Nhiều gói thầu xây lắp quy mô lớn thu hút lượng lớn nhà thầu tham dự. Ảnh: Lê Tiên |
Cạnh tranh lớn, giá giảm sâu
14 nhà thầu đã nộp hồ sơ dự thầu Gói thầu XL-CL Thi công xây dựng tuyến, công trình trên tuyến, cầu đường bộ vượt đường sắt và cầu đường bộ Cẩm Lý vượt sông Lục Nam (Bắc Giang), theo kết quả mở thầu ngày 27/11/2024. Gói thầu có giá dự toán 405,013 tỷ đồng, thuộc Dự án Cầu đường sắt Cẩm Lý Km24+134 tuyến đường sắt Kép - Hạ Long, do Ban Quản lý dự án đường sắt là chủ đầu tư. Theo quan sát của phóng viên Báo Đấu thầu, đây là gói thầu xây lắp quy mô trên 400 tỷ đồng có số lượng nhà thầu tham gia đông nhất từ trước đến nay. Giá dự thầu thấp nhất được nhà thầu đưa ra là 315,908 tỷ đồng, giảm khoảng 22% so với giá dự toán.
Ngày 2/12/2024, Ban Quản lý dự án đường sắt mở thầu Gói thầu XL-CHQL1-03 Thi công xây dựng cầu Gianh, cầu Quán Hàu và các đường dẫn đầu cầu (giá dự toán 731,414 tỷ đồng). Có 8 nhà thầu đã nộp hồ sơ dự thầu, với mức giá dự thầu thấp nhất là 540,661 tỷ đồng, giảm khoảng 26% so với dự toán và giá dự thầu cao nhất là 621,097 tỷ đồng, giảm 15% so với dự toán.
Ngày 23/11/2024, Gói thầu Xây lắp (giá dự toán 289 tỷ đồng) thuộc Dự án Cải tạo hệ thống thoát nước đường Nguyễn Văn Khối, Lê Văn Thọ, quận Gò Vấp (TP.HCM) được mở thầu với 7 nhà thầu tham dự. Mức giá dự thầu thấp nhất là 213,8 tỷ đồng, cao nhất là 266 tỷ đồng.
Gói thầu số 9 Thi công xây dựng công trình (giá dự toán 306,616 tỷ đồng) thuộc Dự án cải tạo, mở rộng Quốc lộ 46 đoạn Vinh - Nam Đàn, tỉnh Nghệ An do Ban Quản lý dự án 85 là chủ đầu tư, mở thầu cuối tháng 10 vừa qua cũng thu hút tới 10 nhà thầu, giá dự thầu thấp nhất là 243,445 tỷ đồng.
Gói thầu số 12 Thi công xây dựng công trình Dự án Xây dựng cầu Đèo Gia đi Phú Nhuận, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang do UBND huyện Lục Ngạn làm chủ đầu tư, mở thầu ngày 29/10/2024. Gói thầu có giá 61,961 tỷ đồng, thu hút 12 nhà thầu tham gia với giá dự thầu thấp nhất là 48,793 tỷ đồng, giảm khoảng 21%. Ở gói thầu này, một nhà thầu địa phương, có lịch sử trúng thầu nhiều gói tại Bắc Giang với không ít gói thầu không đối thủ, chào giá cao nhất (60,61 tỷ đồng).
Nhiều gói thầu trăm tỷ khác cũng có 5 - 10 nhà thầu tham gia, trong đó có nhiều tên tuổi lớn. Các gói thầu nêu trên hiện chưa có kết quả, nhưng theo dự đoán của một số nhà thầu, danh sách nhà thầu tham dự có rất nhiều doanh nghiệp xây dựng lớn, có năng lực, kinh nghiệm, nên khả năng đáp ứng kỹ thuật là rất cao, cạnh tranh sẽ thiên về giá.
Ví dụ ở Gói thầu SPC-TABC-PC-05.1 Cung cấp lắp đặt, xây dựng đường dây đoạn tuyến từ trụ số 77 (G9) đến trạm 110kV Thanh An và từ trụ số 82 (G11) đến trạm 220kV Bến Cát (giá dự toán 107,57 tỷ đồng) được mở thầu tháng 4/2024, có 13 nhà thầu tham gia. Nhà thầu trúng thầu đưa ra giá dự thầu giảm khoảng 20% so với dự toán. Trong 12 nhà thầu bị loại, có 3 nhà thầu không đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu, còn lại 9 nhà thầu đều đạt kỹ thuật.
Một số doanh nghiệp xây dựng vì thiếu công ăn việc làm, thiếu dòng tiền… mà phải giảm giá sâu để trúng thầu. Ảnh minh họa: Lê Tiên |
Hai mặt của cạnh tranh
Theo một chuyên gia đấu thầu, số lượng nhà thầu tham gia cao ở gói thầu xây lắp quy mô lớn cho thấy, thông qua đấu thầu qua mạng, mức độ cạnh tranh trong đấu thầu tăng lên rất nhiều khi sân chơi đấu thầu công khai, minh bạch, cơ hội tiếp cận thông tin thuận lợi. Hơn nữa, với chức năng công khai các gói thầu có yêu cầu làm rõ, kiến nghị trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia cùng một số quy định tại Luật Đấu thầu về trách nhiệm trả lời của chủ đầu tư/bên mời thầu, việc cài cắm các tiêu chí hạn chế, tạo ưu thế cho nhà thầu ruột trở nên khó hơn. Khi các bài thầu không còn tiêu chí “đo ni đóng giày”, với năng lực kinh nghiệm ngày càng dày dặn, lớn mạnh của doanh nghiệp xây dựng Việt Nam, nhiều nhà thầu đang và sẽ tự tin tham gia cạnh tranh.
Khảo sát của phóng viên Báo Đấu thầu cũng cho thấy, nhiều gói thầu thuộc diện cạnh tranh cao có sự tham dự của nhà thầu từng trúng thầu rất nhiều tại địa phương, hoặc nhà thầu “quen” của chủ đầu tư. Các nhà thầu này thường trong nhóm chào giá cao nhất. Nếu như trước đây, khi một mình một sân, nhà thầu này gần như chắc chân trúng thầu, nhưng với mức độ cạnh tranh rất lớn hiện nay, nhiều nhà thầu “quen” đã bị loại vì giá cao.
Bên cạnh nhiều hiệu quả từ cạnh tranh đưa lại, có một vấn đề cần lưu ý là nhà thầu lớn có thể vì công ăn việc làm, vì kế hoạch đầu tư riêng, vì thiếu dòng tiền… mà phải giảm giá để trúng thầu.
Theo ông Bùi Tuấn Ngọc, Tổng giám đốc Công ty CP Công trình 207, nhiều đơn vị tham gia sẵn sàng giảm giá đến 20%, thậm chí 25% để trúng thầu. “Đơn cử tại gói thầu hơn 1.000 tỷ đồng tại Bến Tre, chúng tôi tính toán sau khi giảm giá 16% thì tỷ suất lợi nhuận được khoảng 4%, nhưng nhiều nhà thầu khác sẵn sàng giảm giá 18 - 20% để cạnh tranh”, ông Ngọc cho biết. Theo ông Ngọc, việc chạy đua phá giá để trúng thầu kéo dài sẽ khiến các nhà thầu chết từ từ.
Tại các buổi gặp gỡ “Cà phê nhà thầu xây dựng” do Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam tổ chức thời gian qua, đại diện nhiều doanh nghiệp xây dựng như Tổng công ty 319, Tổng công ty Trường Sơn… cũng lo lắng việc cạnh tranh phá giá tại nhiều gói thầu lớn, có gói giảm tới 40 - 50%, dẫn đến hệ quả là công trình bị bớt xén nguyên vật liệu, giảm chất lượng, hoặc các nhà thầu xây dựng tự “gặm xương mình” để tồn tại.
Một số ý kiến cho rằng, trong cơ chế thị trường, cạnh tranh để phát triển, giành thị phần là tất yếu. Tuy nhiên, trong bối cảnh đơn giá thấp, chưa theo kịp thị trường khiến dự toán lập ra đã rất thấp, các nhà thầu nên có tầm nhìn dài hơn, tính toán đầy đủ, hợp lý khi xây dựng giá dự thầu. Đồng thời, các cơ quan quản lý cần tiếp tục hoàn thiện đơn giá, định mức, công bố giá sát với diễn biến thị trường để giảm khó khăn cho nhà thầu khi triển khai gói thầu.