Cơ bản đã có đủ vắc xin nhờ gỡ được “tảng băng” trong đấu thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - 6 tháng đầu năm 2024, theo TS. Nguyễn Thị Thanh Hương - Trưởng Văn phòng Chương trình Phòng chống bệnh dại quốc gia - Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thuộc Bộ Y tế, cả nước ghi nhận có 56 ca tử vong do bệnh dại, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2023. Sau một thời gian dài thiếu hụt vắc xin dại do vướng mắc trong đấu thầu, mua sắm, thì hoạt động đấu thầu đã được tổ chức trở lại. Hy vọng, từ nay đến cuối năm sẽ không có ca tử vong nào do không được tiêm phòng vắc xin dại kịp thời.
Cho đến nay, tiêm chủng vắc xin phòng bệnh dại vẫn là biện pháp duy nhất để cứu người, giảm nguy cơ tử vong
Cho đến nay, tiêm chủng vắc xin phòng bệnh dại vẫn là biện pháp duy nhất để cứu người, giảm nguy cơ tử vong

- Bà có thể cho biết tình hình bệnh dại hiện nay diễn biến ra sao?

TS. Nguyễn Thị Thanh Hương: Trong 3 năm trở lại đây, số người bị tai nạn do động vật cắn tại Việt Nam tăng liên tục, tới 30 - 40%. Năm 2023, cả nước có 82 người tử vong vì bệnh dại, gần 700.000 người bị chó, mèo cắn phải tiêm phòng vắc xin và huyết thanh kháng dại sau khi bị chó, mèo cắn. Nguy cơ bệnh dại tại Việt Nam đang hiện hữu và rất cao. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2024, cả nước đã ghi nhận 56 ca tử vong do bệnh dại, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2023, và có gần 400.000 người phải tiêm dự phòng vắc xin và huyết thanh kháng dại sau khi bị chó, mèo cắn.

Bệnh dại là bệnh nguy hiểm, hiện lưu hành trên 150 quốc gia trên thế giới. Ước tính mỗi năm có khoảng hơn 50 ngàn người tử vong, đặc biệt ở các khu vực nghèo và nhóm dân cư yếu thế nhất, trong đó có tới 40% số ca tử vong do dại là trẻ em dưới 15 tuổi ở các nước châu Á và châu Phi.

Cho đến nay, tiêm chủng vắc xin phòng bệnh dại vẫn là biện pháp duy nhất để cứu người, giảm nguy cơ tử vong. Nếu thiếu hụt vắc xin phòng bệnh dại thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến an ninh y tế và an sinh xã hội.

- Khi người bị chó, mèo mắc bệnh dại cắn, biện pháp được cho là duy nhất, hữu hiệu nhất để cứu người khỏi bệnh dại là tiêm phòng vắc xin nhanh nhất có thể. Tuy nhiên, thời gian qua, có nhiều thời điểm bị thiếu hụt vắc xin. Theo bà, nguyên nhân do đâu?

TS. Nguyễn Thị Thanh Hương: Thực tế có nhiều lý do dẫn đến tình trạng thiếu hụt vắc xin phòng bệnh dại trong thời gian qua.

Có thể là do ca bệnh tăng lên, nhận thức của người dân về việc phòng bệnh cũng được nâng cao nên có nhu cầu đi tiêm chủng nhiều hơn.

Mặt khác, từ năm 2007, Việt Nam đã dừng sản xuất nội địa vắc xin phòng bệnh dại. Thời gian qua, các doanh nghiệp trong nước đã vào cuộc để nghiên cứu sản xuất, nhưng cho đến nay vẫn chưa có kết quả. Hiện nay, chúng ta vẫn phải phụ thuộc hoàn toàn vào việc nhập khẩu vắc xin dại từ nước ngoài.

Việc thiếu hụt vắc xin dại còn do ngành y tế nói chung và ngành y tế dự phòng nói riêng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc đấu thầu, mua sắm vắc xin. Trong suốt năm 2023, các cơ sở y tế công lập hầu như bị “đóng băng”, không đấu thầu được để mua sắm vắc xin.

Trong khi đó, muốn nhập khẩu được thì cần phải kế hoạch và một khoảng thời gian nhất định để chuyển vắc xin về Việt Nam, kiểm định… Lượng người bị động vật cắn tăng nhanh chóng, trong khi công ty sản xuất và nhập khẩu vắc xin không cung ứng kịp cũng dẫn tới sự thiếu hụt vắc xin.

