Chủ tịch VCCI và doanh nhân… Mai An Tiêm

Mặt trong tấm thiệp chúc mừng năm mới của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Xuân Bính Thân là câu chuyện về quả dưa hấu của Mai An Tiêm. Người đưa ra ý tưởng này chính là Chủ tịch Vũ Tiến Lộc. Ông cắt nghĩa, Mai An Tiêm chính là... doanh nhân Việt đầu tiên.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc

“Hãy là Mai An Tiêm!”

Trong ý tưởng của Chủ tịch VCCI, Mai An Tiêm là doanh nhân Việt đầu tiên trong lĩnh vực nông nghiệp mà chúng ta đang cổ vũ trong nền kinh tế hiện đại. Thậm chí, với ý tưởng thả dưa để tiếp thị với thế giới bên ngoài, ông Lộc còn gọi Mai An Tiêm là ông tổ của ngành marketing Việt Nam, cũng là đại diện cho tinh thần Việt Nam hội nhập với thế giới, tinh thần vượt khó và sự sáng tạo của doanh nhân Việt… 

VCCI muốn gửi gắm điều gì từ thông điệp của tấm thiệp chúc mừng năm mới rất đặc biệt của năm nay?

Trên tấm thiệp, chúng tôi đã viết “Hãy là Mai An Tiêm!”. Đó là niềm tin, lời nhắn gửi của VCCI tới cộng đồng doanh nhân Việt Nam và những người muốn bước chân vào kinh doanh.

Chúng tôi muốn có nhiều hơn Mai An Tiêm với sức sáng tạo không giới hạn và tinh thần, ý chí vượt khó. Đây là những yếu tố không thể thiếu vào thời điểm mà chúng ta đang muốn nói và làm nhiều việc để Việt Nam trở thành đất nước của khởi nghiệp, của start-up.

Vốn là người bền bỉ cố xúy cho tinh thần kinh doanh, ông Vũ Tiến Lộc luôn cố tìm kiếm sự kết nối giữa lịch sử và hiện tại, giữa truyền thuyết và thực tế. Cũng có ý kiến cho đó là khiên cưỡng, nhưng ông vẫn làm vì tin rằng, trong mỗi người dân Việt Nam, khát vọng vượt khó luôn chảy theo dòng lịch sử.

Hơn 10 năm trước, khi bắt đầu tìm kiếm sử liệu cho đề xuất Ngày Doanh nhân Việt Nam, ông từng nói rằng, cứ mỗi lần cái khó tưởng như đến chân tường, thì người Việt luôn có cách bật lên, hóa giải, nhiều khi là thay đổi vận mệnh của mình. Cộng đồng doanh nhân Việt Nam cũng vậy. Ông nhìn thấy trong đó sức vươn của Thánh Gióng - âm thầm nhưng mạnh mẽ và trỗi dậy đúng thời điểm. 

Năm 2004, trong Ngày Doanh nhân Việt Nam đầu tiên, Cúp Thánh Gióng dành cho doanh nhân tiêu biểu đã được VCCI công bố. Hồi đó, ông cũng đã gửi đi thông điệp về sức vươn của doanh nhân Việt?

Khi đó, có ai nghĩ rằng, sau Luật Doanh nghiệp (DN) 1999, từ một khái niệm bị đặt ra ngoài đời sống xã hội, thậm chí ngoài quy luật phát triển, cộng đồng DN tư nhân lại trỗi dậy mạnh mẽ và đông đảo đến vậy. 2 năm đầu thực thi Luật DN, số DN đã vượt cả 10 năm trước đó.

Rồi ngày đó, chúng ta nhìn thấy sức bật lớn của DN, doanh nhân Việt Nam sau mỗi dấu mốc hội nhập của nền kinh tế Việt Nam. Tôi vẫn nhớ những lo ngại về việc doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị đè bẹp khi Việt Nam ký BTA, rồi WTO, rằng một cộng đồng mới hình thành vài năm làm sao có thể trụ vững trước cơn sóng ào đến từ những tập đoàn đa quốc gia...

Nhưng cộng đồng DN Việt Nam vẫn tồn tại, đưa cá ba sa, tôm, đồ gỗ, da giày, dệt may, túi xách… khuấy đảo thị trường thế giới, khiến nhiều đối thủ cạnh tranh giật mình. Có ai nghĩ rằng, đến năm nay, Việt Nam đứng đầu ASEAN xuất khẩu vào thị trường Mỹ…

Rõ ràng, phải có nguồn mạch ngầm mạnh mẽ, được nuôi dưỡng qua các thế hệ thì sức vươn mới lớn đến thế. Đây là lý do chúng tôi chọn biểu tượng Thánh Gióng để làm Cúp Doanh nhân tiêu biểu do VCCI bình chọn. 

