Chuẩn bị xử phúc thẩm vụ án tại Agribank

(BĐT) - Tòa án cấp cao tại Hà Nội vừa triệu tập các bị cáo và những người liên quan để chuẩn bị cho phiên tòa xét xử vụ án gây thiệt hại hơn 2.000 tỷ đồng tại Ngân hàng Agribank. Đây là vụ án mà 1 năm trước, vào tháng 12/2015, nguyên Tổng giám đốc Agribank, ông Phạm Thanh Tân cùng nhiều lãnh đạo khác của Ngân hàng đã phải hầu tòa.
Một nhóm bị cáo là cán bộ Ngân hàng Agribank đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, dẫn đến hậu quả là Ngân hàng bị lừa đảo hơn 2.000 tỷ đồng. Ảnh: Đăng Khôi
Một nhóm bị cáo là cán bộ Ngân hàng Agribank đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, dẫn đến hậu quả là Ngân hàng bị lừa đảo hơn 2.000 tỷ đồng. Ảnh: Đăng Khôi

Lập hồ sơ vay vốn khống

Phiên tòa dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 16/12 tại trụ sở Tòa án nhân dân (TAND) cấp cao tại Hà Nội ở số 1 Phạm Văn Bạch (phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội). Trước đó, theo cáo buộc của cơ quan công tố, một nhóm cá nhân là các chủ doanh nghiệp đã có hành vi lừa đảo, tạo lập hồ sơ vay vốn khống mua máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu và chuyển nhượng thương hiệu để vay vốn Agribank. Một nhóm các bị cáo là cán bộ ngân hàng đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, dẫn đến hậu quả là Ngân hàng bị lừa đảo hơn 2.000 tỷ đồng.

Cụ thể, với hành vi lừa đảo, nhân tố chính là Công ty CP Enzo Việt. Công ty này thành lập tháng 7/2007, đăng ký đầu tư xây dựng Dự án Nhà máy Dệt - Nhuộm - May công nghiệp tại tỉnh Ninh Bình với số vốn gần 530 tỷ đồng. Qua 4 lần thay đổi Giấy chứng nhận đầu tư và cổ đông góp vốn, đầu năm 2011, Enzo Việt đổi tên thành Công ty Liên doanh Lifepro Việt Nam, còn Dự án đổi tên thành Luxfashion.

Liên doanh này có 5 cá nhân người nước ngoài, do Ahmed El Fehdi (quốc tịch Canada) cầm đầu cùng với 4 người khác. Nhóm đối tượng này đã có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của Ngân hàng Agribank – Chi nhánh Nam Hà Nội thông qua việc lừa ngân hàng để vay tiền rồi chuyển ra nước ngoài mua nguyên liệu.

Thông qua hai công ty ký hợp đồng liên kết nhập khẩu phụ liệu may mặc cho Dự án là Công ty CP Lifepro Việt Nam và Công ty CP Vietmade, các đối tượng đã lập hồ sơ khống vay vốn mua máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu và chuyển nhượng 6 thương hiệu để vay vốn ngân hàng. Thực tế, 6 thương hiệu không có thật, số lượng vải, hóa chất, máy móc thiết bị nhập khẩu bị kê khai khống. Số tiền thất thoát lên tới hơn 2.000 tỷ đồng. Các đối tượng nước ngoài đã bỏ trốn trước khi vụ án bị phát hiện. Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Lệnh truy nã nhưng đến nay chưa có kết quả. 

Cán bộ ngân hàng bỏ qua các điều kiện cho vay

Liên quan đến hành vi lừa đảo này, một nhóm cán bộ ngân hàng đã bị truy tố tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Nhóm cán bộ này bị quy kết đã lập hồ sơ đề nghị nâng quyền phán quyết cho vay không có căn cứ, bỏ qua các điều kiện giải ngân, cho vay..., từ đó dẫn đến việc chiếm đoạt.

Cụ thể, Agribank đã cho Liên doanh Lifepro vay hơn 100 triệu USD để mua thương hiệu, máy móc, thiết bị và nguyên liệu. Nhưng khi thẩm định phương án kinh doanh của doanh nghiệp, cán bộ ngân hàng này khai không thẩm định thực tế, chỉ làm để hợp thức hóa hồ sơ. Tài sản bảo đảm là tài sản hình thành từ vốn vay, nhưng thực tế, 6 thương hiệu mà Agribank tài trợ 50 triệu USD cho Lifepro mua là những thương hiệu không có thật hoặc không thuộc về chủ sở hữu; máy móc thiết bị, nguyên liệu đều không có trong Nhà máy.

Công ty CP Vietmade và Công ty CP Lifepro đã ký hợp đồng với Liên doanh Lifepro để nhập khẩu nguyên phụ liệu may mặc. Dựa trên hợp đồng này, Agribank đã cho vay 470 tỷ đồng, trong khi thực chất các công ty này chỉ ký hợp đồng để hưởng hoa hồng (19,5 tỷ đồng) mà không nhập hàng hóa. Một nhóm cán bộ hải quan cũng bị cáo buộc có hành vi thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, thông quan hàng hoá nhập khẩu của các đối tượng này.

Tại phiên tòa sơ thẩm, Hội đồng xét xử (HĐXX) nhận xét, hành vi của các bị cáo ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, Nhà nước, gây thiệt hại cho Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng. HĐXX khẳng định, hành vi của các bị cáo cần phải có hình phạt nghiêm khắc mới đủ sức răn đe, nhưng đồng thời cũng cân nhắc các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ đối với các bị cáo trong vụ án này. Các bị cáo bị tuyên phạt mức án từ 30 tháng cho đến 30 năm tù giam. 

Trưởng phòng tín dụng kháng cáo kêu oan

Đáng chú ý, bị cáo Hoàng Thị Thu Hiền, nguyên Trưởng phòng Phòng Tín dụng Agribank – Chi nhánh Nam Hà Nội, bị tuyên án 2 năm tù giam về tội thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng đã kháng cáo kêu oan cho rằng bản án kết tội bị cáo là không có căn cứ, oan sai.

Bị cáo Hiền cho rằng, bị cáo chỉ tham gia giai đoạn Công ty CP Enzo Viet vay vốn tại Agribank và ở giai đoạn này không có hậu quả xảy ra. Trong Đơn kháng cáo, bị cáo Hiền nêu bản thân đã làm đúng chức trách, nhiệm vụ được phân giao theo quy định. Bị cáo này cũng khẳng định, khi phát hiện việc làm chưa đúng của cấp trên, đã báo cáo với cấp trên về việc cho vay sai quy định, nhưng sau đó bị cáo đã bị trù dập, cách chức Trưởng phòng.

Theo bị cáo, quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã bỏ sót một số tài sản bảo đảm, không định giá, tính sai khấu hao tài sản cố định, tính sai đơn giá phần tài sản là máy móc thiết bị. Từ đó, dẫn đến việc xác định giai đoạn cho vay đối với Công ty CP Enzo Việt có thiệt hại. Trên thực tế, giai đoạn cho vay đối với công ty này không có thiệt hại.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư