“Chạy nước rút” khởi công Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội (Chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu) vừa hoàn thành mở thầu và đang gấp rút đánh giá hồ sơ dự thầu 4 gói thầu xây lắp thuộc Dự án thành phần 2.1 Xây dựng đường song hành (đường đô thị) địa phận TP. Hà Nội thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.
UBND TP. Hà Nội dự kiến khởi công 4 gói thầu xây lắp thuộc Dự án thành phần 2.1 của Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội trong tháng 6/2023. Ảnh: Lê Tiên
UBND TP. Hà Nội dự kiến khởi công 4 gói thầu xây lắp thuộc Dự án thành phần 2.1 của Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội trong tháng 6/2023. Ảnh: Lê Tiên

Dự án thành phần 2.1 có tổng mức đầu tư 5.388 tỷ đồng, mục tiêu là đầu tư xây dựng hệ thống đường đô thị, đường song hành qua địa phận TP. Hà Nội với tổng chiều dài tuyến khoảng 58,2 km. Tuyến có điểm đầu tại Km0+000 (tương ứng Km3+695 trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai), thuộc địa phận xã Tân Dân, huyện Sóc Sơn; điểm cuối tại Km58+200 ranh giới TP. Hà Nội và tỉnh Hưng Yên, thuộc địa phận huyện Thường Tín. Các nút giao sẽ được đầu tư đồng bộ trong Dự án thành phần 3.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội cho biết, đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT) của các nhà thầu tham gia 4 gói thầu xây lắp, hoàn thành việc lựa chọn nhà thầu để có thể khởi công vào cuối tháng 6/2023 theo kế hoạch.

UBND TP. Hà Nội cũng vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải dự kiến kế hoạch khởi công 4 gói thầu xây lắp thuộc Dự án thành phần 2.1 từ ngày 24 - 30/6/2023.

Theo tìm hiểu, trong 4 gói thầu xây lắp, 2 gói thầu có quy mô trên 1.000 tỷ đồng, gồm: Gói thầu số 09/TP2-XL Xây dựng đoạn tuyến từ Km13+017,92 đến Km36+166,74 (giá dự toán 1.818 tỷ đồng); Gói thầu số 10/TP2-XL Xây dựng đoạn tuyến từ Km36+166,74 đến Km48+314,71 (1.000,274 tỷ đồng). 2 gói thầu xây lắp còn lại gồm: Gói thầu số 08/TP2-XL Xây dựng đoạn tuyến từ Km0+000 đến Km13+017,92 (994,649 tỷ đồng), Gói thầu số 11/TP2-XL Xây dựng đoạn tuyến từ Km48+314,71 đến Km58+200 (890,502 tỷ đồng). Thời gian thực hiện mỗi gói thầu là 36 tháng, loại hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh. Cả 4 gói thầu đã được mở thầu, mỗi gói thầu đều có một nhà thầu tham dự.

Dự án đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội có chiều dài 112,8 km, đi qua địa phận 3 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh. Dự án gồm 7 dự án thành phần, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 85.813 tỷ đồng. Trong đó, 3 dự án giải phóng mặt bằng thực hiện theo hình thức đầu tư công, 3 dự án đầu tư xây dựng đường song hành theo hình thức đầu tư công và 1 dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư. Thời gian thực hiện dự kiến từ 2022 - 2028.

Tại Gói thầu số 11/TP2-XL (mở thầu ngày 8/6/2023), nhà thầu duy nhất tham dự là Liên danh Công ty CP Tập đoàn CIENCO4 - Công ty CP Thương mại và Xây dựng Hoàng Long - Công ty CP Sông Hồng. Ngày 10/6/2023, hồ sơ đề xuất kỹ thuật của Liên danh nhà thầu được đánh giá đạt với 78,8 điểm và được mở hồ sơ đề xuất tài chính ngay trong ngày. Theo Biên bản mở hồ sơ đề xuất tài chính, Liên danh chào giá 889,264 tỷ đồng.

3 gói thầu còn lại đồng loạt được mở thầu vào ngày 11/6/2023. Trong đó, Gói thầu số 08/TP2-XL có 1 nhà thầu tham dự là Liên danh Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty CP Thịnh Vượng TVT - Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Thái Yên. Gói thầu số 09/TP2-XL có 1 nhà thầu tham dự là Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam. Gói thầu số 10/TP2-XL có 1 nhà thầu tham dự là Liên danh Tổng công ty 319 Bộ Quốc phòng - Công ty TNHH Tập đoàn CASPI - Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC - Công ty CP Quản lý và Xây dựng đường bộ Khánh Hòa.

Theo một chuyên gia đấu thầu, việc ấn định ngày khởi công là một trong những áp lực và thách thức không nhỏ đối với Bên mời thầu trong việc xây dựng hồ sơ mời thầu (HSMT), cấp tập đánh giá HSDT, đặc biệt là những gói thầu quy mô lớn.

Thực tế, trong quá trình phát hành HSMT, cả 4 gói thầu đều nhận được đề nghị làm rõ HSMT của các nhà thầu và Bên mời thầu phải điều chỉnh, bổ sung HSMT.

Đơn cử, tại Gói thầu số 11/TP2-XL, một nhà thầu đề nghị làm rõ HSMT để bảo đảm tính thống nhất trong bảng tiên lượng mời thầu (đơn vị tính là m3 hay m2, bê tông lót móng C12,5 hay bê tông C10; bê tông C16 hay bê tông C25; đắp đất, độ chặt K=0,95 hay K=0,90; neo dự ứng lực 3T15.2 hay 3T12,7…). Sau đó, Bên mời thầu đã điều chỉnh, bổ sung HSMT theo hướng cập nhật số liệu, thông tin một số nội dung cho phù hợp với quyết định điều chỉnh dự toán; sửa đổi yêu cầu, tiêu chuẩn đánh giá về nhân sự liên quan đến nhà thầu phụ đặc biệt lập thiết kế bản vẽ thi công nhằm giảm bớt yêu cầu về chứng chỉ năng lực xây dựng, số lượng nhân sự chủ chốt, tăng tính cạnh tranh trong đấu thầu.

Tại các gói thầu còn lại, một số nhà thầu đề nghị làm rõ về tiêu chí đánh giá kỹ thuật, bổ sung những hạng mục công việc thiếu, nhầm lẫn về đơn vị tính, sai sót, thừa, thiếu về mặt khối lượng… Những kiến nghị này đều được Bên mời thầu tiếp thu, chỉnh sửa trong HSMT. Trong đó, Gói thầu số 10/TP2-XL được gia hạn thời điểm đóng thầu từ ngày 7/6 sang ngày 11/6/2023.

Chuyên đề