Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Hội nghị. |
Song song với đề xuất này, ông Lộc cũng đề nghị các địa phương lập ngay Ban chỉ đạo do Chủ tịch UBND đứng đầu, để nối dài cánh tay giải quyết khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, tái khởi động và phục hồi kinh tế thành công.
Theo Chủ tịch VCCI, từ đầu đại dịch tới nay, VCCI đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và gửi các bộ, ngành trên 150 sáng kiến và kiến nghị cụ thể của cộng đồng doanh nghiệp. Rất nhiều ý kiến, kiến nghị đã được các bộ, ban, ngành quan tâm, giải quyết. “Tình hình các doanh nghiệp và nền kinh tế đang chuyển biến rất nhanh theo chiều hướng tích cực”, ông Lộc thông tin và minh chứng khi mới đây, VCCI tiến hành một cuộc khảo sát về thực trạng của cộng đồng doanh nghiệp, thì có tới 55% doanh nghiệp cho biết sẽ tiếp tục duy trì quy mô sản xuất hiện tại trong quý III, 22% có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh, chỉ 21% sẽ thu hẹp quy mô, tạm dừng hoạt động. Xu hướng này tốt hơn rất nhiều so với thực trạng doanh nghiệp mà VCCI công bố vào tháng trước.
Tuy vậy, ông Lộc cũng đánh giá, hiện doanh nghiệp vẫn còn rất khó khăn và những biện pháp trợ giúp kịp thời từ Chính phủ là vô cùng quan trọng. Theo đó, đại diện VCCI kiến nghị 2 vấn đề trong ngắn hạn để hỗ trợ doanh nghiệp. Một là, đề nghị Chính phủ và Quốc hội xem xét bổ sung giải pháp miễn giảm một số sắc thuế, kéo dài thời hạn giãn, hoãn các khoản phải trả, phải nộp của doanh nghiệp trong thời gian 6 - 12 tháng tới. Nới room, nâng trần tăng trưởng tín dụng để tiếp sức cho doanh nghiệp. Hai là, điều quan trọng nhất lúc này là thúc đẩy thực thi thật nhanh, hiệu quả, minh bạch và công tâm các gói hỗ trợ đã được ban hành. “Nhanh một ngày thì doanh nghiệp sống, chậm một ngày doanh nghiệp có thể sẽ không còn, lúc đó các biện pháp hà hơi, tiếp sức sẽ chẳng có ích gì”, ông Lộc nhấn mạnh.
Về các giải pháp căn cơ và dài hạn, Lãnh đạo VCCI nhận định, chưa bao giờ đất nước có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) vừa được VCCI công bố ghi nhận sự hài lòng của cộng đồng doanh nghiệp với các cấp bộ Đảng, chính quyền đạt mức cao nhất trong vòng một thập kỷ rưỡi vừa qua. Ở trong nước, niềm tin của người dân và doanh nghiệp đang tiếp tục được khơi dậy. Trên phạm vi quốc tế, làn sóng dịch chuyển các chuỗi cung ứng toàn cầu lớn nhất trong lịch sử nhân loại, kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ 2, đang nhắm chọn Việt Nam là điểm đến an toàn. Việt Nam một lần nữa lại đứng trước cơ hội “hoá Rồng”,“hoá Hổ”.
Để đón nhận cơ hội này, đẩy mạnh cải cách thể chế là nền tảng quan trọng nhất, VCCI đề nghị Chính phủ kiên định thực hiện mục tiêu này và coi đó là thước đo đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ chính trị của người đứng đầu ở tất cả các cấp, các ngành và các địa phương...
“Chúng tôi hoan nghênh Chính phủ đã thành lập tổ công tác rà xét pháp luật, để xây dựng các phương án trình Quốc hội và Chính phủ xoá bỏ những chồng chéo, bất hợp lý, bảo đảm sự minh bạch, nhất quán trong hệ thống pháp luật hiện hành, nhất là các quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng… để tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai nhanh các dự án sản xuất kinh doanh và phát triển cơ sở hạ tầng”, ông Lộc đề xuất.
Ông Lộc chia sẻ: ‘”Khi tôi hỏi lãnh đạo nhiều doanh nghiệp lớn, ngay cả trong lúc đang khó khăn nhất của đại dịch, xem họ cần gì, họ đã thẳng thắn và chân tình cho biết, biết Nhà nước khó khăn, doanh nghiệp không xin tiền, chỉ xin cơ chế. Tâm thế đó của doanh nghiệp là tâm thế của người chiến thắng”. Vì thế, sự minh bạch hóa, đơn giản hóa để rút ngắn tối đa thời gian và chi phí thực hiện các thủ tục hành chính mới là giải pháp cứu cánh bền vững cho doanh nghiệp.
Theo Chủ tịch VCCI, chỉ riêng khoản đầu tư công cho các dự án cơ sở hạ tầng đã có trong kế hoạch với số “tiền tươi, thóc thật” đang nằm ở “trong túi” của các bộ, ngành và địa phương đã trên 30 tỷ USD. Vì vậy, cần tập trung tháo gỡ ngay các thủ tục phiền hà đang cản trở đầu tư công để có thể giải ngân sớm nguồn vốn này để tạo thị trường, tạo việc làm, tạo nền tảng và điểm kích hoạt cộng hưởng với đầu tư tư nhân, FDI, đối tác công tư. Nếu tháo gỡ được thủ tục, giải ngân nhanh được trong năm nay, chúng ta có thể tạo ra một cú hích quan trọng cho nền kinh tế.
Để chủ động đón nhận dòng vốn đầu tư FDI mới, VCCI đề nghị Chính phủ giao các bộ, ngành phối hợp với VCCI, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp triển khai sớm một chiến dịch vận động xúc tiến đầu tư chiến lược ở tầm quốc gia để tiếp cận trực tiếp với đại bản doanh của các chuỗi cung ứng toàn cầu, chủ động tham gia kiến tạo và vận động đưa các công đoạn sản xuất, kinh doanh phù hợp, có giá trị gia tăng cao hơn vào Việt Nam mà không thụ động chờ họ tìm đến với mình.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, có đủ sức trở thành đối tác có tiềm năng của các tập đoàn xuyên quốc gia, ông Lộc đề nghị xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ và chương trình quốc gia nâng cao năng lực quản trị của cộng đồng doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giúp triển khai thực hiện các yêu cầu quốc tế hoá và số hoá, thực hiện các mô hình kinh doanh bền vững, sáng tạo và có trách nhiệm…