Cổ phiếu Đạm Cà Mau và nỗi lo tỷ giá

BĐT- Với mức giá đóng cửa 13.600 đồng/CP tại ngày chào sàn (31/3/2015), đến ngày 16/12/2015 giá CP DCM giảm còn 12.600 đồng/CP, tương ứng giảm gần 8%.
Kết quả kinh doanh của Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau chưa làm hài lòng các nhà đầu tư. Ảnh: N.Phương
Kết quả kinh doanh của Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau chưa làm hài lòng các nhà đầu tư. Ảnh: N.Phương

Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau - PVCFC (mã DCM, sàn giao dịch của Sở Giao dich chứng khoán TP.HCM - HSX) vừa công bố cán đích sản xuất 782.000 tấn sản phẩm, sớm 20 ngày so với kế hoạch năm 2015. Kết quả kinh doanh này vẫn không làm hài lòng các nhà đầu tư vì suốt gần 1 năm qua kể từ khi lên niêm yết, giá cổ phiếu (CP) DCM chưa một lần đạt được mức giá chào sàn (14.500 đồng/CP) và có xu hướng sụt giảm. Với mức giá đóng cửa 13.600 đồng/CP tại ngày chào sàn (31/3/2015), đến ngày 16/12/2015 giá CP DCM giảm còn 12.600 đồng/CP, tương ứng giảm gần 8%.

Vị thế lớn

Nhà máy Đạm Cà Mau thuộc cụm dự án Khí - Điện - Đạm Cà Mau (tỉnh Cà Mau) là dự án trọng điểm quốc gia về dầu khí được Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư. Năm 2012 là năm đầu tiên Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, đưa sản phẩm Đạm Cà Mau ra thị trường. Ngày 11/12/2014, phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau (mã DCM) diễn ra tại Sở GDCK TP.HCM. Toàn bộ trên 128,951 triệu cổ phần (chiếm tỷ lệ 24,36% vốn điều lệ) mang ra đấu giá đã được bán hết với giá đấu bình quân 12.250 đồng/CP. Trên 75% vốn hiện tại vẫn do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sở hữu.

Sau IPO, PVCFC có vốn điều lệ 5.294 tỷ đồng. Với quy mô công suất Nhà máy Đạm Cà Mau 800.000 tấn/năm, PVCFC chiếm gần 8% thị phần phân bón cả nước và 40% thị phần urê nội địa. Tại thị trường Đồng bằng sông Cửu Long, thị phần của PVCFC đứng số 1 và đang tiếp tục duy trì vị thế này so với đối thủ cạnh tranh. Tại thị trường Đông Nam Bộ, PVCFC có thị phần thứ hai, chỉ sau Đạm Phú Mỹ và tại Campuchia, PVCFC có thị phần lớn nhất trong khi tiềm năng phát triển nông nghiệp của nước này không ngừng gia tăng và nhu cầu tiêu thụ urê tiếp tục được cải thiện trong thời gian tới với quy mô đạt 400.000 - 500.000 tấn/năm vào năm 2018. Đến thời điểm 31/12/2014, tổng tài sản của PVCFC đạt hơn 15.390 tỷ đồng, là đơn vị có quy mô tài sản hàng đầu trong ngành phân bón cả nước.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam lỡ kế hoạch thoái vốn tại PVCFC. Nhằm tái cơ cấu các khoản đầu tư, ngày 23/6/2015, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thông báo sẽ bán ra 13 triệu CP DCM, giảm tỷ lệ sở hữu tại doanh nghiệp này từ 75,56% xuống còn 73,1%.  Tuy nhiên hết thời gian đăng ký, PVN vẫn chưa bán ra CP DCM nào. Trong khoảng thời gian dự kiến giao dịch, giá CP DCM dao động quanh vùng giá 13.000 đồng và không có nhiều biến động.

Áp lực khoản vay bằng USD

Trong số hơn 7.245 tỷ đồng nợ phải trả của PVCFC (bao gồm nợ ngắn hạn và dài hạn) chiếm giá trị không nhỏ là vay bằng USD. Theo bảng thuyết minh báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm của công ty mẹ, PVCFC phải chịu trách nhiệm các khoản vay từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chuyển sang. Cụ thể: khoản vay của Tập đoàn Dầu khí theo hợp đồng vay vốn tín dụng xuất khẩu (ECA) giữa nhóm cho vay là các Ngân hàng BNP Paribas, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc và Ngân hàng Credit Agricole với bên vay là Tập đoàn Dầu khí, số gốc vay là 220 triệu USD với mục đích thanh toán chi phí đầu tư Dự án Nhà máy Đạm Cà Mau. Thời hạn vay 120 tháng kể từ ngày đầu giải ngân 25/7/2012, lãi vay được điều chỉnh và trả 6 tháng/lần.

Ngoài khoản vay trên, PVCFC còn phải chịu trách nhiệm trả nợ khoản vay trị giá 220 triệu USD với Vietinbank ký tháng 9/2009. Thời hạn khoản vay 120 tháng, thời gian trả nợ gốc 90 tháng, lãi suất trong hạn bằng lãi suất huy động tiết kiệm USD kỳ hạn 6 tháng trả lãi sau cộng 2,5%/năm.

Khoản vay ngoại tệ tiếp theo trị giá trên 48 triệu USD vay Ngân hàng TMCP Đại chúng, thời hạn vay tối đa 38 tháng với mục đích cơ cấu lại khoản vay. Như vậy đến 30/9/2015, PVCFC có ít nhất tổng số nợ vay bằng ngoại tệ gần 500 triệu USD.

PVCFC vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất 9 tháng năm 2015. Cụ thể, tổng doanh thu đạt 3.950 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt trên 460 tỷ đồng, hoàn thành 74% chỉ tiêu kế hoạch năm. Điểm đáng chú ý là khoản lỗ chênh lệch tỷ giá lũy kế vào khoảng 402 tỷ đồng. Việc Công ty chủ yếu vay nợ bằng USD và trong thời gian qua tỷ giá USD/VND tăng mạnh là nguyên nhân của khoản lỗ này. Nếu tính thêm lãi suất, tổng chi phí tài chính (hơn 586 tỷ đồng) của PVCFC lớn hơn so với lợi nhuận làm ra.

Câu chuyện tỷ giá USD/VNĐ vẫn là nỗi lo thường trực đối với nhà đầu tư sở hữu CP DCM khi gần đây trên thị trường OTC giá USD đã tăng sát trần.

Bên cạnh đó, giá dầu liên tục sụt giảm trong năm 2015 đã ảnh hưởng rất lớn đến giá CP thuộc dòng dầu khí. Mặc dù hoạt động trong lĩnh vực khác biệt: sản xuất phân bón và chỉ sử dụng khí làm nguyên liệu đầu vào, việc giá dầu giảm khiến giá khí giảm thậm chí có lợi cho PVCFC, nhưng giá CP DCM vẫn ít nhiều cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực. Giải bài toán thị trường cũng là câu chuyện khiến PVCFC đau đầu khi nguồn cung urê trong nước đang vượt nhu cầu, trong khi Việt Nam phải cạnh tranh với các sản phẩm urê giá rẻ nhập khẩu từ nước ngoài, đặc biệt là urê Trung Quốc.

Theo các nhà phân tích, PVCFC hoạt động trong ngành sản xuất cơ bản và đáp ứng nhu cầu quan trọng trong nước, xuất khẩu. Tuy nhiên, trước mắt công ty này còn đối mặt nhiều khó khăn và CP DCM chỉ phù hợp cho những nhà đầu tư dài hạn.

Chuyên đề