Cách đây đúng 15 năm, cũng trong dịp trao đổi đầu xuân 2006 về DN Việt Nam trước thời điểm hội nhập lớn nhất - gia nhập WTO với ông Vũ Tiến Lộc, câu hỏi về tinh thần kinh doanh của người Việt Nam được đặt ra với những băn khoăn rất lớn.

Thời điểm đó, báo chí cũng đưa các thông tin không khác mấy bây giờ về sự sẵn sàng của DN trước hội nhập. Nào là chưa đến 40% biết  về hội nhập. Nào là WTO là một cơn sóng dữ, có thể xuất hiện tình trạng phá sản hàng loạt… Lần đó, ông đã nói: “Nhà báo hãy thử ra phố hay vào các hiệu sách đi. Tôi chắc rằng, sẽ có một câu trả lời thực tế nhất về tinh thần kinh doanh, về năng lực của DN Việt Nam”.

Một chặng đường rất dài đã qua, nền kinh tế Việt Nam và DN Việt Nam cũng đã trải qua nhiều trạng thái, có thăng, có trầm. Một nhóm DN  không hề nhỏ đã biến mất khỏi thị trường...

Không lời nào sinh động bằng hình ảnh các cuốn sách về kinh doanh luôn đứng trong bảng sách bán chạy nhất, các cuộc thi về khởi nghiệp thu hút giới sinh viên không kém các game show.

Không có ví dụ nào dễ hiểu hơn là việc không còn một mét vuông mặt tiền nào trên đường phố Hà Nội vắng cửa hàng. Cửa hàng nào đó đóng lại, có ngay một cửa hàng mới thế chỗ.

Sự vận động của cộng đồng DN Việt Nam cũng vậy. Với 97% là DN nhỏ và vừa, trong đó tới 96% là siêu nhỏ, nhiều doanh nhân không gọi được đúng tên của AEC hay TPP, nhưng hỏi họ tại sao để mặt hàng kia trên kệ, sao dỡ hàng này xuống..., họ đều nắm như lòng bàn tay. Đó chính là thị trường. Các doanh nhân biết chắc lúc nào nên bước vào thị trường và cả lúc cần phải bước ra....

Có thể đó chưa phải là những so sánh đầy đủ, song tôi tin rằng, tinh thần kinh doanh, năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam sẽ đi lên từ những ý tưởng sáng tạo tưởng như rất bình thường của từng người dân.

Hình tượng Mai An Tiêm mà VCCI đã chọn để in trên tấm thiệp chúc mừng năm mới Bính Thân chứa đựng toàn bộ tinh thần này. 

Giấc mơ 5 triệu DN Việt Nam

5 triệu đang là con số được ông Vũ Tiến Lộc nhắc tới khi nói về DN Việt Nam. Con số quá lớn nếu so với khoảng 500.000 DN hiện có, cũng như tốc độ thành lập DN mới hiện tại, năm 2015 đạt kỷ lục là khoảng 95.000 DN. 

Giấc mơ 5 triệu DN có xa quá không?…

Chúng ta đang cần một cuộc cách mạng về khởi nghiệp. Con số 5 triệu có thể trong tương lai xa, nhưng đó là đích đến phải nhắc tới trong lúc này. Tôi cũng muốn nhắc tới 1 triệu DN hoạt động có hiệu quả vào năm 2020. Giai đoạn khởi nghiệp này cần chú tâm hơn vào chất lượng, sau khi chúng ta đã tạo được số lượng và diện rộng.

Chúng ta đang phải cạnh tranh với những nền kinh tế hàng đầu thế giới trên một sân chơi bình đẳng, trong khi trình độ phát triển và năng lực cạnh tranh của chúng ta đang xếp ở thứ hạng thấp. Thậm chí, trong TPP, EVFTA,… Việt Nam đứng thấp nhất.

So với yêu cầu phát triển, đội ngũ doanh nhân hiện vẫn còn chưa đông, chưa mạnh. Về số lượng, vào thời điểm này, bình quân 200 người dân  Việt Nam mới có 1 DN, trong khi số này ở các nền kinh tế phát triển là 15-20 người dân. Chưa kể, 96-97% DN Việt Nam thuộc diện nhỏ và siêu nhỏ.

