Chặn bán thầu phải từ chủ đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Kết luận của cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an mới đây liên quan đến Dự án Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có thể coi là hồi chuông cảnh tỉnh đến các cơ quan quản lý, chủ đầu tư (CĐT) và các nhà thầu về vấn nạn chia nhỏ gói thầu, bán thầu. Có nhiều “chốt” để ngăn chặn tình trạng này, nhưng trước hết, phải gắn với trách nhiệm của CĐT trong việc quản lý hợp đồng.
Việc chia nhỏ gói thầu trong quá trình triển khai thi công diễn ra khá phổ biến. Ảnh: Tường Lâm
Việc chia nhỏ gói thầu trong quá trình triển khai thi công diễn ra khá phổ biến. Ảnh: Tường Lâm

Lớn thì chia nhỏ, nhỏ thì bán thầu

Vụ việc nêu trên liên quan đến Dự án Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Theo đó, việc chia nhỏ gói thầu trong quá trình triển khai thi công ở các gói thầu xây lắp là khá phổ biến. Tình trạng này rất khó kiểm soát và liên quan đến trách nhiệm của cả người có thẩm quyền, CĐT, tư vấn giám sát…

Hiện, việc chia nhỏ gói thầu không phải là cá biệt. Tại Dự án cao tốc Quản Lộ - Phụng Hiệp, nhiều nhà thầu gửi đơn khiếu nại đòi quyền lợi vì tranh chấp khối lượng thi công.

Tại Tiểu dự án Nâng cấp đô thị TP. Mỹ Tho, một nhà thầu địa phương đã kiện nhà thầu chính thi công ra tòa vì không thanh toán tiền thi công cả 3 công trình. Đây là dự án sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới nhưng đã để xảy ra tình trạng bán thầu tràn lan, với 100% khối lượng.

Tại Bạc Liêu, một gói thầu xây lắp của Ngân hàng TMCP Công Thương đang dẫn tới nhiều tranh cãi về khối lượng thi công với cáo buộc “nhượng thầu trái phép”.

Thực tế cho thấy, nhiều gói thầu xây dựng dân dụng quy mô dưới 20 tỷ đồng được giao cho nhà thầu trúng thầu đến từ nơi khác, sau đó xảy ra chuyện nhượng thầu, bán thầu trái phép cho các nhà thầu địa phương. Tranh chấp thường xảy ra khi việc thanh toán công nợ không thống nhất về khối lượng giữa các nhà thầu.

Phải thêm nhiều chốt chặn hiệu quả

Tháng 3/2020, Ban Quản lý dự án 7 thuộc Bộ Giao thông vận tải công bố mời thầu Gói thầu XL.02 Thi công đường dẫn phía Tiền Giang đoạn Km104+190 - Km105+454 (bao gồm cầu Mỹ Hưng); cầu dẫn phía Tiền Giang (bao gồm 14 nhịp Super T và toàn bộ kết cấu phần dưới từ mố M0 đến trụ T13). Giá gói thầu tại kế hoạch lựa chọn nhà thầu là 415,7 tỷ đồng. Theo hồ sơ mời thầu (HSMT), nhà thầu liên danh tối đa không quá 3 thành viên. Trường hợp liên danh 3 thành viên thì thành viên đứng đầu liên danh phải đảm nhận khối lượng 40% giá trị gói thầu, mỗi thành viên còn lại thực hiện khối lượng 20% giá trị gói thầu. Trường hợp liên danh 2 thành viên thì thành viên đứng đầu liên danh phải đảm nhận khối lượng 50% giá trị gói thầu, thành viên còn lại thực hiện khối lượng 30% giá trị gói thầu.

Đây là một trong những bên mời thầu (BMT) có yêu cầu ràng buộc chặt chẽ ngay từ khâu lập HSMT để hạn chế tình trạng “khó quản lý”, “chia nhỏ gói thầu” khi liên danh nhà thầu có quá nhiều thành viên.

Đây cũng là giải pháp mà các BMT thuộc Bộ Giao thông vận tải áp dụng khi mời thầu các gói thầu xây lắp lớn trong thời gian qua. Trao đổi với Báo Đấu thầu, một số tư vấn giám sát có chung quan điểm: Một gói thầu có quá nhiều thành viên liên danh thi công thực sự là một nỗi ám ảnh nếu năng lực, kinh nghiệm và khả năng tài chính của các thành viên không đồng đều. Bởi công trình dễ dàng bị băm vụn do tính lắt nhắt, không đồng bộ trong triển khai thi công giữa các nhà thầu.

Chuyên gia đấu thầu Lê Văn Tăng cho rằng, quan trọng nhất là coi trọng công tác quản lý hợp đồng sau đấu thầu để hạn chế tình trạng nêu trên. “Vai trò của BMT/CĐT cũng như tư vấn giám sát trong việc quản lý chất lượng thi công cần phải đặt lên hàng đầu. Đây là những chốt chặn hữu hiệu nhất để hạn chế tình trạng chia nhỏ gói thầu, bán thầu trái phép” - ông Tăng nhấn mạnh.

Câu chuyện về việc buông lỏng quản lý của CĐT với nhà thầu chính thi công, nhà thầu chính buông lỏng giám sát với nhà thầu phụ, nhà thầu thứ cấp nên không quản lý được chất lượng thi công đang bộc lộ nhiều yếu kém trong quản lý hợp đồng sau đấu thầu. Do buông lỏng quản lý dẫn đến chất lượng vật liệu, phương tiện, máy móc đưa vào thi công công trình không đảm bảo yêu cầu…, khiến chất lượng công trình không đảm bảo.

Theo quy định, việc chuyển nhượng khối lượng công việc sau khi trúng thầu không được vượt quá 10% tổng khối lượng công việc trúng thầu. “Tuy nhiên, trên thực tế chuyển nhượng quá tỷ lệ này là rất phổ biến và các CĐT vẫn không có ý kiến, tư vấn giám sát gần như “đồng lõa”. Trong khi đó, các tranh chấp khối lượng thi công do tình trạng bán thầu trái phép lại chưa được xử lý đúng mực, thường là các bên thỏa thuận với nhau để “dàn xếp” nên tính răn đe chưa cao”, chuyên gia Nguyễn Việt Hùng cho biết.

Chuyên đề