Chậm làm sổ đỏ cho cư dân, chủ đầu tư sẽ bị phạt cả tỷ đồng

Theo Nghị định 91 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, tổ chức thực hiện dự án kinh doanh bất động sản không nộp hồ sơ để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận cho người mua quyền sử dụng đất sẽ bị phạt đến 1 tỷ đồng.
Thời gian qua, nhiều tranh chấp mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và cư dân xuất phát từ việc chậm làm sổ đỏ.
Thời gian qua, nhiều tranh chấp mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và cư dân xuất phát từ việc chậm làm sổ đỏ.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 91/2019/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai có hiệu lực từ ngày 5/1/2020.

Theo đó, đơn vị kinh doanh bất động sản hoặc nhận chuyển quyền sử dụng đất nếu không nộp hồ sơ, không cung cấp đầy đủ giấy tờ cho người mua làm thủ tục cấp sổ đỏ sẽ bị phạt tùy vào mức độ vi phạm.

Cụ thể, từ sau 50 ngày đến 6 tháng: Phạt tiền từ 10-30 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm dưới 30 căn hộ, công trình xây dựng, thửa đất; phạt tiền từ 30-50 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm từ 30 đến dưới 100 căn hộ, công trình xây dựng, thửa đất; phạt tiền từ 50-100 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm từ 100 căn hộ, công trình xây dựng, thửa đất trở lên.

Từ trên 6-9 tháng: Phạt tiền từ 30-50 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm dưới 30 căn hộ, công trình xây dựng, thửa đất; phạt tiền từ 50-100 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm từ 30 đến dưới 100 căn hộ, công trình xây dựng, thửa đất; phạt tiền từ 100 - 300 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm từ 100 căn hộ, công trình xây dựng, thửa đất trở lên.

Từ trên 9-12 tháng: Phạt tiền từ 50-100 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm dưới 30 căn hộ, công trình xây dựng, thửa đất; phạt tiền từ 100-300 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm từ 30 đến dưới 100 căn hộ, công trình xây dựng, thửa đất; phạt tiền từ 300-500 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm từ 100 căn hộ, công trình xây dựng, thửa đất trở lên.

Từ 12 tháng trở lên, phạt tiền từ 100 - 300 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm dưới 30 căn hộ, công trình xây dựng, thửa đất; phạt tiền từ 300-500 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm từ 30 đến dưới 100 căn hộ, công trình xây dựng, thửa đất; phạt tiền từ 500 triệu đồng -1 tỷ đồng đối với trường hợp vi phạm từ 100 căn hộ, công trình xây dựng, thửa đất trở lên.

Thời gian vi phạm quy định nêu trên được tính từ ngày chủ đầu tư bàn giao nhà ở, công trình xây dựng, đất cho người mua hoặc kể từ thời điểm bên thuê mua đã thanh toán đủ tiền theo thỏa thuận đến thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính.

Trường hợp chủ đầu tư đã khắc phục sai phạm sau thời hạn quy định tại khoản 7 Điều 26 của Luật nhà ở và khoản 4 Điều 13 của Luật kinh doanh bất động sản thì thời gian vi phạm được tính đến ngày chủ đầu tư khắc phục sai phạm.

Trường hợp trong một dự án mà chủ đầu tư vi phạm ở nhiều mức thời gian khác nhau đối với các căn hộ, công trình xây dựng, thửa đất khác nhau thì tính tiền phạt theo từng mức phạt quy định nêu trên nhưng tổng số tiền phạt không được vượt quá 1 tỷ đồng.

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định cụ thể mức phạt khi không làm thủ tục chuyển sang thuê đất đối với trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 60 của Luật Đất đai.

Cụ thể, người đang sử dụng đất được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất trước ngày 1/7/2014 mà nay thuộc trường hợp phải thuê đất theo quy định của Luật đất đai nhưng chưa nộp hồ sơ để làm thủ tục chuyển sang thuê đất thì hình thức và mức xử phạt như sau:

Phạt tiền từ 2-5 triệu đồng nếu diện tích đất phải chuyển sang thuê dưới 0,1 ha; phạt tiền từ 5-10 triệu đồng nếu diện tích đất phải chuyển sang thuê từ 0,1 ha đến dưới 0,5 ha; phạt tiền từ 10-20 triệu đồng nếu diện tích đất phải chuyển sang thuê từ 0,5 ha đến dưới 1 ha; phạt tiền từ 20-50 triệu đồng nếu diện tích đất phải chuyển sang thuê từ 01 ha đến dưới 5 ha; phạt tiền từ 50-100 triệu đồng nếu diện tích đất phải chuyển sang thuê từ 5 ha trở lên.

Được biết, việc chủ đầu tư chậm chễ trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, tài sản khác gắn liền với đất (sổ đỏ) cho người dân là một trong những số những tranh chấp phổ biến hiện nay mà Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã từng chỉ ra.

Thực tế tại không ít dự án, cư dân chờ "dài cổ" để nhận sổ đỏ từ phía chủ đầu tư nhưng vẫn "bật vô âm tín".

Chuyên đề