Nhưng đến nay, tình trạng trên đã được khắc phục, cơ bản đã có đủ vắc xin đáp ứng nhu cầu phòng dại. Từ đầu năm nay, kể khi Luật Đấu thầu năm 2023 có hiệu lực với nhiều cơ chế mở, các cơ sở y tế công lập đã và đang rốt ráo tổ chức đấu thầu trở lại.

Các điểm tiêm chủng tư nhân thường chỉ có sẵn một số lượng ít vắc xin trong thời gian ngắn, từ đó có thể khiến chúng ta có cảm giác là đang bị thiếu hụt. Nhưng trên thực tế, nếu tính tổng lượng vắc xin so với nhu cầu, thì chúng ta hiện không thiếu. Sau một thời gian dài thiếu thuốc, đến nay, người dân có thể quay trở lại hệ thống tiêm chủng công lập để tiêm vắc xin.

Trong trường hợp đến điểm tiêm chủng công lập mà không có vắc xin, thì có thể sang điểm tiêm chủng tư nhân để tiêm chủng kịp thời, tránh bỏ cuộc giữa chừng, dẫn đến tử vong như một số trường hợp xảy ra cách đây vài năm trước.

Để tăng cường khả năng tiếp cận vắc xin sớm nhất, tiết kiệm nhất cho người dân, Chương trình Phòng chống bệnh dại quốc gia đang thực hiện Dự án xây dựng bản đồ các điểm tiêm vắc xin dại trên cả nước với hơn 2.000 điểm tiêm chủng ở cả khu vực y tế công và tư. Dự kiến, Dự án sẽ hoàn thành vào cuối năm nay hoặc chậm nhất là đầu năm 2025.

- Để đẩy lùi căn bệnh nguy hiểm với nguy cơ tử vong rất cao này trong thời gian tới, bên cạnh nỗ lực đẩy nhanh việc mua sắm, đấu thầu vắc xin dại kịp thời, theo bà, còn cần triển khai đồng bộ giải pháp gì?

TS. Nguyễn Thị Thanh Hương: Vắc xin phòng bệnh dại là vắc xin dịch vụ (do người dân tự chi trả), trong khi chi phí cho mỗi phác đồ điều trị bệnh dại ở mức cao (hiện ở mức 1 triệu đồng cho một phác đồ điều trị) cũng là một trong những rào cản lớn hiện nay của Chương trình. Trong số 56 trường hợp tử vong 6 tháng đầu năm 2024, đa số đều thuộc nhóm đối tượng yếu thế như các hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi…

Để từ đó tạo điều kiện cho bà con được tiêm miễn phí và giảm giá, Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại, giai đoạn 2022 - 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nêu rõ, UBND các tỉnh có thể sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ tiêm vắc xin dại miễn phí hoặc hỗ trợ một phần chi phí sau phơi nhiễm cho những đối tượng người nghèo, dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi, những người tham gia chống dịch trong vùng có nguy cơ cao… Thực tế, đến nay, cả nước đã có 12 tỉnh có chính sách hỗ trợ, đa số là miền núi như Sơn La, Tuyên Quang, Phú Thọ…

Bên cạnh đó, Chương trình Phòng chống bệnh dại quốc gia cũng đang nỗ lực tìm kiếm các nguồn tài trợ để có thể tiêm miễn phí cho đối tượng là các hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi… Chương trình sẽ phân bổ số vắc xin tiếp nhận được trong thời gian qua theo nhu cầu đăng ký của các địa phương, trong đó ưu tiên cho các khu vực miền núi, nơi có nhiều ca bị chó cắn, nhiều ca tử vong… Chương trình cũng ưu tiên phân bổ cho những nơi thiếu vắc xin do đang đợi kết quả đấu thầu, để kịp thời bù vào khoảng trống, tránh nguy cơ tử vong do thiếu vắc xin.

Về lâu dài, để khống chế được bệnh dại ở trên động vật và trên người, cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa ngành y tế và ngành thú y trong việc kiểm soát được bệnh dại trên động vật (chó, mèo), quản lý đàn chó, mèo một cách đầy đủ và nâng cao tỷ lệ tiêm vắc xin phòng dại 30 - 40% hiện nay lên mức 70% trong 3 năm liên tiếp.

Chuyên đề