Cổ đông “kiện” doanh nghiệp không công bố thông tin

(BĐT) - Thời gian gần đây, Báo Đấu thầu liên tục nhận được đơn thư phản ánh của các cá nhân là nhà đầu tư tại các doanh nghiệp (DN). Nội dung chủ yếu phản ánh về tình trạng không chịu công bố thông tin theo quy định của các công ty đại chúng mà các cá nhân này nắm giữ cổ phần. 
Cổ đông Công ty CP Phong Phú (Dệt Phong Phú) đã có nhiều kiến nghị về việc chậm niêm yết của công ty này. Ảnh: Nhã Chi
Cổ đông Công ty CP Phong Phú (Dệt Phong Phú) đã có nhiều kiến nghị về việc chậm niêm yết của công ty này. Ảnh: Nhã Chi

Nhiều cổ đông cho rằng, đã đến lúc cần có chế tài mạnh đối với những DN không chấp hành công bố thông tin.

Minh bạch không phải chuyện đùa

Những ngày qua, một trong những thông tin thu hút sự quan tâm của dư luận là việc Sabeco sẽ chính thức lên sàn vào ngày 12/12/2016. Thị trường đã mong chờ sự kiện này quá lâu, khi Sabeco đã cổ phần hóa từ hơn 8 năm trước và Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) gần đây luôn có các văn bản đốc thúc việc này. Trước đó, đồng nghiệp phía Bắc của Sabeco là Habeco cũng đã chính thức đăng ký giao dịch trên sàn UpCOM vào ngày 28/10/2016. Có thể nói, Habeco và Sabeco lên sàn trước sức ép từ nhiều phía, cả từ báo chí lẫn cơ quan chức năng.

Minh bạch thông tin không chỉ thông qua phương án niêm yết. Theo quy định tại Thông tư 155/2015/TT-BTC, các công ty đại chúng đều phải công khai thông tin hoạt động ra công chúng. Quy định này đảm bảo sự công bằng cho các chủ thể kinh tế, khi muốn có thông tin về các DN để quyết định đầu tư hay cho vay.

Trong ngày 15/11/2016, Ủy ban Chứng khoán nhà nước (SSC) vừa ra quyết định xử phạt Công ty CP Quốc tế Sơn Hà 85 triệu đồng khi công ty này “cầm đèn chạy trước ô tô” triển khai dự án trước khi được ĐHĐCĐ chấp thuận. SSC cũng yêu cầu Sơn Hà đăng thông tin cải chính do công bố thông tin không chính xác. 2 lãnh đạo của Sơn Hà là ông Lê Vĩnh Sơn (Chủ tịch HĐQT) và ông Lê Hoàng Hà (Tổng giám đốc) mỗi người bị phạt 60 triệu đồng khi ra quyết định cấp các khoản vay cho các công ty con mà chưa được sự chấp thuận của ĐHĐCĐ.

Đây chỉ là một ví dụ về cái giá phải trả đối với các DN, cá nhân không chấp hành công bố thông tin đúng và đầy đủ. Hậu quả có thể lớn hơn mức phạt hàng chục triệu đồng mà các cơ quan chức năng đưa ra.

Ngại công bố thông tin – chuyện không của riêng ai

Càng ngày sẽ càng có nhiều DN đạt tiêu chuẩn công ty đại chúng. Vì vậy cần có một cơ chế quản lý thực sự triệt để và hiệu quả đối với các DN này, đảm bảo thông tin được công bố minh bạch, đầy đủ.
Không chỉ Sabeco, Habeco ngại lên sàn, hay Sơn Hà công bố thông tin chưa chính xác, hàng loạt công ty đại chúng khác cũng đang bị phàn nàn về việc che giấu thông tin.

Theo phản ánh của một nhà đầu tư sở hữu cổ phần Công ty CP Xi măng Quán Triều, việc công bố thông tin của công ty này là hết sức èo uột, cho dù Công ty đã lên sàn UpCOM từ đầu tháng 11 này với mã chứng khoán CQT. Nhà đầu tư này phản ánh, đến nay Xi măng Quán Triều vẫn chưa công bố thông tin báo cáo tài chính quý III/2016. Ngoài ra, đến tận ngày 20/8/2016, trên website của Công ty mới đăng tải Biên bản và Nghị quyết ĐHĐCĐ đã họp từ tháng 4 năm nay. “Đầu tư vào Công ty đã 10 năm mà chẳng nhận được cổ tức, trong khi thông tin về Công ty hết sức mù mờ” – cổ đông này phàn nàn. Căn cứ bản công bố thông tin trước khi lên sàn UpCOM, năm 2016 và 2017, Xi măng Quán Triều sẽ tiếp tục không chia cổ tức cho cổ đông. Kế hoạch lợi nhuận của Công ty 2 năm này lần lượt là 20 và 30 tỷ đồng.

Cổ đông Công ty CP Phong Phú (Dệt Phong Phú) cũng có những kiến nghị về việc chậm niêm yết của công ty này. Dệt Phong Phú cổ phần hóa từ năm 2009. Là một DN lớn trong ngành dệt may (vốn điều lệ 734 tỷ đồng, doanh thu hàng năm trên 3 nghìn tỷ đồng), việc giao dịch trên thị trường phi tập trung (OTC) rõ ràng khiến thanh khoản cổ phiếu của Công ty bị hạn chế.

Cũng theo phản ánh của một cổ đông, Công ty CP Viễn thông Hà Nội (Hanoi Telecom) mặc dù có quy mô vốn điều lệ tới 1.600 tỷ đồng, nhưng vẫn chưa đăng ký đại chúng và công bố thông tin theo quy định. Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đấu thầu, phần thông tin dành cho cổ đông của Hanoi Telecom trên website của Công ty hiện đang bị lỗi hiển thị (?!).

Càng ngày sẽ càng có nhiều DN đạt tiêu chuẩn công ty đại chúng. Vì vậy cần có một cơ chế quản lý thực sự triệt để và hiệu quả đối với các DN này, đảm bảo thông tin được công bố minh bạch, đầy đủ.

Chuyên đề