Chuyên nghiệp, chuyên môn hóa đội ngũ “cầm cân, nảy mực”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Điều kiện về năng lực chuyên môn thực hiện công tác đấu thầu của tổ chuyên gia, tổ thẩm định là một trong những điểm mới tại Luật Đấu thầu 2023. Với khung pháp lý hoàn thiện, đồng bộ, và luật hóa thêm tiêu chuẩn của đội ngũ “cầm cân, nảy mực”, hiệu quả thực thi pháp luật về đấu thầu kỳ vọng sẽ được nâng cao hơn nữa trong thời gian tới.
Các cá nhân tham gia tổ chuyên gia, tổ thẩm định phải có tối thiểu 3 năm công tác trong lĩnh vực liên quan đến nội dung pháp lý, kỹ thuật, tài chính của gói thầu, dự án. Ảnh: Nhã Chi
Các cá nhân tham gia tổ chuyên gia, tổ thẩm định phải có tối thiểu 3 năm công tác trong lĩnh vực liên quan đến nội dung pháp lý, kỹ thuật, tài chính của gói thầu, dự án. Ảnh: Nhã Chi

Năng lực yếu kém gây nhiều hệ lụy

Thời gian qua, trên phạm vi cả nước ghi nhận hàng loạt trường hợp hồ sơ mời thầu (HSMT) vi phạm các quy định về cạnh tranh trong đấu thầu; tại một số gói thầu, nhà thầu được lựa chọn trúng thầu trên thực tế không bảo đảm năng lực thực hiện hợp đồng; nhiều gói thầu phải hủy vì không tuân thủ quy định... Có nhiều nguyên nhân gây ra những hệ lụy này, trong đó phải kể đến vấn đề năng lực của tổ chuyên gia, tổ thẩm định tại mỗi cuộc thầu.

Tháng 2/2023, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Hà Nam ra quyết định hủy thầu Gói thầu số 7 Tư vấn giám sát thuộc Dự án Nâng cấp Bệnh viện Y học cổ truyền Tỉnh, đồng thời kiểm điểm trách nhiệm tư vấn đấu thầu (Công ty TNHH An Việt Bách). Theo đó, nguyên nhân hủy thầu là do sự bất cập trong khâu đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT), dẫn đến loại oan nhà thầu.

Tháng 6/2023, UBND tỉnh Thanh Hóa ra quyết định hủy thầu Gói thầu số 6 Thi công xây dựng công trình thuộc Dự án Đường giao thông từ xã Thành Sơn, huyện Quan Hóa đi huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình dù đã lựa chọn được nhà thầu 2 tháng trước đó. Đồng thời, yêu cầu làm rõ, kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan trong việc lập, thẩm định, phê duyệt HSMT; bồi thường thiệt hại cho các nhà thầu tham dự do để xảy ra vi phạm về cạnh tranh trong đấu thầu. Như vậy, sau hơn 6 tháng tổ chức lựa chọn nhà thầu, Gói thầu quay về “vạch xuất phát” và phải đấu thầu lại trong tháng 7/2023.

Trên đây chỉ là 2 trong số rất nhiều trường hợp phải hủy thầu do sự bất cẩn, non kém của tổ chuyên gia, tổ thẩm định.

Năm 2022, một trong những tồn tại, hạn chế mà báo cáo công tác đấu thầu của nhiều địa phương đề cập chính là chất lượng của đội ngũ tư vấn đấu thầu. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Bạc Liêu, việc lập HSMT của các đơn vị tư vấn đấu thầu chuyên nghiệp còn một số nội dung chưa chặt chẽ, chưa sát với thực tế và quy định hiện hành về đấu thầu. Đồng thời, việc đánh giá của tổ chuyên gia còn mang tính chủ quan. Trong khi đó, Sở KH&ĐT Bến Tre chỉ ra, nhân sự làm công tác đấu thầu thiếu kinh nghiệm, nhất là trong việc lập HSMT/hồ sơ yêu cầu (HSYC); công tác thẩm định chưa được quan tâm đúng mức, chất lượng thẩm định chưa cao.

Tăng tính chủ động, chuyên nghiệp

Nhìn từ thực tế, trong tổ chức thực hiện, một số tổ chức, cá nhân đã có hành vi cố ý vi phạm điều cấm của Luật Đấu thầu 2013 để trục lợi. Do vậy, trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã nỗ lực rà soát kỹ lưỡng, thận trọng để đưa ra quy định rõ ràng hơn nhằm tăng cường quản lý, bảo đảm tính đồng bộ, chặt chẽ trong các quy định của Luật.

Từ kinh nghiệm thực tế, một số đơn vị tư vấn đấu thầu chuyên nghiệp cho rằng, với quy định mới, chủ đầu tư, bên mời thầu sẽ dễ dàng, thuận lợi hơn trong việc tham chiếu quy định, lựa chọn được các thành viên tổ chuyên gia, tổ thẩm định bảo đảm năng lực, kinh nghiệm.

