Cần thành lập ngay các tổ công tác để gỡ vướng cho doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trước bối cảnh đại dịch Covid-19 đang có những tác động tiêu cực to lớn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cần khẩn trương xây dựng Đề án thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam và triển khai nhanh chóng, hiệu quả đề án này. Trước mắt, cần thành lập ngay các tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp về chi phí logistics, thiếu container và quy tắc xuất xứ trong các FTA...
Chi phí logistic có sự gia tăng mạnh từ năm 2020 tới nay về cước vận tải và tình trạng thiếu container. Ảnh minh họa: Internet
Chi phí logistic có sự gia tăng mạnh từ năm 2020 tới nay về cước vận tải và tình trạng thiếu container. Ảnh minh họa: Internet

Đảm bảo sản xuất liên tục khi triển khai biện pháp phòng, chống dịch

Thời gian qua, nhất là kể từ khi đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư cho thấy, cách thức áp dụng, triển khai các biện pháp phòng chống dịch chưa thống nhất giữa các địa phương. Qua phản ánh của các doanh nghiệp và hiệp hội, chính quyền một số tỉnh, thành phố đã áp dụng những biện pháp cứng nhắc, có mức cực đoan “ngăn sông, cấm chợ” làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, gây nguy cơ làm đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất quy mô lớn.

Để thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế, Việt Nam cần chuyển mạnh sang giai đoạn mới vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa sản xuất liên tục an toàn. Theo đó, VCCI kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan xây dựng Đề án) cần nhanh chóng ban hành quy định pháp luật một cách thống nhất dựa trên thực tiễn triển khai Chỉ thị 15, 16 và 19 cũng như các biện pháp phòng chống dịch khác với tiêu chí đánh giá cụ thể theo mức độ rủi ro của tình hình dịch để tạo thuận lợi cho chính quyền các địa phương trong việc áp dụng cũng như phối hợp với các địa phương khác.

Quy định này cần đặt trọng tâm vào các chính sách, giải pháp đảm bảo sản xuất liên tục trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, để từ đó góp phần thực hiện mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đã được đặt ra theo yêu cầu của Chính phủ. Việc hệ thống hoá và quy định chi tiết các biện pháp áp dụng như trên cũng cũng giúp cộng đồng doanh nghiệp có thể chủ động lên phương án sản xuất kinh doanh phù hợp, từ đó giảm thiểu rủi ro về đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất.

Giảm áp lực tăng chi phí cho doanh nghiệp

Qua một số kết quả khảo sát, nghiên cứu gần đây cho thấy, các doanh nghiệp hiện nay đang gặp nhiều khó khăn do bị phát sinh thêm chi phí phòng ngừa dịch Covid-19 cũng như sụt giảm dòng tiền, thị trường bị thu hẹp, đồng thời cũng đang đứng trước áp lực của việc gia tăng chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh do việc áp dụng một số quy định mới.

Trong đó, phải kể đến quy định “nóng” nhất hiện nay là bắt đầu từ ngày 1/7/2021 bắt buộc các loại xe ô tô kinh doanh vận tải phải lắp camera (chi phí cho việc lắp camera khoảng 5 - 10 triệu đồng/xe khách và 5 triệu đồng/xe tải; chi phí truyền dẫn dữ liệu khoảng 1.200.000 đồng - 1.500.000 đồng/năm) và TP.HCM thu phí hạ tầng cảng biển (mức thu cao nhất là 4,4 triệu đồng/container, mức thấp nhất là 15.000 đồng/tấn đối với hàng rời không đóng trong container).

Trong khi đó, phản ánh của các doanh nghiệp cho thấy, chi phí logistic có sự gia tăng mạnh từ năm 2020 tới nay về cước vận tải và tình trạng thiếu container. Ở một số cảng, giá đã tăng gấp đôi so với giá mấy tháng trước và gần gấp 6 lần so với giá đầu năm 2020. Thậm chí, dù trả cước cao hơn nhưng vẫn rất khó đặt được container, bị hủy đăng ký do cước phí thuê container tăng lên hàng ngày.

