Chắt lọc từng ý kiến để xây dựng Luật Đấu thầu (sửa đổi) chất lượng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đó là khẳng định của Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tại Hội thảo Lấy ý kiến hoàn thiện Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) được tổ chức tại TP.HCM vào ngày 14/4/2023. 
Bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đại diện Ban soạn thảo giải đáp các câu hỏi, ý kiến góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi)
Bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đại diện Ban soạn thảo giải đáp các câu hỏi, ý kiến góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi)

Hội thảo do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ KH&ĐT, Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam đồng tổ chức, thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà thầu, chủ đầu tư, hiệp hội doanh nghiệp khu vực phía Nam.

Tại Hội thảo, đại diện Cục Quản lý đấu thầu đã trình bày các nhóm chính sách chính, những điểm mới của Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Theo đó, sau gần 10 năm Luật Đấu thầu được Quốc hội thông qua (năm 2013), để tương thích, phù hợp với tình hình thực tế, phát huy hơn nữa hiệu quả của công tác đầu tư, mua sắm sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, cần có những sửa đổi, bổ sung cần thiết. Đặc biệt, với sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, các hiệp định thương mại tự do, hoạt động đấu thầu ngày càng gắn chặt với hoạt động của doanh nghiệp. Hội thảo là cơ hội để cơ quan soạn thảo (Bộ KH&ĐT), cơ quan thẩm tra (Uỷ ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội) lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp - chủ thể quan trọng trong chuỗi hoạt động đấu thầu.

Theo chia sẻ của Sở KH&ĐT Đồng Nai, Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) nâng cao tính chủ động, linh hoạt cho công tác dự thầu của nhà thầu. Đồng thời giúp tiết kiệm chi phí, thời gian cho nhà thầu. Dự thảo Luật cũng siết chặt các hành vi bị cấm, trong đó có hành vi cố tình khiếu nại, tố cáo, kiến nghị sai sự thật để cản trở hoạt động đấu thầu.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Công ty Tư vấn đầu tư xây dựng CICON cho biết, để nâng cao trách nhiệm, gắn liền với giải trình trong hoạt động đấu thầu, đặc biệt là trong môi trường đấu thầu qua mạng, các hành vi bị cấm nên được mở rộng hơn. Theo đó, cần bổ sung nội dung cấm cá nhân cung cấp thông tin làm ảnh hưởng đến kết quả lựa chọn nhà thầu khi tổ chức đấu thầu qua mạng. Bởi hiện nay, việc làm rõ hồ sơ dự thầu của nhà thầu được thực hiện trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, việc lộ, lọt thông tin của nhà thầu có vai trò của chủ đầu tư/bên mời thầu.

Bà Cao Thị Vân Điểm, Phó Chủ tịch Hội Thiết bị y tế Việt Nam khẳng định, việc xây dựng chương riêng tách bạch mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế là rất kịp thời, hữu ích. Hiện nay công tác mua sắm, đấu thầu thuốc chưa được luật hóa, do đó, nội dung này cần được xây dựng chuẩn xác, bám sát thực tiễn. Việc luật hóa này giúp các nhà thầu/doanh nghiệp cung ứng tự tin, chủ động tìm hiểu và có chiến lược tham gia đấu thầu.

Tại Hội thảo, đại diện Ban soạn thảo đã giải đáp các câu hỏi, ý kiến góp ý để hoàn thiện Dự thảo. “Đây là cơ hội quý giá để cộng đồng doanh nghiệp bày tỏ các khó khăn, trở ngại cũng như các đóng góp thực tế nhằm hoàn thiện Luật. Ban soạn thảo lắng nghe trực tiếp, trao đổi thẳng thắn, cũng như sẽ tận dụng tất cả các kênh tiếp nhận qua đường văn bản, email và chắt lọc, lắng nghe với tinh thần cầu thị nhất nhằm xây dựng Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) với phiên bản tốt nhất, cởi mở, tiệm cận nhất với thông lệ thế giới”, bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu khẳng định.

Chuyên đề