Có thể đấu giá tượng vàng bị thu hồi do buôn lậu

(BĐT) - 7 pho tượng vàng trị giá gần 7 tỷ đồng đã được một doanh nhân người Nhật đưa lên máy bay đưa về Nhật Bản nhưng bị lực lượng hải quan phát hiện và bắt giữ. Các luật sư cho rằng, theo quy định hiện hành của pháp luật, có thể đấu giá tang vật là 7 pho tượng vàng này để thu hồi tiền vào ngân sách.
Qua kiểm tra, Chi cục Hải quan cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài đã phát hiện trong hành lý của một người Nhật có 7 pho tượng nghi là vàng. Ảnh: Lê Tiên
Qua kiểm tra, Chi cục Hải quan cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài đã phát hiện trong hành lý của một người Nhật có 7 pho tượng nghi là vàng. Ảnh: Lê Tiên

Lợi dụng đi du lịch nước ngoài để buôn lậu vàng

Vào hồi 22h30 ngày 3/8/2016, qua soi chiếu hành lý xách tay tại Cửa ra tàu bay, Đội Thủ tục hành lý xuất khẩu thuộc Chi cục Hải quan cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài đã phát hiện trong hành lý xách tay của hành khách Kitada Takayoshi, xuất cảnh sang Nhật Bản có mang theo 7 pho tượng bằng kim loại nghi là vàng, trọng lượng khoảng 7 kg, không làm thủ tục khai báo hải quan.

Chi cục Hải quan cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài đã tiến hành lập biên bản và tạm giữ tang vật vi phạm để điều tra làm rõ. Qua giám định đã kết luận 7 pho tượng thu giữ của Kitada Takayoshi ngày 3/8/2016 là vàng, hàm lượng vàng 99,99%, tổng khối lượng 6794gr có trị giá hơn 6,7 tỷ đồng.

Quá trình điều tra hành khách này khai rằng do ở Nhật Bản các sản phẩm vàng chế tác được bán với giá rất cao nên đã có tình trạng lợi dụng đi du lịch nước ngoài để buôn lậu vàng chế tác về Nhật Bản. Cụ thể, Kitada Takayoshi vốn là nhân viên của Công ty RG Innovation, có ngành nghề kinh doanh là môi giới lao động Việt Nam sang Nhật Bản. Giám đốc của công ty này, Iwamura Masakazu mỗi khi đi du lịch ở Singapore đều mua vàng về Nhật Bản để chế tác thành trang sức bán lại cho các khách hàng để hưởng lợi.

Trong một số lần Iwamura Masakazu sang Việt Nam để phát triển thị trường kinh doanh của Công ty, qua tìm hiểu thị trường vàng ở Việt Nam, Iwamura Masakazu nhận thấy giá không chênh lệch so với giá vàng thế giới, nhưng chi phí vé máy bay, đi lại, ăn ở, sinh hoạt đều rẻ hơn nhiều so với Singapore.

Iwamura Masakazu đã chuyển hướng, mua các sản phẩm vàng chế tác tại Việt Nam mang về Nhật Bản bán kiếm lời. Đồng thời, bàn bạc với nhân viên của Công ty là Kitada Takayoshi về ý định trên và Kitada Takayoshi đồng ý thực hiện.

Tháng 7, Kitada Takayoshi và Iwamura Masakazu nhập cảnh vào Việt Nam để tìm mối mua các sản phẩm vàng chế tác. Cả hai đã nhờ người quen ở Việt Nam đưa đến Công ty TNHH Vàng bạc đá quý Sinh Diễn (Hiệu vàng Sinh Diễn) để xem mẫu và tham khảo giá vàng. Iwamura Masakazu đã yêu cầu đúc 7 pho tượng vàng, cụ thể là 4 pho tượng Phật Di Lặc và 3 pho tượng Tam Đa, sau đó, Iwamura Masakazu làm thủ tục xuất cảnh về Nhật Bản. Đến tháng 8/2016, Kitada Takayoshi mang tiền sang Việt Nam để nhận 7 pho tượng vàng. Nếu mang về Nhật Bản thành công, Kitada Takayoshi sẽ được trả công 80.000 Yên Nhật.

Để tránh sự kiểm tra của Hải quan Việt Nam, Iwamura Masakazu bàn bạc và chỉ đạo Kitada Takayoshi khi nhận vàng xong thì mạ bạc vào 7 pho tượng vàng, nếu Hải quan Việt Nam kiểm tra phát hiện thì nói là 7 pho tượng bạc để được cho thông quan. Tuy nhiên, khi làm thủ tục xuất cảnh về Nhật Bản tại Sân bay quốc tế Nội Bài, Chi cục Hải quan cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài kiểm tra và phát hiện trong hành lý xách tay của Kitada Takayoshi có mang theo 7 pho tượng nghi là vàng nên đã tạm giữ để điều tra.

Viện Khoa học hình sự đã tiến hành giám định và kết luận 7 pho tượng này được làm từ vàng 99,99%, nặng gần 7 kg. Hội đồng định giá xác định số vàng này trị giá hơn 6,7 tỷ đồng. 

Có thể đấu giá để thu tiền vào ngân sách

Tại cơ quan điều tra, Iwamura Masakazu khai mua các pho tượng này mang về Nhật Bản để bán cho một doanh nhân khác. Nếu phi vụ trót lọt, sau khi trừ chi phí, Iwamura Masakazu thu được khoản lợi nhuận 280.000 Yên Nhật.

Cơ quan công tố của Việt Nam cáo buộc Iwamura Masakazu và Kitada Takayoshi biết việc mua vàng với số lượng lớn từ Việt Nam mang về Nhật Bản, không làm thủ tục khai báo Hải quan Việt Nam là vi phạm pháp luật Việt Nam. Nhưng vì muốn thu lợi nên hai đối tượng này đã mua 7 pho tượng vàng 99,99% vận chuyển về Nhật Bản để bán. Hành vi này của Iwamura Masakazu và Kitada Takayoshi đã phạm vào tội buôn lậu, khung hình phạt 12 đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Luật sư Vũ Ngọc Chi, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, theo quy định thì 7 pho tượng này là tang vật của vụ án buôn lậu do cơ quan điều tra thu giữ. Đối với tang vật có khả năng hỏng, biến chất khi giữ lâu ngày thì các cơ quan tiến hành tố tụng có thể xác định và xử lý vật chứng. Nhưng với tang vật là 7 pho tượng bằng vàng thì không cần thiết phải xử lý ngay. Việc xử lý sẽ phải chờ bản án có hiệu lực pháp luật. Căn cứ trên bản án thì các cơ quan liên quan sẽ thực thi. Về nguyên tắc, tang vật vụ án buôn lậu sẽ bị tịch thu sung công quỹ và sẽ được giao cho cơ quan tài chính thực hiện việc sung công quỹ.

Luật sư Hà Trọng Đại, Công ty luật The Light, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, cho biết, theo quy định hiện hành có thể đấu giá tang vật 7 pho tượng vàng để thu hồi tiền vào ngân sách.

Chuyên đề