Việc thiếu hụt container cho xuất nhập khẩu hàng hóa đã và đang dẫn đến ách tắc cả cho đầu ra (các lô hàng xuất khẩu) lần đầu vào (các lô nguyên liệu nhập khẩu) của doanh nghiệp, đồng thời làm gia tăng chi phí thuê container tại tất cả các cảng biển, gây ra nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng của nhiều ngành hàng, đồng thời cũng khiến nhiều doanh nghiệp phải trả thêm chi phí lưu kho, lưu bãi do các lô hàng bị ách tắc tại các cảng biển.

Các yếu tố trên đã đẩy chi phí logistics tăng cao, tác động không nhỏ đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường thế giới. Rất nhiều đơn hàng của các doanh nghiệp đã bị hủy, chậm giao hàng, chậm thanh toán. Doanh nghiệp không ký tiếp được đơn hàng mới dẫn đến rất nhiều khó khăn.

Trong bối cảnh Chính phủ đang có nhiều chính sách cắt giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch Covid-19, theo ý kiến của Ban IV của Hội đồng Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ và VCCI, những quy định tương tự như trên cần được xem xét cẩn trọng và lùi thời hạn áp dụng. Các bộ, ngành và chính quyền các địa phương cần đánh giá tác động của quy định, tránh gia tăng chi phí bất hợp lý cho doanh nghiệp.

Để rà soát và tháo gỡ các khó khăn này, VCCI đề nghị thành lập Tổ công tác của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương. Tổ công tác cần phối hợp làm việc chặt chẽ với các hiệp hội ngành hàng, các cảng biển, các hãng tàu… để đưa ra các giải pháp hạn chế tình trạng thao túng giá, đẩy giá của một số bên.

Gỡ vướng về quy tắc xuất xứ để tận dụng ưu đãi thuế quan FTA

Hiện tại tỷ lệ kim ngạch hàng hóa xuất khẩu sử dụng ưu đãi thuế quan theo các FTA trong tổng kim ngạch xuất khẩu tương đối thấp, và có xu hướng giảm trong vài năm trở lại đây (từ 39% năm 2018 xuống còn 33% năm 2020). Các FTA gần đây (CPTPP, EVFTA) tỷ lệ sử dụng còn thấp hơn. Tỷ lệ kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tận dụng ưu đãi thuế quan FTA thậm chí còn thấp hơn rất nhiều với một số FTA (từ 1 - 8% như AIFTA, AJCEP-VJEPA, VCFTA, VKFTA, năm 2018).

Theo phản ánh của doanh nghiệp, lý do chủ yếu của tình trạng này được cho là do doanh nghiệp không hiểu rõ về quy tắc xuất xứ, hoặc có thắc mắc cần tư vấn về cách thức đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ nhưng không tìm được đầu mối để có câu trả lời kịp thời, chính xác. Một số quy tắc xuất xứ cam kết được giải thích theo hướng bất lợi cho doanh nghiệp trong việc đáp ứng, tận dụng. Ngôn ngữ trong các Thông tư về quy tắc xuất xứ theo FTA tương tự ngôn ngữ trong cam kết FTA, không dễ hiểu, luôn cần được giải thích.

Nếu tận dụng hiệu quả ưu đãi thuế quan FTA, hàng hóa Việt Nam có thể tăng thêm lợi thế đáng kể trong cạnh tranh với hàng hóa từ các đối thủ khác chưa có FTA ở nhiều thị trường đối tác, từ đó gia tăng lượng xuất khẩu. Do vậy, VCCI kiến nghị Bộ Công Thương thành lập ngay Tổ công tác về quy tắc xuất xứ theo các FTA. Tổ công tác này có nhiệm vụ tư vấn, hỗ trợ về quy tắc xuất xứ cho bất kỳ doanh nghiệp nào muốn tận dụng ưu đãi thuế quan FTA để xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa; xử lý các vướng mắc về chính sách liên quan tới quy tắc xuất xứ trong các FTA.

Theo đề nghị của đại diện cộng đồng doanh nghiệp, thông tin liên lạc của Tổ công tác phải được công bố công khai, rộng rãi để các doanh nghiệp đều biết và có thể tiếp cận trực tiếp và chính xác đầu mối. Trong đó, đối với các vướng mắc trong thực thi tại các đơn vị cấp chứng nhận xuất xứ, Tổ công tác trực tiếp xử lý trong thời hạn 1 - 3 ngày kể từ ngày nhận được thông tin.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Chuyên đề