Cần cơ chế hỗ trợ lãi suất vốn vay cho DN tăng trưởng xuất nhập khẩu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Với lợi thế hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng thông qua các hiệp định thương mại tự do cùng tiến trình chuyển đổi số, bùng nổ thương mại điện tử toàn cầu…, cơ hội cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam tăng trưởng hoạt động xuất nhập khẩu trong những năm tới là rất lớn. Tuy nhiên, còn không ít DN vẫn loay hoay với bài toán tiếp cận vốn để đa dạng hoá thị trường, hướng tới tăng trưởng xanh.
Cần cơ chế hỗ trợ lãi suất vốn vay cho DN tăng trưởng xuất nhập khẩu

Theo Trung tâm Phát triển thương mại điện tử của Cục Thương mại điện tử và kinh tế số thuộc Bộ Công Thương, tính đến thời điểm ngày 30/9/2023, doanh số bán hàng thương mại điện tử trên nền tảng B2C (Shopee, Lazada, Tiktok, Tiki, Sendo) tăng trưởng 899% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 181.805 tỷ đồng. Ước tính, doanh thu thương mại điện tử B2C năm 2023 sẽ vượt năm 2022 (16,4 tỷ USD), đạt 20,5 tỷ USD (chiếm 7,8 - 8% trong tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước).

Tiềm năng phát triển lớn đi đôi với nhu cầu vốn để DN phát triển cũng tăng theo. Tuy nhiên, theo nhiều kết quả khảo sát, việc tiếp cận vốn tín dụng là một trong những khó khăn lớn nhất của DN hiện nay, trong đó DN siêu nhỏ và nhỏ là khó tiếp cận hơn cả. Kết quả khảo sát Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2022 (PCI 2022) của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, tỷ lệ DN tiếp cận tín dụng có xu hướng giảm dần trong thời gian gần đây, từ 49,4% vào năm 2017 giảm xuống còn 17,8% vào năm 2022.

Việc tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2% triển khai qua hệ thống ngân hàng thương mại nhằm giúp các DN phục hồi sau đại dịch Covid-19 cũng tương đối thấp khi 29,5% DN có biết tới chương trình này, song chỉ khoảng 2% DN cho biết đã nhận được khoản vay theo gói hỗ trợ lãi suất này; 56,7% DN gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục tiếp cận khoản vay. Rào cản tiếp cận được nguồn vốn vay này chính là tiêu chí “có khả năng phục hồi”, bởi trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn, chi phí sản xuất gia tăng và áp lực lạm phát lớn thì khó có thể đo lường và chứng minh DN đáp ứng được các chỉ tiêu để được nhận hỗ trợ.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, bà Lại Ngọc Hà - Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu trà và nông sản quốc tế Ngọc Thiên cho biết, mặc dù sản phẩm của Công ty được bạn bè trong và ngoài nước ưa chuộng, đánh giá cao về chất lượng cũng như quy trình sản xuất sạch nên bán rất chạy, nhưng cho đến nay, Ngọc Thiên gần như chưa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng nào, cũng như các nguồn tài chính xanh. DN muốn mở rộng thị trường xuất khẩu nhưng không biết làm thế nào để đáp ứng tiêu chuẩn xanh nghiêm ngặt của những thị trường khó tính như các nước trong Liên minh châu Âu và cơ quan nào cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn như vậy…

Lý giải điều này, bà Trần Thị Thanh Tâm - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DN nhỏ và vừa thuộc VCCI cho rằng, một phần là do các DN, nhất là DN nhỏ và vừa còn thiếu năng lực cạnh tranh, năng suất và chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng các quy định của thị trường…

Một nguyên nhân nữa, bà Đoàn Thị Thanh Bình - Phó phòng Phát triển giải pháp tài chính Trụ sở chính Vietinbank cho rằng, là do các chiến lược, chính sách về tín dụng hiện chưa tiếp cận sát với nhu cầu của DN. Do đó, để tiếp sức cho DN xuất nhập khẩu phục hồi sản xuất, đặc biệt là trong những tháng cao điểm cuối năm 2023, Vietinbank đang có Chương trình Trade UP dành riêng cho DN xuất nhập khẩu sử dụng trong thanh toán quốc tế, mua bán ngoại tệ… cùng các giải pháp hỗ trợ trước rủi ro về biến động tỷ giá…

Muốn DN nắm bắt được cơ hội thúc đẩy tăng trưởng xuất nhập khẩu, một số DN kiến nghị, Chính phủ cần nghiên cứu bổ sung cơ chế hỗ trợ lãi suất vốn vay đầu tư đối mới công nghệ để hỗ trợ và thúc đẩy DN đổi mới để đáp ứng yêu cầu các tiêu chuẩn quốc tế, như về đăng ký bảo hộ thương hiệu, nhãn mác sản phẩm, quyền sở hữu công nghiệp cho hàng hoá xuất khẩu, chuyển đổi số…

Theo khuyến nghị của TS. Nguyễn Văn Hội - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách (Bộ Công Thương) tại Hội thảo Các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu cho DN nhỏ và vừa Việt Nam (ngày 26/10), cần có cơ chế, chính sách sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn vay lãi suất thấp, vốn vay theo cơ chế ưu đãi cho DN. Cần tiếp tục triển khai thực hiện Đề án Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu đã được Thủ tướng phê duyệt để giúp DN đa dạng hoá thị trường xuất khẩu và giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh.

Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, ông Nguyễn Văn Hội cho rằng, quan trọng nhất vẫn là sự chủ động của DN. Đó là chủ động cập nhật các chính sách ưu đãi, khuyến khích, hỗ trợ từ phía Nhà nước, nhất là các ưu đãi về đầu tư, tín dụng, hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ, nâng cấp cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động xuất nhập khẩu. Đồng thời, cần tích cực trao đổi thông tin với các hiệp hội ngành hàng, tham gia vào quy trình hoạch định chính sách phát triển xuất nhập khẩu bền vững; tăng cường năng lực quản trị DN…

Chuyên đề