Cần có cơ quan độc lập giải quyết kiến nghị trong đấu thầu

(BĐT) - Hội thảo quốc tế về cơ chế giải quyết kiến nghị trong đấu thầu tại Việt Nam vừa được tổ chức tại Hà Nội ngày 14/6. Đây là cơ hội tốt để các nhà nghiên cứu, các chuyên gia trong nước và quốc tế cùng chia sẻ thông tin, trao đổi, tìm ra cơ chế, mô hình giải quyết kiến nghị trong đấu thầu tại Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế.
Việc giao cho chủ đầu tư giải quyết kiến nghị trong đấu thầu khó đảm bảo được tính khách quan, công bằng. Ảnh: Quang Hưng
Việc giao cho chủ đầu tư giải quyết kiến nghị trong đấu thầu khó đảm bảo được tính khách quan, công bằng. Ảnh: Quang Hưng

Cơ chế giải quyết kiến nghị chưa hiệu quả

Trong phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Deborah Wetzel, Giám đốc cấp cao phụ trách quản trị toàn cầu của WB nhận xét, sau 30 năm đổi mới, phát triển đất nước, khung khổ chính sách của Việt Nam về đầu tư công ngày càng hoàn thiện, trong đó có pháp luật về đấu thầu. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề trong việc nâng cao hơn nữa chất lượng công tác đấu thầu tại Việt Nam, trong đó có vấn đề về cơ chế giải quyết kiến nghị nhằm đảm bảo công bằng cho các nhà thầu chưa thực sự hiệu quả. “Đây là một trong những điểm yếu chưa khuyến khích các nhà đầu tư tham gia vào các cơ hội đầu tư, đấu thầu tại Việt Nam”, bà Deborah Wetzel đánh giá.

Về vấn đề này, ông Lê Văn Tăng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Trưởng khoa danh dự Khoa Quản lý đấu thầu thuộc Học viện Chính sách và Phát triển cho rằng, kiến nghị và giải quyết kiến nghị trong đấu thầu là một nhu cầu tất yếu, khách quan trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu. Ở bất kỳ quốc gia hay tổ chức quốc tế nào khi tổ chức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư đều có cơ chế về kiến nghị và giải quyết kiến nghị trong đấu thầu. Dù Luật Đấu thầu 2013 đã đạt được những bước tiến đáng kể trong quy định cơ chế về kiến nghị và giải quyết kiến nghị trong đấu thầu, nhưng qua thực tiễn vẫn cần tiếp tục cập nhật, hoàn thiện để thỏa mãn yêu cầu về một môi trường đầu tư cạnh tranh, công bằng.

Cũng theo ông Tăng, các quy định về kiến nghị và giải quyết kiến nghị trong đấu thầu hiện đã rõ ràng hơn, đem lại sự cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế cao hơn cho hoạt động này.

Từ nghiên cứu về pháp luật Việt Nam hiện hành về giải quyết kiến nghị trong đấu thầu theo thủ tục hành chính, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Trưởng khoa Khoa Luật thương mại quốc tế thuộc Đại học Luật Hà Nội nêu ý kiến, còn một số quy định chưa thống nhất, chưa rõ ràng, không khả thi và không hiệu quả. Đơn cử như việc giao cho chủ đầu tư –  cũng chính là người chuẩn bị và tổ chức toàn bộ quá trình đấu thầu - là người giải quyết kiến nghị. Việc này khó đảm bảo được tính khách quan, công bằng nên các nhà thầu, nhà đầu tư thường không tin tưởng vào kết quả giải quyết kiến nghị mà bên mời thầu/chủ đầu tư đưa ra. 

Cần một cơ quan giải quyết kiến nghị độc lập

Nhìn nhận công tác giải quyết kiến nghị trong đấu thầu có vai trò rất quan trọng trong việc tạo lập môi trường đầu tư cạnh tranh, hấp dẫn cho Việt Nam, bà Deborah Wetzel cho rằng, giải quyết kiến nghị của nhà thầu một cách thỏa đáng là điều rất quan trọng. Nếu không làm được việc này, Việt Nam sẽ gặp nhiều rào cản khi tham gia sâu vào các hiệp định thương mại tự do. “Chúng ta cần phải có các cơ chế rõ ràng, minh bạch để giải quyết kiến nghị của nhà thầu một cách có trách nhiệm. Cách giải quyết kiến nghị phải tạo được niềm tin cho nhà thầu, nhà đầu tư” - bà Deborah Wetzel khuyến nghị.

Từ phân tích của mình, bà Deborah Wetzel đưa ra một số nguyên tắc để quản trị tốt việc giải quyết kiến nghị trong đấu thầu tại Việt Nam như: nâng cao tính minh bạch, công khai; trách nhiệm giải trình; tính độc lập của cơ quan giải quyết kiến nghị.

Nhằm tối đa hóa hiệu quả kinh tế từ hoạt động đấu thầu, ông Lê Văn Tăng cho rằng, Chính phủ cần đẩy mạnh phát triển các chiến lược phù hợp với thị trường, đồng thời củng cố pháp luật để ngăn chặn những hành vi làm biến tướng hoạt động đấu thầu. Dẫn chứng cho điều này, ông Tăng cho biết, hiện nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đã áp dụng mô hình cơ quan giải quyết kiến nghị độc lập để việc giải quyết kiến nghị trong đấu thầu hiệu quả nhất. Đây cũng là mô hình mà Việt Nam có thể hướng tới.

Đồng thuận quan điểm cần có một cơ quan giải quyết kiến nghị độc lập, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Giám đốc Chương trình Quản trị cho phát triển có sự tham gia của USAID đề xuất 3 mô hình cơ quan hành chính độc lập giải quyết kiến nghị trong đấu thầu. Đó là mô hình cơ quan hành chính là đơn vị thuộc Văn phòng Chính phủ; cơ quan hành chính độc lập thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư; cơ quan hành chính độc lập là đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước (trực thuộc Quốc hội). Với ba mô hình này, bà Thủy cho rằng, mô hình cơ quan hành chính độc lập là đơn vị trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư có tính khả thi hơn cả, bởi Bộ là cơ quan thực hiện quản lý nhà nước về đấu thầu, đồng thời là Thường trực Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị ở cấp Trung ương, có chuyên môn sâu về đấu thầu.

Chuyên đề