Công trình chưa dùng đã sạt lở tại Nghệ An: Làm rõ trách nhiệm nhà thầu

(BĐT) - Mặc dù công trình vừa mới thi công, chưa được đưa vào sử dụng thì đã xảy ra tình trạng sạt lở, nứt mái. Nhà thầu thi công cho rằng mình “vô can” vì do điều kiện tự nhiên, địa chất và điều này đã được nhà thầu tư vấn tiên lượng. Dưới góc nhìn khách quan, chuyên gia trong lĩnh vực thủy lợi nói gì về vấn đề này?
Nhà thầu thi công cho rằng mình không phải chịu trách nhiệm về sự cố sạt lở kênh tiêu Châu Bình bởi tình huống này đã được nhà thầu tư vấn tiên lượng. Ảnh: Vietnamnet
Nhà thầu thi công cho rằng mình không phải chịu trách nhiệm về sự cố sạt lở kênh tiêu Châu Bình bởi tình huống này đã được nhà thầu tư vấn tiên lượng. Ảnh: Vietnamnet

Nhà thầu thi công “phủi tay”, tư vấn chọn cách im lặng

Theo Quyết định số 902/QĐ-SNN.QLXD ngày 14/8/2014 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An, thời gian thi công của Gói thầu 14: Phần xây lắp các hạng mục công trình Hệ thống kênh thông hồ, kênh tiêu Châu Bình, nhà quản lý, đường thi công, bãi tập kết vật liệu thuộc Hạng mục Đập phụ kênh tiêu thông hồ và kênh tiêu Châu Bình (Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An) là 12 tháng.

Ngày 12/10/2014, Tổng công ty 36 (nhà thầu thi công công trình) bắt đầu khởi công thi công Hạng mục. Tuy nhiên, đến khi công trình xảy ra sự cố (tháng 4/2017), thì hạng mục này vẫn chưa hoàn thành. Như phản ánh của Báo Đấu thầu trên số báo 67, ra ngày 14/4/2017, Tổng công ty 36 khăng khăng cho rằng mình không phải chịu trách nhiệm về sự cố này, bởi tình huống này đã được nhà thầu tư vấn tiên lượng.

Trong khi đó, mặc dù phóng viên Báo Đấu thầu liên tục liên lạc, nhưng Liên danh Công ty Tư vấn thiết kế hạ tầng cơ sở và chuyển giao công nghệ thuộc Trường Đại học Thủy lợi và Viện Công nghệ thuộc Trường Đại học Thủy lợi, nhà thầu trúng thầu gói thầu tư vấn thiết kế vẫn một mực giữ thái độ im lặng. Nhà thầu này trúng thầu Gói thầu số 1 thông qua hình thức đấu thầu hạn chế với giá trúng thầu là 31,438 tỷ đồng, chênh 1,194 tỷ đồng so với giá gói thầu. 

Trách nhiệm thuộc về ai?

Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng là một trong những dự án thủy lợi trọng điểm nằm trong chương trình đầu tư phát triển kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An, mang tính cấp bách của Tỉnh. Dự án này được Chính phủ cho phép lấy nguồn huy động trái phiếu chính phủ để xây dựng và giao cho Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Nghệ An đồng làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư 4.455 tỷ đồng. Thời gian thực hiện Dự án là 5 năm (2010 - 2015).
Để tìm câu trả lời, phóng viên Báo Đấu thầu đã có cuộc trò chuyện với GS. TS. Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam. Bình luận về sự cố này, GS. TS. Vũ Trọng Hồng cho rằng, bất kỳ công trình thủy lợi nào xảy ra sự cố sạt lở, nứt mái, thì điều trước tiên phải làm là xem xét lại phần thiết kế, trách nhiệm của nhà thầu tư vấn thiết kế. Thông thường, khi thiết kế, nhà thầu tư vấn thiết kế phải đưa ra được những giả thiết cụ thể để từ đó có những giải pháp thi công khắc phục. Chẳng hạn như, nếu mái chênh, dốc thì thiết kế phải tiên lượng được những mố sạt, trượt có thể xảy ra và có biện pháp chống lở, xói, dẫn nước sang chỗ khác, tránh tập trung nước vào một chỗ. Sở dĩ sạt lở mái kênh thường là do không có đường tiêu nước, dẫn nước xuống khi mưa xuống, nên lượng mưa không tiêu hết, hoặc là rãnh tiêu nước nhỏ quá thoát nước không kịp...

Sau khi xem xét trách nhiệm của nhà thầu thiết kế, chủ đầu tư công trình cũng phải làm rõ trách nhiệm của nhà thầu thi công. Việc cần kiểm tra lại khi xảy ra sự cố sạt lở mái kênh là liệu việc thi công có đảm bảo kích thước mà thiết kế đề ra không, có thi công dối không? Việc thi công có thực hiện đúng tiến độ như hợp đồng ký kết hay không? Nếu thi công chậm, gặp phải mùa mưa mà xảy ra sạt lở, làm hỏng công trình thì nhà thầu thi công đó hoàn toàn phải chịu lỗi. Thông thường khi xây kênh dẫn nước thì phải lát đá bê tông để bảo vệ mặt kênh. Thế nhưng, nếu thi công bị chậm dẫn đến việc không kịp lát mái, thì khi mưa xuống cũng sẽ tạo thành những dòng chảy mạnh, gây sạt lở.

Còn đối với nhà thầu cung cấp dịch vụ bảo hiểm, nếu công trình có mua bảo hiểm, thì khi xảy ra sự cố do khách quan thì nhà thầu bảo hiểm đó sẽ chi trả tối đa là 50% giá trị. Còn nếu như công trình bị hỏng vì nguyên nhân khác, không phải do yếu tố khách quan thì nhà thầu bảo hiểm đó sẽ không phải chi trả, mà lỗi thuộc về ai thì người đó phải trả. Do đó, cần phải xác định rõ nguyên nhân để quy trách nhiệm của các bên khi công trình xảy ra sự cố.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư