Cải cách thực chất môi trường kinh doanh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Các kế hoạch hành động mới của Chính phủ cho thấy quyết tâm tháo gỡ rào cản đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phục vụ phát triển đất nước.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Cải thiện đáng kể

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa có văn bản yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương tổ chức rà soát, thống kê các quy định gây mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ, không còn phù hợp với thực tiễn trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, cản trở các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân…

Trên cơ sở đó, các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương đề xuất phương án xử lý, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định, văn bản quy phạm pháp luật cụ thể để tháo gỡ vướng mắc, tạo sự đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật, góp phần khơi thông và huy động mọi nguồn lực trong xã hội cho đầu tư, kinh doanh, phục vụ người dân và DN. Kết quả rà soát, thống kê và đề xuất, kiến nghị gửi về Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ trước ngày 15/5/2021.

Trước đó, tại phiên họp Chính phủ đầu tiên sau khi kiện toàn nhân sự tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, một trong những nội dung được Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh là tích cực tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu tăng cường cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực một cách thực chất và hiệu quả, kiên quyết ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và DN. Việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh cần kịp thời, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phục vụ phát triển đất nước bằng thể chế, cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả. Đó là những động thái cho thấy Chính phủ quyết liệt hành động để tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh.

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đánh giá, môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam trong thời gian qua đã được cải thiện đáng kể, trở nên an toàn hơn, bình đẳng hơn giữa các thành phần kinh tế, thủ tục hành chính được cải thiện, chi phí không chính thức có chiều hướng giảm. Các biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ DN vẫn được tiếp tục thực hiện, bất chấp bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Điều đáng khích lệ là Chính phủ thể hiện quyết tâm hành động để không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Theo Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam Nguyễn Hoài Nam, các hành động chính sách, việc thực hiện Nghị quyết 02 về cải thiện môi trường kinh doanh và sự tham gia của các bộ, ngành trong cải cách thể chế đã có tác động tích cực đối với hoạt động của DN.

Thách thức ngày càng lớn

Dù đánh giá môi trường kinh doanh đã có nhiều bước tiến, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ hơn về thủ tục, quy định hành chính, chất lượng hạ tầng, đơn giản hoá thủ tục hải quan, thuế, bảo hiểm xã hội, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực.

Địa phương nào cũng nói đến mời gọi đầu tư dự án chất lượng cao nhưng phải xem lại sự chuẩn bị của địa phương như chất lượng thể chế, lĩnh vực nào ưu tiên cho DN trong nước, lĩnh vực nào mời gọi DN nước ngoài.

Theo TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), dù môi trường kinh doanh đã được cải thiện đáng kể song vẫn còn nhiều trở ngại với DN như: Các điều kiện kinh doanh bất cập ở cấp luật; điều kiện kinh doanh chồng chéo, không cần thiết, không minh bạch hoặc can thiệp sâu vào quyền tự quyết của DN; hoạt động kiểm tra chuyên ngành chuyển biến chậm; cơ chế một cửa chưa thực sự hiệu quả khi thiếu kết nối giữa các bộ, ngành, hệ thống công nghệ thông tin bị nghẽn khiến DN vẫn phải nộp kèm bản giấy.

Từ thực tế ngành thủy sản, ông Nguyễn Hoài Nam nêu ý kiến, vẫn còn một số tồn tại trong việc kiểm soát nhập khẩu thủy sản khi danh mục kiểm tra với mặt hàng này ngày một dày thêm, 100% hàng thủy sản đều phải kiểm dịch thú y và an toàn thực phẩm, không có sự phân định hàng nguyên liệu hay hàng thành phẩm. Việc kiểm soát nhập khẩu thủy sản cần phải được xem xét, đảm bảo thông lệ quốc tế.

TS. Vũ Tiến Lộc nhận định, những thách thức đối với việc cải thiện môi trường kinh doanh trong 5 năm tới sẽ lớn hơn rất nhiều so với những gì đã làm được. Để bước từ cấp độ thể chế thấp lên thể chế trung bình thì dễ, nhưng từ thể chế trung bình lên thể chế tốt thì khó khăn hơn rất nhiều.

“Giờ chính là lúc cần có sự chung tay góp sức của tất cả các DN, các hiệp hội DN, các cơ quan, từng cán bộ trong bộ máy nhà nước, không chỉ bằng công sức mà còn phải cả trí tuệ để có thể tiếp tục đưa môi trường kinh doanh của Việt Nam tiến lên. Đây không chỉ là thách thức đối với Chính phủ, mà còn là thách thức đối với cả các DN, hiệp hội, các chuyên gia để đưa ra được các giải pháp hiệu quả về lâu dài”, ông Lộc nhấn mạnh.

Chuyên đề