việc xử lý tài sản kê biên để thi hành án không thể thực hiện được.
Với những khó khăn, vướng mắc trên, UBND TP. Đà Nẵng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Thành phố được giữ lại toàn bộ diện tích tại SVĐ Chi Lăng thông qua thi hành án bằng cách tự nguyện, thỏa thuận với bên được thi hành án. Theo đó, Thành phố sẽ chuyển trả lại toàn bộ tiền sử dụng đất mà các DN thực nộp vào ngân sách khi được giao khu đất nói trên. Số tiền này thực tế là 1.251 tỷ đồng.
Hiện, các ngân hàng quản lý các khu đất theo quy định về tài sản bảo đảm đều là ngân hàng 100% vốn Nhà nước nên UBND TP. Đà Nẵng đề xuất được thỏa thuận với các ngân hàng nhằm thực hiện thay nghĩa vụ thi hành án của người sử dụng đất, đồng thời thu hồi lại các khu đất thuộc khu vực SVĐ Chi Lăng.