Chậm tiến độ cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây: “Mạnh tay” xử lý nhà thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Mặc dù phải hoàn thành vào cuối năm 2022, hiện 2 dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết (DATP Vĩnh Hảo - Phan Thiết) và đoạn Phan Thiết - Dầu Giây (DATP Phan Thiết - Dầu Giây) thuộc Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 lại đang chậm tiến độ.
Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết dự kiến phải hoàn thành vào tháng 12/2022, nhưng hiện mới thi công đạt 32,2% giá trị hợp đồng. Ảnh: Vĩnh Phú
Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết dự kiến phải hoàn thành vào tháng 12/2022, nhưng hiện mới thi công đạt 32,2% giá trị hợp đồng. Ảnh: Vĩnh Phú

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã chỉ đạo các ban quản lý dự án (QLDA) “mạnh tay” cắt chuyển khối lượng của các nhà thầu thi công yếu kém và sẽ xử lý nhà thầu vi phạm nếu tiến độ không được cải thiện.

DATP đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài 100,8 km, đi qua tỉnh Bình Thuận, do Ban QLDA 7 làm đại diện chủ đầu tư, khởi công tháng 9/2020 và theo kế hoạch phải hoàn thành vào tháng 12/2022. Sản lượng thực hiện đến nay đạt 32,2% giá trị hợp đồng (1.952,93/6.065 tỷ đồng). Trong tháng 4/2022 giá trị thi công đạt 1,93% giá trị hợp đồng. Hiện tiến độ thực hiện Dự án chậm khoảng 4 tháng so với kế hoạch ban đầu và chậm khoảng 2 tháng so với kế hoạch điều chỉnh.

Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông thuộc Bộ GTVT cho biết, các hạng mục thi công chính của DATP đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết đều chậm. Khối lượng đắp nền đạt 409.000 m3, tương ứng 55% so với tiến độ cam kết của Nhà thầu; thi công cấp phối đá dăm đạt 57% cam kết; bê tông nhựa rỗng đạt 7% cam kết... Hiện giá trị còn lại cần nghiệm thu thanh toán trên sản lượng thi công còn tương đối lớn (979/1.928 tỷ đồng), trong đó Gói thầu XL01 (344/665 tỷ đồng, 52%), Gói thầu XL02 (151/220 tỷ đồng, 69%) và Gói thầu XL04 (427/793 tỷ đồng, 54%).

Do các nhà thầu phụ và tổ đội thi công yếu kém, làm chậm tiến độ, Ban QLDA 7 đã cắt chuyển khối lượng tổng cộng 16,5 km và yêu cầu các nhà thầu chính trực tiếp thi công. Cụ thể, tại Gói thầu XL01 đã điều chuyển 1 km thi công nền đường của thầu phụ Công ty CP Giao thông xây dựng số 1 cho nhà thầu chính là Công ty CP Đạt Phương thực hiện. Tại Gói thầu XL02 đã điều chuyển 1,1 km nền đường từ Công ty CP Tập đoàn đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi cho Công ty CP Hải Đăng thi công. Tại Gói thầu XL03, đã cắt 4 km nền đường (Km168 - Km172) cho Công ty CP Tập đoàn Phúc Lộc thi công. Tại Gói thầu XL04 đã cắt 10 km nền đường cho Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng (6 km) và Công ty CP Đầu tư xây dựng và kỹ thuật VNCN E&C (4 km) thi công.

DATP đoạn Phan Thiết - Dầu Giây (dài 99 km), đi qua địa bàn tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Thuận, do Ban QLDA Thăng Long làm đại diện chủ đầu tư cũng chậm tiến độ.

Bộ GTVT cho biết, DATP này được khởi công vào tháng 9/2020 và có kế hoạch hoàn thành tháng 12/2022. Tiến độ thực hiện đến tháng 12/2021 đã chậm khoảng 3 tháng so với kế hoạch ban đầu, phải điều chỉnh kế hoạch để bù khối lượng chậm; đến nay tiếp tục chậm 1,4% giá trị hợp đồng so với kế hoạch điều chỉnh.

Theo Bộ GTVT, nửa đầu tháng 4/2022, các nhà thầu đã nỗ lực thi công tăng ca để đẩy nhanh tiến độ. Tuy nhiên, việc huy động tài chính, thiết bị, nhân công… chưa rõ nét. Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8 (Cienco 8) và Công ty CP Tập đoàn Phúc Lộc trong quá trình thực hiện Gói thầu XL1 vẫn thiếu kinh phí mua vật liệu, đa số các gói thầu thiếu thiết bị thi công nên hầu hết gói thầu chậm tiến độ. Theo yêu cầu phải hoàn thành đắp nền đường trước mùa mưa (tháng 6/2022) và đào đá trước tháng 8/2022, nhưng tốc độ thi công thực tế chưa đáp ứng yêu cầu. Khối lượng đắp đất còn lại khoảng 2,6 triệu m3, đặc biệt Gói thầu XL-3 còn lại khoảng 1,5 triệu m3, tốc độ thực tế đắp trung bình hiện chỉ đạt 12.000 m3/ngày (tốc độ yêu cầu là 20.000 m3/ngày). Khối lượng đào đá nền đường Gói thầu XL-2 còn khoảng 395.000 m3, tốc độ thực tế trung bình hiện chỉ đạt 3.200 m3/ngày (yêu cầu bình quân 3.600 m3/ngày để hoàn thành trong tháng 7/2022).

Bộ GTVT khẳng định, để hoàn thành 2 DATP trên trong năm 2022, các nhà thầu phải quyết tâm tập trung nguồn lực và quyết liệt huy động bổ sung thiết bị, nhân lực, tăng ca, tăng kíp thi công. Bộ yêu cầu Ban QLDA 7, Ban QLDA Thăng Long theo dõi tiến độ 2 DATP này đến ngày 30/4/2022, nếu không có chuyển biến tích cực, phải kiên quyết cắt chuyển khối lượng và xử lý nhà thầu vi phạm.

Chuyên đề