Đã có thuốc trị nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội

Kể từ ngày 1/6/2016, Nghị định 21/2016/NĐ-CP về thanh tra chuyên ngành đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ chính thức có hiệu lực.
Khi được trao thêm quyền thanh tra, BHXH Việt Nam sẽ dễ dàng hơn trong việc đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm tự nguyện
Khi được trao thêm quyền thanh tra, BHXH Việt Nam sẽ dễ dàng hơn trong việc đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm tự nguyện

Theo đó, chức năng thanh tra cũng như xử lý vi phạm của BHXH Việt Nam đã được quy định chi tiết và rõ ràng hơn, góp phần làm giảm sự chồng chéo, đồng thời nâng cao ý thức tuân thủ chính sách về bảo hiểm.

Chính thức được thanh tra chuyên ngành đóng bảo hiểm xã hội

Như vậy, sau nhiều kiến nghị, BHXH Việt Nam sẽ chính thức được trao thêm quyền thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHTN và BHYT trên cơ sở quy định tại Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2016. Theo đó, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam sẽ lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra và chịu trách nhiệm trước Chính phủ về hoạt động thanh tra trên.

Trước đây, mặc dù có quyền và trách nhiệm tổ chức thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT, nhưng cơ quan này chỉ có chức năng kiểm tra việc ký hợp đồng, đóng và trả BHXH, BHYT cũng như giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc có quyền khởi kiện dân sự để yêu cầu tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích nhà nước trong lĩnh vực BHXH, BHYT. Trong khi chức năng thanh tra chuyên ngành về BHXH, BHYT nói chung, đóng BHXH, BHTN và BHYT nói riêng đều do 2 cơ quan thanh tra thuộc Bộ Y tế và Bộ Lao động thương binh và xã hội đảm nhận.

Việc không có chức năng thanh tra cũng như  xử lý vi phạm trong việc thực hiện chính sách pháp luật về BHXH, BHYT đã khiến cơ quan này gặp khó khăn.

Cơ quan BHXH được trích một phần khoản phạt lãi chậm nộp phát hiện qua thanh tra để hỗ trợ nâng cao hoạt động thanh tra, tăng cường cơ sở vật chất và khen thưởng động viên tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác thanh tra chuyên ngành này (trích Nghị định 21).
Theo bà Nguyễn Thị Minh, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, do chỉ có chức năng kiểm tra, không có quyền thanh tra, nên khi kiểm tra các đơn vị vi phạm thì phải kiến nghị, báo cáo để cơ quan liên quan thẩm định và ra quyết định thanh tra xử lý, cho nên việc thực thi chính sách pháp luật bảo hiểm còn hạn chế, chưa đạt kỳ vọng. Thậm chí, ngay cả khi có quyết định xử lý hành chính thì doanh nghiệp vẫn “phớt lờ”. Cơ quan BHXH buộc phải tính đến giải pháp khởi kiện, nhưng việc này rất phức tạp và không phải lúc nào cũng đạt được kết quả như mong muốn.

Với việc trao thêm quyền thanh tra, BHXH Việt Nam sẽ gặp thuận lợi hơn trong phối hợp triển khai các quy định của chính sách pháp luật về BHXH, BHYT. Từ đó, quyền lợi của người tham gia các loại hình bảo hiểm tự nguyện nếu bị ảnh hưởng sẽ được ngăn chặn, xử lý kịp thời. Điều này là đặc biệt cần thiết trong bối cảnh lực lượng thanh tra 2 Bộ trên còn mỏng, phải tập trung các nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra theo chức năng của ngành mình, dẫn đến công tác thanh tra “ngoài ngành” là BHXH, BHYT vẫn còn hạn chế cả về số cuộc và số đơn vị được thanh tra.

Trong khi đó, tình trạng doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng BHXH còn phổ biến, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động, nhưng cơ quan bảo hiểm không dễ giải quyết.

Năm 2015, theo BHXH Việt Nam, nợ BHXH bắt buộc là 5.692 tỷ đồng, bằng 3,78% tổng số phải thu, giảm 1,04% so với năm 2014 (giảm 936 tỷ đồng). Nợ bảo hiểm tự nguyện là 315 tỷ đồng, bằng 3,06% tổng số phải thu, giảm 1,27% so với năm 2014 (giảm 228 tỷ đồng). Tính đến hết tháng 2/2016, tổng số nợ BHXH, BHYT, BHTN là 15.252 tỷ đồng, chiếm 7% tổng số phải thu theo kế hoạch.

… và cả quyền xử phạt

Đáng chú ý, Nghị định 21 còn trao thêm quyền xử phạt các vi phạm hành chính liên quan đến hoạt động bảo hiểm cho người đứng đầu cơ quan BHXH Việt Nam là Tổng giám đốc và các Giám đốc BHXH cấp tỉnh. Các nội dung thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, BHTN bao gồm đối tượng đóng, mức đóng và phương thức đóng.

Với chức năng mới là xử phạt, BHXH Việt Nam hy vọng công tác xử lý vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT sẽ kịp thời hơn, đạt hiệu quả cao hơn, góp phần nâng cao việc tuân thủ chính sách.

Việc trao thêm quyền thanh tra, xử phạt cũng hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế trong quản lý việc trốn đóng và nợ đọng bảo hiểm, xử lý vi phạm về BHXH, BHYT. Thậm chí có quốc gia còn quy định rõ, cơ quan BHXH có quyền kiến nghị khởi tố dân sự, hình sự đối với các chủ sử dụng lao động vi phạm pháp luật về BHXH như Mỹ, Pháp, Hàn Quốc, Singapore…

Với việc bỏ quy định thanh tra BHXH phải có chứng chỉ thanh tra chuyên ngành do Bộ Lao động thương binh và xã hội cấp (từng được đưa vào Dự thảo Nghị định), Nghị định 21 cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác chuẩn bị nhân sự cho BHXH. Năm 2015, BHXH Việt Nam đã chủ động phối hợp với Thanh tra Chính phủ đào tạo và cấp chứng chỉ thanh tra cho trên 500 cán bộ.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư