Công khai thông tin: Bên mời thầu “quên”, nhà thầu “lĩnh đủ”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhiều bên mời thầu (BMT), chủ đầu tư (CĐT) để xảy ra tình trạng “quên” công bố thông tin khi tổ chức lựa chọn nhà thầu. Các thông tin có vai trò rất quan trọng đối với một cuộc thầu như: thông báo danh sách nhà thầu đáp ứng kỹ thuật; thông báo gia hạn hiệu lực của hồ sơ dự thầu (HSDT); thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu… Điều này khiến cuộc thầu thiếu tính minh bạch, công khai và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của nhà thầu.
Các nhà thầu dự thầu chỉ biết thông tin này trên Báo Đấu thầu mà không nhận được bất kỳ thông báo nào từ BMT. Ảnh chỉ mang tính minh họa
Các nhà thầu dự thầu chỉ biết thông tin này trên Báo Đấu thầu mà không nhận được bất kỳ thông báo nào từ BMT. Ảnh chỉ mang tính minh họa

Tháng 3/2021, một BMT thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có địa chỉ tại TP.HCM công bố kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu xây lắp có giá gần 300 tỷ đồng. Tuy nhiên, các nhà thầu dự thầu chỉ biết thông tin này trên Báo Đấu thầu mà không nhận được bất kỳ thông báo nào từ BMT. “Gói thầu có thời gian đánh giá HSDT kéo dài, 6 tháng, với khá nhiều lần yêu cầu làm rõ HSDT. Tuy nhiên, khi hiệu lực của HSDT kết thúc, BMT không có thông báo yêu cầu nhà thầu làm các thủ tục gia hạn hiệu lực, tu chỉnh bảo lãnh dự thầu. Việc tổ chức lựa chọn nhà thầu gói thầu này xảy ra nhiều bất cập: không gia hạn hiệu lực HSDT; không gửi danh sách nhà thầu đáp ứng kỹ thuật và không gửi thông báo về kết quả lựa chọn nhà thầu”, một nhà thầu cho biết.

Theo tìm hiểu của Báo Đấu thầu, trong tháng 1/2021, BMT nêu trên đã phê duyệt danh sách nhà thầu đáp ứng kỹ thuật. Kết quả lựa chọn nhà thầu được phê duyệt từ đầu tháng 3/2021. Đặc biệt, cuối tháng 2/2021, BMT có thông báo gia hạn hiệu lực HSDT đến 2 trong số 4 nhà thầu dự thầu. Điều này khiến nhà thầu cho rằng, dù đấu thầu công khai, nhưng cách xử lý của BMT khiến cuộc thầu rơi vào thế “tù mù” và không công bằng.

Nhiều nhà thầu bị rơi vào thế trận như trên khi không may dự thầu tại những BMT hay “quên”. “Thậm chí chúng tôi phải chủ động gửi văn bản đề nghị BMT thực hiện các thủ tục gia hạn hiệu lực HSDT thì BMT mới có động thái này. Có nhiều BMT dường như không quan tâm đến thủ tục, thời gian và quyền lợi của các nhà thầu dự thầu. BMT chỉ muốn nhà thầu trúng thầu trong… im lặng. Hoặc không gửi các thông báo để tránh bị kiến nghị”, một nhà thầu xây lắp tại TP.HCM than thở.

Tại tỉnh Long An, Công an huyện Tân Hưng làm CĐT của một gói thầu mua sắm hàng hóa từ giữa năm 2020. “Tuy nhiên, đến nay đã mở thầu hơn nửa năm, hiệu lực của HSDT đã hết hơn 3 tháng mà CĐT chưa có bất kỳ thông báo nào liên quan đến gói thầu gửi cho nhà thầu”, một nhà thầu dự thầu cho biết.

Không thể tiếp cận thông tin, nhà thầu bị rơi vào mớ bùng nhùng, lãng phí rất nhiều thời gian, công sức cũng như tiền bạc. “Chúng tôi đã 3 lần phải lần ngược lên tận huyện biên giới Tân Hưng (giáp Campuchia) để dự thầu, làm rõ HSDT. Sau đó, lại phải lên tận địa chỉ này để hỏi về việc tại sao không gia hạn hiệu lực HSDT, thủ tục để giải tỏa bảo lãnh dự thầu như thế nào nếu CĐT không chịu công bố kết quả của gói thầu? Chi phí đi lại, công sức và thời gian của nhà thầu đối với gói thầu là rất lớn”, đại diện nhà thầu tham dự gói thầu do Công an huyện Tân Hưng làm CĐT than phiền.

Còn nhà thầu dự gói thầu trị giá gần 300 tỷ đồng tại TP.HCM bức xúc: “Bảo lãnh dự thầu của gói thầu này có giá trị rất lớn, lên tới hàng tỷ đồng. Theo quy định của ngân hàng, bắt buộc phải có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu trong đó đề cập đến tên đơn vị xin cấp bảo lãnh (trừ trường hợp vi phạm, bị tịch thu bảo lãnh) thì mới giải tỏa giá trị bảo lãnh. Trong trường hợp không nhận được bất kỳ văn bản nào từ BMT, nhà thầu phải chủ động đi đòi để ra ngân hàng tự giải tỏa. Nếu quá thời hạn, sẽ rất rắc rối với phía ngân hàng. Các chi phí này, nhà thầu phải chịu hết, dù không trúng thầu. Chưa kể, bảo lãnh hàng tỷ đồng của nhà thầu “ngâm” trong ngân hàng nhiều tháng trời chỉ vì sự tắc trách từ phía BMT, liệu có được tính toán và đền bù thỏa đáng?”.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, nhiều chuyên gia cho biết, việc một số BMT/CĐT “quên” công bố thông tin không thể coi là “vô tình”. Các quy định về công khai thông tin, các bước triển khai lựa chọn nhà thầu đều gắn với mốc thời gian cụ thể để BMT chủ động công bố cho nhà thầu. Bên cạnh đó, khi tổ chức lựa chọn nhà thầu, ngoài việc thuê đơn vị tư vấn độc lập, các đơn vị chuyên môn của BMT đều được giao làm đơn vị thẩm định, rà soát lại các thủ tục. Hiện tượng “quên” công khai thông tin sẽ đẩy nhà thầu vào thế khó và cho thấy tình trạng không tuân thủ nghiêm pháp luật về đấu thầu.

Chuyên đề