Cần chuyển đổi số toàn diện trong quy trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo nhiều chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp hiện mới chỉ sử dụng các nền tảng số chủ yếu tập trung vào các chức năng, nghiệp vụ đơn giản mà chưa có sự đầu tư trong khâu sản xuất, chế tạo. Trong bối cảnh bùng nổ của công nghệ số, chuyển đổi số mạnh mẽ thời gian tới, thực tiễn đòi hỏi doanh nghiệp cần thay đổi căn bản và toàn diện trên mọi khía cạnh cùng với những giải pháp tổng thể hỗ trợ từ phía Chính phủ để có thể chuyển đổi số thành công.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Sáng 8/12, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Hội thảo “Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ 4: Tình hình triển khai và các giải pháp thời gian tới".

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Trịnh Minh Tâm, Phó Viện trưởng Viện Đánh giá khoa học và định giá công nghệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, trong 2 năm trở lại đây, các công nghệ mới theo làn sóng CMCN4.0 lan tỏa khắp thế giới đã phát huy ảnh hưởng tại Việt Nam và bước đầu có những đóng góp theo chiều hướng tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Báo cáo của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO, 2020), chỉ số đổi mới/sáng tạo toàn cầu của Việt Nam đứng thứ 42 trên 131 quốc gia; Việt Nam giữ vị trí số 1 trong nhóm 29 quốc gia có cùng mức thu nhập và đứng thứ 3 tại khu vực Đông Nam Á…

Trong hơn 10 năm qua, kinh tế số Việt Nam phát triển không ngừng về hạ tầng và thị trường. Trong hệ sinh thái số, 3 thị trường chính là viễn thông, công nghệ thông tin và thương mại điện tử đều có tăng trưởng vượt bậc. Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo được hình thành và phát triển mạnh. Lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech) cũng có chuyển biến rất mạnh mẽ.

Tuy nhiên, ông Tâm cho rằng, các thách thức mà Việt Nam phải đối mặt là rất lớn, năng suất lao động vẫn còn rất thấp so với nhiều nước trong khu vực; năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam chỉ đứng thứ 93/127 quốc gia; chưa có doanh nghiệp khởi nghiệp nào đạt giá trị trên 1 tỷ USD. Về hạ tầng số, cả về hạ tầng thiết bị, kết nối, dữ liệu, ứng dụng và nhân lực công nghệ thông tin, Việt Nam mới đang ở trình độ trung bình thế giới.

Là một doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ, ông Nguyễn Văn Hạ, Tổng giám đốc Mạng xã hội du lịch Hahalolo cho biết, doanh nghiệp đang rất “cô độc” trong việc phát triển Hahalolo ra thị trường quốc tế. Hiện, Hahalolo đang phát triển thị trường ra 8 quốc gia khác ngoài Việt Nam nhưng doanh nghiệp đang gặp những trở ngại lớn về vấn đề nhận diện thương hiệu khi phát triển vào một số thị trường quốc tế lại bị người dùng ngộ nhận và đánh giá là một ứng dụng mạng xã hội của Trung Quốc; chưa có những chính sách, quy định cụ thể rõ ràng cho việc gọi vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, từ các nhà đầu tư nước ngoài của các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ…

Theo ông Cao Minh Việt, Giám đốc Công ty tư vấn Greater IP, doanh nghiệp Việt Nam ở các cấp độ lớn, nhỏ và vừa hiện nay mới chỉ thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ ở các khâu quản trị kinh doanh, phương thức thanh toán, marketing, bán hàng và cung cấp dịch vụ; trong khi đó, mảng chế tạo, sản xuất, quản lý chuỗi cung ứng đang được các doanh nghiệp hoàn toàn “bỏ ngỏ”.

Đồng thuận với quan điểm này, ông Đào Đình Khả, Giám đốc Phòng nghiên cứu Fintech, Viện Quốc tế Pháp ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, đối với doanh nghiệp, chuyển đổi số không chỉ giới hạn ở một sản phẩm hay một quy trình nghiệp vụ mà cần được thay đổi căn bản cách vận hành, văn hóa doanh nghiệp và thay đổi này cần phải toàn diện trên mọi khía cạnh.

Bàn về các giải pháp giúp doanh nghiệp chuyển đổi số thành công, ông Cao Minh Việt cho rằng, doanh nghiệp cần phải hoàn thiện các kênh thông tin theo hướng chuyển đổi số trong từng khâu, từng giao dịch; quá trình này cần sự liên kết với khách hàng, nhà cung cấp thông qua các công cụ tích hợp vào hệ thống chung của doanh nghiệp.

Một số ý kiến khác cho rằng, khi chuyển đổi số, doanh nghiệp cần tập trung vào một số trụ cột chính như: thấu hiểu nhu cầu khách hàng ở cấp độ từng cá nhân; xây dựng trải nghiệm khách hàng; tương tác với khách hàng qua nhiều kênh số hoá; tăng năng suất của đội ngũ nhân viên thông qua thiết lập môi trường làm việc thông minh, linh hoạt; tối ưu hóa hoạt động của doanh nghiệp (tự động hoá và tối ưu hoá hoạt động sản xuất kinh doanh); chuyển đổi sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp nhằm khai thác sức mạnh của dữ liệu để nắm bắt cơ hội kinh doanh mới… từ đó mang đến các giá trị mới cho khách hàng.

Chuyên đề