Chúng ta cần phấn đấu để có nhiều DN, doanh nhân đạt tầm cỡ trong khu vực ASEAN, châu Á và thế giới. Tháng 9 vừa qua, trong danh sách 400 người giàu nhất nước Mỹ do Tạp chí Forbes công bố, có 1 doanh nhân người Việt xếp ở vị trí 149.  Một số doanh nhân Việt cũng bắt đầu được xếp thứ hạng cao trong các nước châu Á và ASEAN. Nhưng những gương mặt đó chưa nhiều.

Và để có được DN, doanh nhân và thương hiệu hàng đầu, cần những nỗ lực đột phá từ hai phía: cộng đồng kinh doanh và Nhà nước. 

Hơn một năm trước, tại Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam tháng 12/2014, ông  Lộc đã gửi một bản kiến nghị dài về chương trình tái khởi động khu vực kinh tế tư nhân. Trong đó, chủ thuyết được đưa ra là cần phát triển khu vực tư nhân nhằm xây dựng một nền kinh tế phát triển bền vững và tự chủ. Các nội dung bao trùm từ cải cách thể chế, xây dựng khung khổ pháp lý thuận lợi và minh bạch cho doanh nghiệp lớn lên, các yêu cầu về cải cách giáo dục, đào tạo… đến vai trò, trách nhiệm xã hội của DN với môi trường, người tiêu dùng…

Câu hỏi và cũng là lời đề nghị đã được ra hôm đó là, Chính phủ có thể làm gì để hỗ trợ quá trình này, hỗ trợ khu vực tư nhân phát triển. 

Năm nay, cả đất nước, dân tộc, nền kinh tế và cộng đồng DN Việt Nam bước vào một chặng đường mới với những tư duy rất mới về vai trò và động lực phát triển của kinh tế tư nhân. Có thể tin rằng, kinh tế tư nhân Việt Nam đang có nền tảng quan trọng để thực sự là động lực?

Tôi muốn hình dung rằng, kinh tế Việt Nam là con tàu cao tốc, chắc chắn phải trở thành con tàu cao tốc, chứ không phải là con tàu hàng, thì đường ray là thể chế kinh tế thị trường, đầu máy là kinh tế tư nhân. Chương trình tái khởi động khu vực kinh tế tư nhân có thể là những khởi thảo ban đầu cho đầu máy này thực sự mạnh.

Chúng ta cần cả sự sáng tạo và trách nhiệm của DN và cơ quan Chính phủ để 500.000 DN, hơn 15.000 trang trại và hợp tác xã, trên 4 triệu hộ kinh doanh… phát triển, tạo công ăn việc làm, đóng góp nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Chúng ta cần không gian an toàn, thân thiện để các hộ kinh doanh lớn lên thành DN, để DN nhỏ nâng lên mức vừa, lấp vào khoảng trống hiện có của DN Việt Nam - một trong những nguyên nhân khiến nền kinh tế chưa lắp khớp vào chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất toàn cầu…

Chỉ khi đó, kinh tế tư nhân  trở lại thời kỳ năng động, nhưng với năng lực cạnh tranh lớn hơn, bền vững hơn, là điều kiện tiên quyết để làm tròn vai trò động lực chính cho sự tăng trưởng của kinh tế quốc gia.

Tôi muốn nói rằng, từ khóa của chặng đường tới của nền kinh tế Việt Nam là DN tư nhân và hội nhập kinh tế. 

Đây cũng là từ ngữ được nhắc đến nhiều trong phát biểu của lãnh đạo Đảng, Chính phủ, trong các văn kiện của Đảng. Quá trình chuyển sang mô hình kinh tế thị trường của Việt Nam đã bước vào giai đoạn hoàn thiện cơ chế vận hành, sau khi đã chấp nhận cơ chế thị trường. Lúc này, đúng như ông Lộc nói, DN tư nhân, ý tưởng sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp của người dân sẽ là nhân tố dẫn dắt…

Tất nhiên, vẫn phải nhắc lại một câu nói của ông Vũ Tiến Lộc khi chia sẻ với các cơ quan lý nhà nước, các nhà hoạch định chính sách trong dịp Ngày Doanh nhân Việt Nam năm 2015 rằng, muốn biết doanh nhân thành hay bại, hãy nhìn vào thái độ của Nhà nước…

Chuyên đề

Kết nối đầu tư