Hơn 1 năm trở lại đây, tiến độ thực hiện Dự án Cảng Phước An (Nhơn Trạch, Đồng Nai) gần như dậm chân tại chỗ |
Hàng trăm tỷ đồng “chờ” giải ngân cho Dự án hiện vẫn nằm trong két sắt ngân hàng. Trước tình hình này, Sonadezi đã có quyết định thoái hết vốn tại Công ty CP Dầu khí đầu tư khai thác cảng Phước An.
Mức giá “khiêm tốn”
HĐQT Tổng công ty CP Phát triển khu công nghiệp (Sonadezi) vừa thông qua nghị quyết về việc thoái toàn bộ vốn góp tại Công ty CP Dầu khí đầu tư khai thác cảng Phước An (Cảng Phước An). Theo đó, Sonadezi sẽ bán toàn bộ 7,5 triệu cổ phần Cảng Phước An, tương đương 6,82% vốn điều lệ. Mức giá khởi điểm được đưa ra là 11.200 đồng/cổ phần, cao hơn 12% so với mệnh giá.
Sau hơn 10 năm đầu tư vào Cảng Phước An, mức giá mà Sonadezi đưa ra phần nào cho thấy hoạt động kinh doanh không mấy khả quan của Cảng Phước An. Chính xác hơn, cho đến nay, Dự án vẫn chưa giải quyết được những vướng mắc trong quá trình triển khai dẫn đến chậm tiến độ. Cảng vẫn đang trong quá trình đầu tư và chưa phát sinh doanh thu.
Tại thời điểm khai sinh, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) là chủ sở hữu Công ty CP Dầu khí đầu tư khai thác cảng Phước An với tỷ lệ 79,58%. Đến tháng 7/2016, PVN đã tiến hành thoái vốn tại Cảng Phước An thông qua việc đồng ý cho công ty này phát hành riêng lẻ 46 triệu cổ phần với mệnh giá 10.000 đồng/CP, giảm tỷ lệ sở hữu của PVN xuống 38,89%, vốn điều lệ của Cảng Phước An tăng từ mức 440 tỷ đồng lên 900 tỷ đồng. Tập đoàn Hoành Sơn (đầu tư thông qua Công ty TNHH MTV Hoành Sơn) nắm quyền chi phối Cảng Phước An sau khi bỏ ra 460 tỷ đồng mua toàn bộ 46 triệu cổ phần nêu trên, qua đó sở hữu 51% vốn điều lệ.
Sau đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017, Cảng Phước An tiếp tục thông qua việc phát hành riêng lẻ 20 triệu cổ phần cho Hoành Sơn để nâng vốn điều lệ Công ty từ 900 tỷ đồng lên mức 1.100 tỷ đồng. Điều này đã giúp cho Hoành Sơn nâng tỷ lệ sở hữu tại Cảng Phước An lên 60%, trong khi tỷ lệ sở hữu của PVN giảm xuống chỉ còn 31,81%.
Như vậy, tính đến thời điểm trước khi Sonadezi thoái vốn, Hoành Sơn nắm giữ 60%, PVN nắm giữ 31,81% và Sonadezi sở hữu 6,82% Cảng Phước An. Qua đó cũng cho thấy, Hoành Sơn đang là nhà đầu tư nhiều động lực nhất để mua 6,82% Cảng Phước An từ Sonadezi.
Xây dựng 10 năm chưa thể vận hành
Tính đến 1/1/2019, khoản mục chi phí xây dựng cơ bản của Cảng Phước An ở mức 254,2 tỷ đồng, không thay đổi nhiều so với thời điểm đầu năm 2018 là 237 tỷ đồng, con số này đến 31/3/2019 là 222,1 tỷ đồng. Điều này cho thấy tiến độ thực hiện Dự án Cảng Phước An trong vòng hơn 1 năm trở lại đây gần như dậm chân tại chỗ. Với việc chưa thể đưa vào khai thác và vận hành, nguồn thu hàng năm của Công ty chủ yếu đến từ lãi tiền gửi.
Cụ thể, doanh thu từ lãi tiền gửi của Cảng Phước An năm 2018 là 16,7 tỷ đồng, chỉ bằng một nửa so với doanh thu tài chính năm 2017. Lợi nhuận sau thuế âm 7,6 tỷ đồng. Còn quý I/2019, lãi từ tiền gửi và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 7,4 tỷ đồng và 2,7 tỷ đồng.