Theo đó, Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã bãi bỏ quy định tại Điều 16 Luật Đấu thầu 2013 về điều kiện đối với cá nhân tham gia hoạt động đấu thầu; bổ sung một điều mới quy định cụ thể đồng bộ hơn về phạm vi công việc, yêu cầu đối với thành viên tổ chuyên gia, tổ thẩm định (Điều 19). Theo quy định mới, thành viên tổ chuyên gia được định nghĩa bao gồm các cá nhân có năng lực, kinh nghiệm được chủ đầu tư hoặc đơn vị tư vấn đấu thầu thành lập hoặc giao nhiệm vụ để thực hiện một hoặc các công việc: lập HSMT, HSYC; đánh giá HSDT; thực hiện các nhiệm vụ khác trong quá trình lựa chọn nhà thầu. Tổ thẩm định gồm các cá nhân có năng lực, kinh nghiệm được người có thẩm quyền, chủ đầu tư hoặc đơn vị tư vấn đấu thầu thành lập hoặc giao nhiệm vụ để kiểm tra, xem xét sự phù hợp với quy định của pháp luật đối với một hoặc các nội dung: kế hoạch lựa chọn nhà thầu; HSMT, HSYC và kết quả lựa chọn nhà thầu.

Liên quan đến vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, Luật Đấu thầu (sửa đổi) không quy định về chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu để phù hợp với Luật Đầu tư. Tuy nhiên, các cá nhân tham gia tổ chuyên gia, tổ thẩm định phải đáp ứng điều kiện có tối thiểu 3 năm công tác trong lĩnh vực liên quan đến nội dung pháp lý, kỹ thuật, tài chính của gói thầu, dự án theo quy định tại Khoản 3 Điều 19, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, tính chuyên nghiệp của cá nhân trực tiếp tham gia lập HSMT, đánh giá HSDT, thẩm định trong đấu thầu.

Bên cạnh đó, để tăng tính chủ động cho tổ chuyên gia, Luật Đấu thầu (sửa đổi) mở rộng phạm vi trách nhiệm của tổ chuyên gia bằng việc bổ sung quy định khoản 2 Điều 80: “có thể đề xuất với bên mời thầu phương án xử lý tình huống trong trường hợp phát sinh tình huống trong đấu thầu”.

Bình luận về tính mới của Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật sư Nguyễn Hồng Chung, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư DVL Venture cho biết, trước đây, Luật Đấu thầu 2013 chỉ quy định tiêu chuẩn, trách nhiệm của tổ chuyên gia trong việc đánh giá HSDT, mà không quy định phạm vi, tiêu chuẩn của tổ này trong việc lập HSMT, HSYC, bởi quan điểm trách nhiệm “ra đề bài” thuộc về bên mời thầu, dựa trên hồ sơ tài chính, kỹ thuật liên quan của dự án. Chính vì coi nhẹ khâu “ra đề”, rất nhiều cuộc thầu thiếu minh bạch, cạnh tranh đã diễn ra. “Việc chính thức luật hóa thêm tiêu chuẩn của tổ chuyên gia sẽ góp phần gia tăng sự đồng bộ pháp luật, chuyên nghiệp hóa hoạt động đấu thầu”, ông Chung đánh giá và khẳng định, Luật Đấu thầu (sửa đổi) ghi nhận bước tiến lớn trong yêu cầu về tổ chuyên gia, tổ thẩm định, khi lượng hóa được năng lực, kinh nghiệm của đội ngũ này thay vì chỉ đưa ra yêu cầu chung chung như trước đây.

Từ kinh nghiệm thực tế, một số đơn vị tư vấn đấu thầu chuyên nghiệp cho rằng, với quy định mới, chủ đầu tư, bên mời thầu sẽ dễ dàng, thuận lợi hơn trong việc tham chiếu quy định, lựa chọn được các thành viên tổ chuyên gia, tổ thẩm định bảo đảm năng lực, kinh nghiệm.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, nhiều chủ đầu tư, bên mời thầu, đơn vị tư vấn đấu thầu chuyên nghiệp kỳ vọng, trên cơ sở Điều 19 Luật Đấu thầu (sửa đổi), Chính phủ quy định chi tiết về năng lực, kinh nghiệm của thành viên tổ chuyên gia, tổ thẩm định theo hướng tăng cường tính chủ động, chuyên môn, chuyên nghiệp, nhằm gia tăng hiệu lực thực thi quy định mới.

Trong khi đó, một chuyên gia đấu thầu nhìn nhận, chuyên nghiệp và chuyên môn là hai trụ cột quan trọng, nếu vận hành đồng bộ, liên kết chặt chẽ với nhau sẽ mang lại hiệu quả cao trong đấu thầu. Để làm được điều này, tổ chuyên gia, tổ thẩm định phải tuân thủ tuyệt đối trách nhiệm, nghĩa vụ luật định; liên tục cập nhật, nâng cao kiến thức về đấu thầu. Riêng tổ thẩm định phải thực sự độc lập, khách quan thì mới giúp loại bỏ khỏi HSMT những yếu tố làm triệt tiêu tính cạnh tranh, lựa chọn được những đơn vị thực sự có năng lực, đáp ứng mục tiêu đầu tư.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư