Dọc đường tác nghiệp của mỗi phóng viên luôn song hành với nhiều câu chuyện thú vị nhưng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro, mạo hiểm. Ảnh: Tiên Giang |
Một lần đếm xe qua trạm BOT
Câu chuyện phí BOT và những nghịch lý, biến dạng tại dự án BOT đang nóng rẫy trên các mặt báo. Đọc thông tin Cienco 1 bị ngăn cản khi tổ chức đếm lưu lượng xe trên đường BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ bằng camera, tôi bất giác thở phào khi nghĩ lại 4 ngày 3 đêm ngồi lề đường quán nước đếm xe qua Trạm thu phí Tào Xuyên hơn 6 năm về trước.
Hồi đó câu chuyện BOT chưa được báo chí mổ xẻ nhiều như những ngày này. Đó cũng là thời gian Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang nghiên cứu, hoàn thiện Quyết định 71/2010/QĐ-TTg quy định quy chế thí điểm về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), tạo ra bước đi mới cho những dự án thu hút đầu tư tư nhân. Qua tìm hiểu, tôi nhận thấy làm BOT khi đó, nhà đầu tư được quá nhiều lợi ích, nhưng chứng minh bằng cách nào? Có người mách tôi Trạm thu phí Tào Xuyên (thuộc địa phận huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) thu phí hoàn vốn cho dự án BOT đường tránh TP. Thanh Hóa, nhưng lại đặt trên Quốc lộ 1A, xe không đi vào đường tránh mà đi vào Thành phố cũng mất phí. Hơn nữa, Trạm lại được thu với mức phí cao gấp đôi mức phí quy định với thời gian hoàn vốn gần 30 năm. Để chứng minh nhà đầu tư quá hời trong dự án này, tôi cần bằng chứng. Và cách làm mà tôi lựa chọn khi ấy cũng là cách mà Cienco 1 đã thực hiện với dự án Pháp Vân - Cầu Giẽ, đó là đếm xe qua Trạm.
Nhưng tôi đã lựa chọn cách làm thủ công, đếm trực tiếp tại thực địa, chứ không phải cách làm hiện đại như của Cienco 1.
Bắt xe khách đến TP. Thanh Hóa đã quá trưa. Quanh Trạm không có nhà nghỉ, chỉ có vài nhà dân mở quán nước sát Trạm. Chọn một hàng quán có vị trí phù hợp, lân la chè nước, biết được cô chú chủ quán ở một mình, các con đi học xa, tôi ngỏ ý xin ở nhờ mấy hôm. Gương mặt có phần trẻ so với tuổi đã giúp tôi vào tròn vai sinh viên giao thông đi thực tập và được cô chú chủ nhà cho ở nhờ, còn cơm nước giúp mỗi bữa.
Có chỗ tác nghiệp, 3 chúng tôi chia nhau ngày 4 ca, mỗi ca 2 người: 1 người làm tròn 6 tiếng, 1 người làm 3 tiếng rồi đi nghỉ, luân phiên nhau để đảm bảo đếm xe 24/24 giờ. Không dùng camera vì sợ lộ, chúng tôi ghi chép ra giấy, phân loại xe theo các ký hiệu tự mặc định với nhau, đại loại xe con 4 chỗ thì hình bông hoa, xe 7 chỗ hình ngôi sao, mỗi loại xe một hình… Rồi tích từng xe đi qua theo bảng phân loại trọng tải đã mã hóa ấy. Lỡ có bị phát hiện, cũng không ai hiểu được chúng tôi đang chơi trò gì!
Ban ngày mọi việc khá thuận lợi. Đêm thì vừa đếm xe chúng tôi vừa bán hàng giúp cô chú chủ nhà. Việc 2 người trẻ nửa đêm nửa hôm ngồi quán nước hì hụi ghi ghi chép chép hình như đã gây chú ý. Đêm đầu tiên “bình an”, đêm thứ hai, đang hì hụi tích xe, hai người đàn ông trung tuổi không biết là dân phòng, hay nhân viên Trạm thu phí vào quán nước như vẻ thám thính, không mua bán gì mà chỉ nhìn ngó rồi hỏi chúng tôi làm gì. Tôi thấy run lắm, nhưng do đã lường trước tình huống bị dò hỏi nên cũng vội trấn tĩnh, bảo: “Cháu ở quê, ra trông hàng hộ cô chú”. Mặc đồ ở nhà, hơi lôi thôi và gương mặt có vẻ hiền lành, nhút nhát, không có vẻ gì là nguy hiểm của tôi có lẽ đã khiến những người đó tin ngay và đêm sau không qua thám thính nữa.
Cứ thế, 4 ngày 3 đêm đếm xe cũng đã trót lọt và con số đúng như dự tính. Nhà đầu tư BOT quá hời. Số liệu của chúng tôi ngoài đăng trên Báo Đấu thầu, bản tin thời sự 19h trên VTV1 cũng sử dụng lại. Sau đó báo chí phản ánh khá nhiều. Trước áp lực dư luận, Trạm thu phí Tào Xuyên đã phải dịch chuyển vị trí khác, ít lợi ích hơn.
Công việc đếm xe không khó, rất thủ công, nhưng để có thể ngồi lề đường quán nước đếm xe trót lọt cả ngày lẫn đêm, với một phóng viên nữ mới vào nghề như tôi khi đó cũng phải vượt qua nhiều áp lực tâm lý và phải có sự ủng hộ của gia đình.
Động lực lớn là những số liệu chúng tôi thu được đã có ích, không chỉ chứng minh nhà đầu tư BOT xây dựng đường tránh TP. Thanh Hóa khi đó quá hời, mà còn trở thành một dẫn chứng cho việc làm BOT theo cách làm cũ không cạnh tranh, minh bạch, sẽ đem đến nhiều hệ lụy.
Lý luận của chủ đầu tư địa phương
Cách đây gần 1 năm, khi đeo đuổi làm rõ phản ánh của nhà thầu tới Báo Đấu thầu về việc một chủ đầu tư địa phương tìm cách lẩn trốn, lảng tránh nhà thầu suốt quá trình phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT) và nộp hồ sơ dự thầu (HSDT), sau rất nhiều truy vấn để xác thực thông tin, tôi đã trực tiếp nghe được câu trả lời hết sức đặc biệt, mà có lẽ chỉ có thể lý giải đó là lý luận kiểu “chủ đầu tư địa phương”.
Sự việc là nhà thầu “tố” một chủ đầu tư địa phương tìm cách gây khó dễ cho nhà thầu từ lúc tiếp cận HSMT đến khi nộp HSDT. Theo phản ánh của nhà thầu, nhà thầu đã phải đi lại nhiều lần mới mua được HSMT. Khi hoàn thành xong HSDT, đến ngày mở thầu, nhà thầu có mặt tại Trụ sở của chủ đầu tư trước 30 phút so với thời điểm đóng thầu để nộp HSDT nhưng không được. Đi hỏi khắp các đơn vị của chủ đầu tư này về địa điểm đóng/mở thầu nhưng không ai biết, gọi điện cho người được giao phụ trách công tác đấu thầu của gói thầu thì người này không nghe máy.
Sau rất nhiều nỗ lực để liên lạc với đại diện chủ đầu tư, tôi đã đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến nội dung phản ánh của nhà thầu như: Tại sao người được giao phụ trách công tác đấu thầu lại cố tình lảng tránh không trả lời điện thoại của nhà thầu muốn mua HSMT trong thời gian hồ sơ được phát hành? Lý do gì mà tại thời điểm đóng/mở thầu, các bộ phận, đại diện các phòng, ban của chủ đầu tư, thậm chí là người đại diện cao nhất của chủ đầu tư lại trả lời nhà thầu rằng “không hề hay biết về việc bán HSMT này”?
Từ những băn khoăn nêu trên, tôi tiếp tục đặt ra nhiều câu hỏi nghi vấn dành cho bên mời thầu: Chủ đầu tư/bên mời thầu trả lời không hề hay biết về việc bán HSMT, vậy gói thầu này có được mở thầu đúng thời điểm như đã đăng thông báo trên Báo Đấu thầu hay không? Nếu có thì địa điểm đóng/mở thầu ở đâu?
Hàng loạt câu hỏi dồn dập của tôi đã khiến cho đại diện chủ đầu tư gần như rơi vào bế tắc và lúng túng. Vị đại diện chủ đầu tư này “trần tình” rằng, nhà thầu trên sau khi mua được HSMT thì không thấy có liên lạc lại với chủ đầu tư. Đáp lại giải thích mang tính chống chế của chủ đầu tư, tôi truy vấn: “Nhà thầu mua được HSMT thì chỉ lo làm HSDT, đến thời điểm đóng thầu mới nộp HSDT. Trường hợp cần làm rõ HSMT thì mới liên hệ với chủ đầu tư, còn không thì không có lý do gì để phải liên lạc lại cả. Việc chủ đầu tư cố tình không hợp tác và tìm cách lảng tránh, lẩn trốn nhà thầu khiến cho nhà thầu không mua được HSMT là việc làm trái với quy định của pháp luật về đấu thầu.
Tuy nhiên, đáp lại lập luận của tôi, đại diện chủ đầu tư địa phương nọ đã trả lời rất “hùng hồn” rằng: “Vì nhận thức hạn chế nên chúng tôi mới làm sai, có làm sai thì chúng tôi mới làm việc ở địa phương, chứ nếu làm đúng hết thì chúng tôi đã làm việc ở Trung ương rồi!”.
Sau “tuyên ngôn để đời” trên, đại diện chủ đầu tư địa phương nọ đã tắt luôn máy điện thoại và từ đó về sau, gần như số máy di động này không còn liên lạc được nữa.
4 lần giáp lá cà mà không bị nhớ mặt
Đó là lần tôi cùng với nhà thầu đóng vai người đi mua hồ sơ mời thầu (HSMT) tại Bình Dương. Đây là khu vực quân đội, cấm quay phim chụp ảnh. Tuy nhiên, tò mò về việc có dấu hiệu chủ đầu tư cho tiến hành xây dựng công trình khi đang mời thầu đã thôi thúc phóng viên tìm mọi cách để tiếp cận được hiện trường.
Từ vai nhà thầu đi mua hồ sơ...
Vào vai nhà thầu đi mua HSMT cần khảo sát thực địa hiện trường thi công, chúng tôi chỉ được vào khu vực… chân tường của công trình, sát mép với hiện trường. Bằng con mắt của dân chuyên đọc bản vẽ, nhà thầu khẳng định chắc chắn với chúng tôi rằng, đội ngũ công nhân, kỹ sư và thiết bị đang rầm rộ thi công phía bên kia bức tường chính là những hạng mục đang được chủ đầu tư mời thầu.
Quan sát hiện trường, tôi nhận thấy, lối vào cổng chính của công trường là cổng chính vào kho cảng, với vọng gác trên cao. Việc đi vào công trường theo lối này để tác nghiệp là bất khả kháng vì ngay lập tức sẽ bị “người” của chủ đầu tư phát hiện. Còn trèo lên trên tường phía trụ sở hiện hữu của chủ đầu tư thì càng lộ liễu, nếu “phơi” máy ảnh giữa trời.
Trong lúc chưa nghĩ được cách tiếp cận gần nhất với hiện trường thì nhà thầu liên tục giục tôi phải lập tức ra về vì chờ lâu sẽ bị phát giác và có thể xảy ra những tình huống nguy hiểm. Kiếm cớ lần nữa, đi loanh quanh một hồi, may mắn tôi thấy nguyên một mảng tường chắn bị thủng. Từ lỗ thủng này, tôi đã nhìn thấy toàn bộ công trường đang thi công với khoảng cách tầm… 50m. Lần đầu tiên trong đời làm phóng viên, tôi phải bấm máy trong trạng thái không được ngắm, chỉnh và phải thật nhanh.
Lúc bức ảnh cuối cùng được chụp, cũng là lúc tiếng của nhân viên giữ xe sát bên tai: “Chị làm gì thế?”. Chiếc máy ảnh chưa về chế độ off đã bị nhét vội vào túi áo. Tôi giả vờ: “Em đang tìm xe!”. Nhà thầu sau khi biết chuyện toát mồ hôi bảo tôi: “Cô liều thế, nếu bị “tóm” thì làm ăn sao?”. Không quan tâm lắm đến phản ứng của nhà thầu, lúc này tôi chỉ có một nỗi lo, với những bức ảnh chụp trộm này, chủ đầu tư có thể nói đó là bất kỳ một công trình nào. Tôi quyết tiếp cận hiện trường lần nữa với mục đích hỏi chuyện những người đang thi công tại công trường.
… đến nhân viên tiếp thị vật liệu xây dựng
Lần thứ hai, trên đường đến, tôi và nhà thầu đã bàn với nhau rất nhiều về các phương án dự phòng nếu bị phát hiện. Trong vai người tiếp thị vật liệu xây dựng, tôi được đến gần hạng mục móng của công trình giữa ngổn ngang xi măng, sắt, thép. Chỉ huy trưởng công trường thấy chúng tôi đến lập tức có mặt và cho biết: “Chúng tôi làm thuê, không được quyết gì đâu mà mua vật liệu”.
Tự thấy nếu chỉ dựa vào thông tin từ chỉ huy trưởng công trình sẽ rất khó, tôi lách mình qua đống xi măng, tìm điểm tiếp cận khác. Gần như phải rất kiềm chế, tôi mới không ồ lên sung sướng khi phát hiện một bảng thông tin nội quy công trình nằm im lìm ở góc chéo công trường. Đọc sơ qua, tôi đã biết đây chính là thông tin giá trị và xác thực nhất khẳng định chủ đầu tư đã cho phép thi công công trình dù đang mời thầu. Lại chiêu cũ, tôi lôi vội máy ảnh trong áo khoác, chỉ chìa ống kính ra, bấm lia lịa và vờ như đang đọc bảng nội quy.
Đối chiếu với mọi thông tin đã có: bản vẽ, thông tin kỹ thuật trong HSMT, nội quy công trình, ảnh hiện trường… về cơ bản, việc cho thi công trước khi đấu thầu của chủ đầu tư đã rõ ràng.
Và là nhà thầu tham dự thầu
Lần thứ ba, là trong buổi mở thầu tại trụ sở của chủ đầu tư. Đây là lần giáp lá cà giữa chủ đầu tư và đông đảo nhà thầu. Tôi với tư cách là một nhà thầu, ngồi đối diện với đại diện cao nhất của chủ đầu tư, nghe vị này nói như đinh đóng cột: “Chúng tôi sẽ đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT) một cách công tâm, minh bạch và đúng luật”. Lần này, tôi nghĩ mình đã bị lộ và xác định tinh thần có thể sẽ bị gây cản trở vì chỉ có 3 nhà thầu nộp HSDT và chỉ có mình tôi là nữ.
Kết thúc buổi mở thầu, để có thêm thông tin ngoài biên bản mở thầu, biết một nhà thầu xây dựng khá tên tuổi cũng dự thầu, đang vội vã lên xe ra về, tôi lao theo hỏi: “Anh biết chuyện chủ đầu tư đã cho thi công công trình này không?”. Nhà thầu trố mắt: “Em là ai?”. Sau khi biết tôi là phóng viên Báo Đấu thầu, nhà thầu này chép miệng: “Vậy ra là chủ đầu tư đóng kịch rồi”. Rốt cuộc, chỉ có một nhà thầu đeo đuổi vụ việc.
Khi chúng tôi phản ánh sự việc thi công trước, đấu thầu sau của chủ đầu tư này trên Báo Đấu thầu, chủ đầu tư lập tức đã có phản hồi và cử đoàn công tác cung cấp thông tin cho Báo. Đây là lần gặp thứ tư, lần cuối cùng phóng viên giáp mặt với chủ đầu tư. Điều khiến tôi ngạc nhiên nhất, chính là đến tận lần cuối cùng, khi chủ đầu tư đích thân đến tận trụ sở làm việc của Báo Đấu thầu, ngồi đối diện để giải trình hơn 2 tiếng đồng hồ nhưng họ vẫn không nhận ra tôi - người đi mua HSMT, đi khảo sát hiện trường và dự lễ mở thầu của họ. Có lẽ, sự nhập vai trong mọi hoàn cảnh của sự việc này đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, không sơ sẩy. Chỉ có nhập vai vào thực tế mới giúp nhà báo đi đến tận cùng của sự thật.